08:06 04/08/2021

COVID-19 tới 6h sáng 4/8: Thế giới vượt mốc 200 triệu ca bệnh; Mỹ lại dẫn đầu ca nhiễm mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 581.000 ca nhiễm và 9.262 ca tử vong, nâng tổng ca bệnh vượt mốc 200 triệu, bao gồm trên 4,25 triệu ca tử vong. Nước Mỹ tăng vọt ca nhiễm mới lên trên 88.000 ca, trở lại dẫn đầu thế giới.

Chú thích ảnh
 Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sumapaz, Colombia, ngày 29/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 4/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 200.187.759 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.257.752 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 581.423 và 9.267 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 180.478.496 người, 15.451.034 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 92.253 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, nước Mỹ tăng vọt ca nhiễm, trở lại dẫn đầu thế giới với 88.342 ca mới; tiếp theo là Ấn Độ (42.566 ca) và Iran (39.019 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với ngày kỷ lục 1.604 người chết, tiếp theo là Nga (789 ca) và Ấn Độ (424 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay vượt 36 triệu, cụ thể là 36.023.120 người, trong đó có 630.447 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.767.965  ca nhiễm, bao gồm 425.789 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.985.817 ca bệnh và 558.432 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Mỹ: Biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh 

Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tiếp tục gia tăng và các bệnh viện chịu sức ép lớn hơn, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang khiến các chuyên gia khuyến cáo người dân đi tiêm chủng. 

Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho biết trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã tăng hơn 40% so với tuần trước. 

Trong khi đó, Điều phối viên ứng phó với COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết khoảng 33% tổng số các ca mắc COVID-19 của Mỹ được báo cáo trong tuần trước là từ 2 bang Florida và Texas. Đáng chú ý, các trường hợp mắc bệnh đang gia tăng ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp của hai bang này. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 hiện đã tăng lên mức được ghi nhận vào mùa Đông năm 2020. Theo dữ liệu mới từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, đã có 50.625 bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện vào ngày 2/8, nhiều hơn gấp 3 lần so với mức được ghi nhận 1 tháng trước. 

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đang tăng lên, trong đó tỷ lệ tiêm chủng của Louisiana đang tăng nhanh chóng, với số người mới được tiêm chủng trung bình tăng 302% mỗi ngày. Ông Jeff Zient cho biết tỷ lệ tiêm chủng đã tăng hơn gấp đôi ở các bang có tỷ lệ ca bệnh cao nhất, trong đó tại Mississippi tăng 250%, Alabama là 215% và Arkansas là 206%. Theo Tiến sĩ Francis Collins, người dân Mỹ đang nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của biến thể Delta và tầm quan trọng của việc tiêm chủng.

Cùng ngày 3/8, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã tài trợ và vận chuyển hơn 110 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này trên toàn cầu. Nhà Trắng cho biết phần lớn trong số 110 triệu liều nói trên được chia sẻ thông qua COVAX. Các quốc gia nhận được số lượng vaccine lớn nhất bao gồm Indonesia (8 triệu liều), Philippines (hơn 6,2 triệu liều), Colombia (6 triệu liều), Nam Phi (hơn 5,6 triệu liều), Pakistan (5,5 triệu liều), Bangladesh (5,5 triệu liều) và Việt Nam (5 triệu liều).

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seattle, Washington (Mỹ) ngày 7/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu vượt Mỹ trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các số liệu chính thức, khoảng 50% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Cụ thể, gần 224 triệu người tại 27 quốc gia thành viên EU đã được tiêm chủng, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu các nước lớn với 58,3% dân số đã được tiêm chủng, tiếp theo là Italy (54,4%), Pháp (52,9%) và Đức (52,2%). Cũng theo thống kê của AFP, đã có 59,3% dân số EU đã được tiêm 1 mũi vaccine, trong khi con số này tại Mỹ là 57,8%.

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các con số này đồng nghĩa châu Âu đã vượt qua Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng. Hiện tại Mỹ mới có khoảng 49,7% dân số được tiêm chủng đủ liều song chiến dịch tiêm chủng đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ở các bang miền Nam và Trung Tây. Nước này đã đạt được mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% người trưởng thành vào ngày 2/8 trong bối cảnh làn sóng các ca mắc mới khiến số bệnh nhân phải nhập viện tăng vọt lên mức ghi nhận vào mùa Hè năm ngoái. Mỹ cũng đang tụt hậu so với nước láng giềng phía Bắc là Canada, quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng muộn hơn nhưng hiện đã có 59% dân số được tiêm đủ liều.

