08:03 09/08/2012

CPI tháng 8 có thể tăng nhẹ

Do ảnh hưởng của các yếu tố như giá nhiên liệu thế giới đang tăng, giá xăng dầu trong nước, giá điện, giá nước đã được điều chỉnh tăng, hơn nữa miền Bắc đang trong mùa mưa bão… nên dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 có khả năng tăng nhẹ sau 2 tháng giảm liên tiếp.

Theo nhận định mới nhất của Tổ điều hành thị trường trong nước, thời gian tới, do ảnh hưởng của các yếu tố như: Giá nhiên liệu thế giới đang tăng, giá xăng dầu trong nước, giá điện, giá nước đã được điều chỉnh tăng, hơn nữa miền Bắc đang trong mùa mưa bão… nên dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 có khả năng tăng nhẹ sau 2 tháng giảm liên tiếp.

 

Mua bán hàng hóa tại siêu thị INTIMEX. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Báo cáo Tình hình giá cả thị trường tháng 7/2012 và dự báo tháng 8/2012 do Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Thị Thúy Nga ký ngày 6/8 cho hay: Tháng 8/2012, mặt bằng giá thị trường chịu tác động bởi những yếu tố như: giá một số mặt hàng tăng.


Cụ thể: giá điện bình quân tăng 5% từ ngày 1/7, giá xăng dầu tăng 300- 400 đồng/lít, kg từ ngày 20/7 và tăng 350- 900 đồng/lít, kg từ ngày 1/8; giá nước sạch, giá dịch vụ khám chữa bệnh có thể tăng tại một số địa phương, giá gas tăng… sẽ tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng và giá một số hàng hóa, dịch vụ khác.


Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tháng 8/2012, giá một số mặt hàng có khả năng giảm hoặc “đứng”: Giá lúa, gạo giảm hoặc đứng do lượng cung tăng trong khi nhu cầu gạo không cao; giá đường khó có khả năng tăng cao do lượng đường tồn kho nhiều, mặc dù đã đến “mùa” sản xuất bánh Trung thu. Giá thực phẩm tươi sống, sữa, phân bón, xi măng, thép… có xu hướng ổn định hoặc giảm.


Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, nhìn chung, tháng 8/2012, cung cầu hàng hóa cơ bản ổn định nhưng sức mua trên thị trường vẫn yếu, tiêu thụ các mặt hàng nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn.


Vì vậy, để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, đại diện các hiệp hội ngành hàng cho rằng, quan trọng nhất là biện pháp kích cầu thị trường, nâng cao mức thu nhập của người tiêu dùng.


Theo ông Nguyễn Xuân Chiến - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Nghị quyết 01, Nghị quyết 13 và mới đây là Nghị quyết 26 của Chính phủ đã phản ánh đầy đủ các biện pháp tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách thường có độ trễ khi đi vào cuộc sống nên sẽ phát huy hiệu quả vào những tháng tới.


Một vấn đề liên quan tới mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng được các chuyên gia thương mại chú trọng. So với tháng 6/2012, giá một số loại thực phẩm tươi sống đã giảm do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua giảm. Trong đó giá gà giảm là do tình trạng gà thải loại nhập lậu tràn lan vào các tỉnh phía Bắc. Trong tháng 7/2012, giá thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch đã giảm 5.000 đồng/kg.


Tại thị trường miền Bắc giá phổ biến khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 110.000 - 125.000 đồng/kg… Đại diện Bộ Tài chính cũng nhận định: Tình hình thời tiết, dịch bệnh trên gia súc còn diễn biến phức tạp, cụ thể là dịch bệnh lợn tai xanh đang bùng phát lại tại một số địa phương, nhiều người bỏ chăn nuôi do bị lỗ, có thể tác động đến nguồn cung trong thời gian tới và có khả năng sẽ làm tăng giá các mặt hàng thực phẩm thay thế.


Trước tình hình này, Tổ điều hành thị trường đã kiến nghị Chính phủ nhanh chóng có chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và thủy sản nhằm giải quyết một phần khó khăn cho 2 ngành này.


Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc nhập lậu gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ ổn định hơn.


Đề cập tới giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng, xăng dầu và gas, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Nếu như giá xi măng tại các nhà máy và tại các thị trường ổn định trong tháng 8/2012 thì giá bán lẻ thép có xu hướng giảm nhẹ so với tháng 7/2012.


Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đại diện Bộ Tài chính cũng nhận định: Trong ngắn hạn, thị trường xăng dầu thế giới không có biến động lớn so với hiện tại. Trong khi đó giá gas đã bắt đầu “rục rịch” tăng do từ 1/8 giá nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) thế giới - giá CP là 775 USD/T, tăng 177,5 USD/T (tăng 29,7% so với tháng 7/2012).


Tính đến ngày 2/8, một số đơn vị kinh doanh LPG đã gửi đăng ký giá đến Cục Quản lý giá với mức giá bán buôn tăng 25,7- 25,8% so với tháng 7/2012; giá bán lẻ tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh bình quân 367.000 đồng/bình 12 kg, tăng 52.000 đồng/bình 12 kg (tăng 16,5% so với tháng 7/2012).


Minh Phương