03:13 17/03/2023

Credit Suisse nhận được 'phao cứu sinh', châu Âu đã có thể ăn mừng?

Credit Suisse đã nhận được "phao cứu sinh", nhưng không thể loại trừ con đường dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới.

Chú thích ảnh
Cổ phiếu của các ngân hàng Thụy Sĩ đã phục hồi khi thị trường mở cửa vào sáng 16/3, sau quyết định giải cứu của Ngân hàng trưng ương nước này. Ảnh: Getty Images

Cổ phiếu Credit Suisse sụp đổ, gửi "rung chấn" tới khắp các ngân hàng châu Âu.

Nhưng khoản cho vay khẩn cấp 50 tỷ franc Thụy Sĩ từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ vào đầu giờ sáng 16/3 đã giúp kéo một trong những tổ chức ngân hàng hàng đầu của nước này, Credit Suisse, có trụ sở tại Zurich, khỏi bờ vực sụp đổ.

Khi thị trường mở cửa giao dịch vào buổi sáng 16/3, cổ phiếu của ngân hàng Credit Suisse đã tăng vọt 40%. Đây rõ ràng là tín hiệu vui đối với những người đã luôn nói rằng những gì đang trải qua không phải là cuộc khủng hoảng của châu Âu.

Nhìn từ quan điểm pháp lý, những rắc rối tại Credit Suisse đã âm ỉ trong nhiều năm và không liên quan nhiều đến các yếu tố đã khiến Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở California sụp đổ một tuần trước đó, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải can thiệp triệt để.

Credit Suisse từ lâu đã trong quá trình tái cơ cấu, bị kéo đi xuống bởi một loạt bê bối đáng tiếc.

Sau cú giải cứu Credit Suisse, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã thể hiện tự tin, có phần "thách thức" tại cuộc họp chính sách lãi suất ngày 16/3. Trong khi các thị trường đang mong đợi một sự gián đoạn đối với lịch trình tăng lãi suất dày đặc của ECB, thì bà Lagarde cho biết vẫn tiếp tục lộ trình của mình. Hệ thống ngân hàng châu Âu có thể xử lý nó - bà phát tín hiệu.

Điều mà thị trường muốn biết là, liệu bà Lagarde có lại phải hối hận không?

Chú thích ảnh
Chủ tịch ECB Christine Lagarde tại cuộc họp báo ở Frankfurt, Đức ngày 16/3/2023. Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Phản ứng trên thị trường chứng khoán đã nói lên điều đó. Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn ở châu Âu, trong đó có Deutsche Bank của Đức và Société Générale của Pháp, tiếp tục đà đi xuống sau cuộc họp, thậm chí cả Credit Suisse cũng giảm đà tăng.

Sai lầm có đang lặp lại?

Hơn một thập kỷ trước, một trong những người tiền nhiệm của bà Lagarde, ông Jean-Claude Trichet, đã ngoan cố tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011. Căng thẳng đã đẩy nhiều khu vực ngoại vi châu Âu đến bờ vực sụp đổ kinh tế và làm lung lay niềm tin của thị trường vào hệ thống đồng tiền chung euro.

Ngày nay, các nhà phân tích vẫn còn tranh cãi về việc liệu bà Lagarde có lặp lại sai lầm tương tự hay không.

Elettra Ardissino, nhà phân tích cấp cao về châu Âu tại Greenmantle, cho biết: “Ông Trichet đã gây ra một cuộc bán tháo tại các quốc gia ở vùng rìa châu Âu. Có rất ít bằng chứng cho thấy sự hoảng loạn ngân hàng đang lan sang các quốc gia khác - chênh lệch lợi suất trái phiếu BTP-Bund vẫn được kiềm chế".

Những người khác, như chuyên gia Marc Ostwald tại ADM Investor Services, tin rằng rủi ro nằm ở nơi khác, có khả năng ở các quốc gia vùng lõi của châu Âu như Đức và nhiều quốc gia trong số đó đang phải đối mặt với khó khăn kép do thâm hụt công và tỷ lệ nợ ngày càng tăng do chi tiêu thời kỳ đại dịch COVID-19, cũng như tác động từ các biện pháp hỗ trợ Ukraine, và sự thay đổi mạnh mẽ về chi phí tài chính so với thời kỳ hưởng lãi suất bằng 0 hoặc âm.

Ông Ostwald nói với Politico: “Thị trường là một trò chơi về niềm tin và niềm tin đang có nguồn cung rất khan hiếm. Có rất nhiều rủi ro: chênh lệch lãi suất của các chính phủ khu vực đồng euro lớn hơn, phí bảo hiểm rủi ro tăng và vẫn có nguy cơ kịch trần nợ của Mỹ".

Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ Credit Suisse có thể đã lặp lại những gì người tiền nhiệm của bà Lagarde là Mario Draghi đã làm khi ông tuyên bố ECB sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để bảo vệ hệ thống. Tuy nhiên, bảng cân đối công khai năm 2023 nhiều khả năng sẽ cho thấy những hạn chế mới. Và việc đặt toàn bộ sức nặng của nền kinh tế quốc gia cho một ngân hàng châu Âu có thể là không đủ trong thời điểm này.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ảnh: AFP/Getty Images

Tác động của lãi suất cao đã khiến ngay cả những tổ chức mạnh nhất như Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, cũng phải ghi nhận khoản lỗ, báo hiệu khả năng chính phủ sẽ phải giải cứu ngân hàng bằng tiền đóng thuế.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đã bác bỏ những lo ngại như vậy, nói rằng ngay cả khi chính phủ rút lại hỗ trợ, thì các ngân hàng này sẽ không bao giờ phá sản vì họ có quyền tiếp cận máy in tiền của chính họ.

Theo Politico, những biện pháp phòng vệ như vậy chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, tình trạng kinh tế được cải thiện và niềm tin vào các loại tiền tệ quốc gia vẫn ở mức cao. Không có ba nguyên tắc cơ bản đó, không thể loại trừ khả năng hình thành "một Argentina mới".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)