EU bắt đầu giải ngân gói phục hồi sau đại dịch  

Ngày 3/8, Liên minh châu Âu (EU) đã giải ngân khoản tiền đầu tiên trong gói phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 800 tỷ euro cho các quốc gia thành viên. Theo đó, Bỉ nhận được 770 triệu euro, Luxembourg - 12,1 triệu euro và Bồ Đào Nha - 2,2 tỷ euro. 

Các khoản tiền trên nhằm hỗ trợ công tác cải cách và đầu tư thiết yếu tại các nước thành viên EU sau đại dịch COVID-19. Ban đầu, quỹ phục hồi này có 750 tỷ euro, nhưng đây là tỷ giá năm 2018. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính theo tỷ giá năm nay, quỹ trên lên đến 806,9 tỷ euro. Hiện 25/27 quốc gia thành viên EU đã đệ trình kế hoạch chi tiêu, trong đó 16 kế hoạch đã được phê duyệt. Bulgaria và Hà Lan là hai quốc gia chưa đệ trình kế hoạch chi tiêu và hạn chót nộp kế hoạch này là giữa năm sau. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ditzingen, Đức ngày 10/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo người phát ngôn EC Arianna Podesta, thứ tự các quốc gia nhận được khoản giải ngân trong gói phục hồi trên sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ các nước thông qua thỏa thuận nhanh hay chậm. 
Dự kiến, trong gói phục hồi trên, Bỉ sẽ nhận được tổng cộng 5,9 tỷ euro dưới dạng tài trợ và Luxembourg - 97 triệu euro. Bồ Đào Nha sẽ được nhận tổng cộng 16,6 tỷ euro, trong đó 13,9 tỷ euro là tài trợ, 2,7 tỷ euro là khoản cho vay.

Trung Quốc khẳng định hiệu quả của vaccine nội địa đối với biến thể Delta

Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho rằng nước này cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 83% dân số để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Ông khẳng định các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất có hiệu quả đối với biến thể Delta và nhấn mạnh toàn bộ 13 ca bệnh nặng, nhiễm biến thể này trong đợt bùng phát dịch COVID-19 ở thành phố Quảng Châu trong tháng 5 vừa qua, đều không tiêm chủng.

Tờ Tin tức Buổi tối Tiền Giang ngày 2/8 cho biết chuyên gia Chung Nam Sơn nêu rõ các vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc có thể bảo vệ người dân chống lại biến thể Delta, đồng thời đề cập đến những nghiên cứu với 100 bệnh nhân nhiễm biến thể này ở Quảng Châu trong tháng 5. Ông nhấn mạnh những nghiên cứu sơ bộ cho thấy các loại vaccine của Trung Quốc bảo vệ 100% người tiêm trước nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tỷ lệ hiệu quả lần lượt là 76,9%, 67,2% và 63,2% đối với các thể trung bình, nhẹ và nhiễm bệnh không triệu chứng.   

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 2/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyên gia Chung Nam Sơn cảnh báo toàn bộ 13 ca bệnh nặng ở Quảng Châu hồi tháng 5 đều mắc biến thể Delta và đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh. So sánh với đợt bùng phát dịch ở Quảng Châu,  ông Chung nói rằng đợt bùng phát mới ở thành phố Nam Kinh – thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, đã lan rộng ra các khu vực rộng lớn hơn và điều này đáng được quan tâm. Tuy nhiên, chuyên gia Chung Nam Sơn tin tưởng rằng đợt bùng phát này có thể được kiểm soát trong khoảng 10 đến 14 ngày do các biện pháp hữu hiệu của chính quyền địa phương

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 2/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ấn Độ gia hạn tạm ngừng bay thương mại quốc tế đến cuối tháng 8

Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình cho đến ngày 31/8 tới. Tuy nhiên, các chuyến bay theo chương trình "Vande Bharat Mission" và các chuyến bay khác theo thỏa thuận song phương của Ấn Độ với từng nước tiếp tục hoạt động và những người đủ điều kiện theo quy định của chính phủ có thể bay đến và đi từ Ấn Độ.

Các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình đã bị đình chỉ từ ngày 23/3/2020 do đại dịch COVID-19. Sau 17 tháng tạm dừng bay thương mại quốc tế nhưng tình hình dịch COVID-19 ở Ấn Độ chưa có dấu hiệu cải thiện, khiến nhà chức trách lo ngại nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào nếu các biện pháp phòng dịch không được thực hiện nghiêm túc và nếu mở cửa một cách vội vàng. 

Trong khi đó, tờ The Economic Times đưa tin các cơ quan chuyên môn Ấn Độ đang xem xét chặt chẽ dữ liệu về vaccine Sputnik V  ngừa COVID-19 của Nga để xem liệu một liều vaccine này có đủ hiệu quả hay không. Đánh giá này được tiến hành khi các nhà sản xuất địa phương đang đối mặt với những thách thức trong việc sản xuất liều thứ hai của vaccine Sputnik V. Không giống như các vaccine ngừa COVID-19 khác, các thành phần của 2 liều Sputnik V khác nhau.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tunis, Tunisia, ngày 17/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản sẽ tiêm mũi thứ ba cho người dân vào năm 2022

Chính phủ Nhật Bản dự định bắt đầu tiêm mũi thứ 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ năm 2022, với vaccine của các hãng Pfizer và Moderna.

Trong bối cảnh Nhật Bản đứng trước nguy cơ thiếu giường bệnh khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, ngày 2/8, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến nghị các bệnh nhân COVID-19 ở Tokyo và một số khu vực khác tự hồi phục ở nhà nếu họ không bị ốm nặng hoặc không có triệu chứng nghiêm trọng.

Theo các văn bản hướng dẫn trước đó của Chính phủ Nhật Bản, về nguyên tắc, các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng được khuyến nghị nhập viện, trong khi các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ sẽ tự hồi phục ở các cơ sở cách ly do chính phủ chỉ định. Việc tự hồi phục ở nhà chỉ giới hạn đối với những người không thể sử dụng các cơ sở cách ly.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 2/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia: Ca mắc giảm nhưng biến thể Delta lan rộng 

Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn báo Khmer Times đưa tin ngày 3/8 là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia giảm. Tuy nhiên, với số ca nhập cảnh mắc COVID-19 và số ca tử vong vì đại dịch còn cao. 

Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 29 người tử vong và 577 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 224 ca nhập cảnh và 353 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến ngày 3/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 79.051 ca mắc COVID-19, trong đó 72.145 ca khỏi bệnh và 1.471 người tử vong.

Giới chuyên gia lo ngại nhiều người tiếp tục vượt biên trái phép từ Thái Lan về nước trong bối cảnh 8 tỉnh biên giới giáp Thái Lan đã phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19. Ngày 3/8, báo chí Campuchia thông tin về 8 ca nghi nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh, kết hợp với thông tin phong tỏa một số khu vực trong thành phố thuộc quận Russey Keo và quận Tuol Kork hôm qua. Điều này cho thấy biến thể Delta đã chuyển từ các ca nhập cảnh sang lây nhiễm cộng đồng. 

Chú thích ảnh
 Người dân chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào ngày 10/2 với mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người (gồm 10 triệu người trưởng thành và 2 triệu thanh thiếu niên), chiếm 75% trong tổng số 16 triệu dân của nước này cho đến tháng 11/2021. Tính đến ngày 2/8, khoảng 7,5 triệu người, chiếm 46,8% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Lào lần thứ 7 liên tiếp gia hạn lệnh phong tỏa 

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày 3/8, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 4-18/8. Đây là lần thứ 7, Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay. 

Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ do lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ người lao động nhập cảnh và một số ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào đã yêu cầu tăng cường truy vết người mắc COVID-19 để đưa đi điều trị kịp thời và thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu đề ra. Ban lãnh đạo các tỉnh có nhiều ca mắc COVID-19 cần bàn bạc và xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giải quyết tình trạng đông người cách ly và số bệnh nhân gia tăng trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Cảnh sát tuần tra nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng dịch tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 15 ngày tới, các quy định được duy trì bao gồm đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, cafe Internet, spa; không cho phép hoạt động thể thao tiếp xúc cơ thể; cấm người dân ra vào vùng đỏ; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập đông người. Các hoạt động được nới lỏng bao gồm: cho phép mở trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, chợ thực phẩm, chợ đêm, quán tóc, quán làm đẹp ngoài vùng đỏ. Quán ăn, cà phê, khu du lịch, ẩm thực ngoài vùng lây nhiễm có thể được mở cửa nhưng không cho phép phục vụ đồ uống có cồn. Hoạt động hội họp chính thức được phép diễn ra với điều kiện đảm bảo tuân thủ biện pháp chống lây nhiễm.

Lào cũng cho phép nối lại hoạt động vận tải đường bộ và hàng không ở địa phương không có dịch hoặc giữa các địa phương có dịch nếu tài xế và hành khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Ở khu vực không có dịch bệnh lây lan, trường học các cấp và trung tâm thể thao được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ngày 3/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 250 ca mắc mới, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào tới nay đã lên tới 7.015 ca, trong đó có 7 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới phòng cấp cứu của bệnh viện Cengkareng ở Jakarta, Indonesia ngày 9/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia lạc quan đạt mục tiêu tiêm chủng

Ngày 3/8, Bộ trưởng điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP) của Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết chính phủ nước này đang rất lạc quan trong việc đạt được mục tiêu đề ra về việc đạt được miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021. Theo đó, đến ngày 31/8 tới, 50% người trưởng thành trên 18 tuổi của Malaysia sẽ hoàn thành tiêm chủng. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia, ngày 25/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu sau khi đến thăm trung tâm tiêm chủng vaccine lưu động tại Kampung, Bộ trưởng Khairy khẳng định đến ngày 31/8 sẽ có 50% người Malaysia trưởng thành hoàn thành tiêm chủng vì với tốc độ tiêm chủng khoảng 500.000 mũi/ngày trong suốt một tuần qua, cùng với việc hiện tại 31% người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng, Malaysia chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra vào cuối tháng này. 

Bộ trưởng Khairy cho biết chương trình tiêm chủng đại trà sẽ sớm được mở rộng sang các bang khác, ưu tiên dành cho người cao tuổi. Theo ông, số mũi tiêm vaccine/ngày đã tăng trên 500.000 mũi tiêm trong 6 ngày qua và đạt kỷ lục 519.111 mũi tiêm vào ngày 1/8 vừa qua.

Thái Lan mở rộng kiểm soát sang nhiều khu vực

Ngày 3/8, Thái Lan đã gia hạn các biện pháp kiểm soát siết chặt hơn tại những khu vực có nguy cơ cao đồng thời mở rộng sang nhiều khu vực khác trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 cho biết trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 18.901 ca mắc mới và thêm 147 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi vì dịch COVID-19 lên lần lượt 652.185 ca và 5.315 ca. Theo cơ quan này, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 13 khu vực, trong đó có thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, sẽ được gia hạn tới ngày 31/8. Nước này cũng quyết định áp đặt các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn tại 16 tỉnh khác từ ngày 3/8. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm. 

Philippines: Biến thể Delta bùng khắp đất nước

Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 3/8 thông báo ghi nhận thêm 6.879 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.612.541 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 28.141 người sau khi có thêm 48 bệnh nhân không qua khỏi.

Chú thích ảnh
 Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại San Juan, Philippines ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines, quốc gia có dân số khoảng 110 triệu người, đang chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh - được cho là nguyên nhân dẫn đến "sự gia tăng theo cấp số nhân" các ca mắc COVID-19 trong nước. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines Rabindra Abeyasinghe cảnh báo hàng loạt mẫu xét nghiệm cho thấy các ca nhiễm biến thể Delta được ghi nhận ở nhiều vùng, nhiều thành phố và đây có thể là dấu hiệu cho thấy "sự lây nhiễm trong cộng đồng".

Philippines đã phát hiện 216 ca nhiễm biến thể Delta, trong đó có 9 ca tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết tác động của biến thể Delta hiện đã được ghi nhận trên toàn quốc và tất cả các khu vực đều có dấu hiệu gia tăng số ca mắc. Theo ông, DOH "đang xem sự gia tăng ca mắc theo cấp số nhân là sự lây nhiễm trong cộng đồng".

 

Thu Hằng/Báo Tin tức