11:06 21/11/2021

COVID-19 tới 6h sáng 21/11: Đức đứng đầu thế giới ca nhiễm mới; Nga tiếp kỷ lục tử vong

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 463.000 ca nhiễm và 5.358 ca tử vong. Nước Đức đứng đầu thế giới về ca nhiễm mới, nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch thứ 5, trong khi Nga ghi nhận ca tử vong mới ở mức kỷ lục.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/11 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 257.389.375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.162.733 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 463.547 và 5.358 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 232.337.500 người, 19.889.142 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.364 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 48.245 ca; Anh đứng thứ hai với 40.941 ca; tiếp theo là Nga (37.120 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.254 người chết trong ngày; tiếp theo là Ukraine (564 ca) và Ba Lan (382 ca tử vong). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 48.552.627 người, trong đó có 793.470 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.504.689 ca nhiễm, bao gồm 465.349 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.012.150 ca bệnh và 612.587 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/11/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 81,22 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 70,19 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 58,16 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là gần 38,9 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,65 triệu ca và châu Đại Dương trên 345.000 ca nhiễm.

Áo- quốc gia châu Âu đầu tiên bắt buộc tiêm vaccine 

Áo sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với tất cả người dân. Tuyên bố trên được Thủ tướng Alexander Schallenberg đưa ra cùng với thông báo quốc gia Trung Âu này bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 trong ít nhất 10 ngày kể từ 22/11.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vienna, Áo, ngày 10/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Hiện Chính phủ Áo đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để quy định tiêm vaccine bắt buộc nói chung có thể có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 và quy định này chỉ miễn trừ cho những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe. Mặc dù độ tuổi được yêu cầu tiêm chủng hiện vẫn chưa được xác định, nhưng chính phủ cho biết tất cả những người từ chối tiêm có khả năng bị phạt hành chính, thậm chí có thể chuyển thành án tù nếu không nộp phạt.

Phát biểu sau cuộc họp với đại diện các bang trong cả nước, Thủ tướng Schallenberg cho biết chính phủ đã thuyết phục nhiều tháng qua nhưng hiện số người đi tiêm vẫn chưa đủ để đạt miễn dịch cộng đồng. Việc siết chặt các quy định như yêu cầu kiểm tra “hộ chiếu vaccine” và xét nghiệm virus đã bắt đầu mang lại kết quả nhưng vẫn chưa đủ để kiểm soát dịch bệnh. Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn có làn sóng dịch thứ 5, thứ 6 hay thứ 7”.

Áo đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất với tỷ lệ mắc COVID-19 vượt 990 ca/100.000 người trong 7 ngày. Riêng trong ngày 19/11, nước này ghi nhận thêm 15.809 ca nhiễm mới.

Đức cảnh báo làn sóng dịch thứ 5 vào mùa Đông

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu tạm lắng tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) ngày 20/11 đã cảnh báo những nguy cơ từ làn sóng thứ 5 vào mùa Đông này, khi chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày xét trên 100.000 dân ở Đức hiện ở mức cao kỷ lục.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Chủ tịch RKI Lothar Wieler cho biết để ngăn chặn những nguy cơ trong mùa Đông, cần phải nhanh chóng hành động với những biện pháp cứng rắn, kể cả đối với những người đã tiêm đầy đủ, bởi chỉ riêng việc tiêm phòng là chưa đủ để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. 

Theo ông Wieler, xu hướng dịch bệnh trong mùa Đông phụ thuộc nhiều vào những gì diễn ra hiện nay. Ông cảnh báo cần ngay lập tức có hai sự điều chỉnh, gồm hạn chế tiếp xúc trên diện rộng ở Đức, cũng như tránh các lễ hội, sự kiện lớn trong không gian kín có đông người tham gia. Biện pháp hạn chế này có thể thấy rõ hiệu quả sau 2 tuần.

Điều cần làm thứ hai, theo Chủ tịch RKI, là cần phải đẩy mạnh tiêm chủng tối đa, dù biện pháp này không tác động nhanh chóng tới số ca nhiễm mới như việc hạn chế tiếp xúc và phải cần tới 3-5 tuần để thấy rõ hiệu quả.

Chú thích ảnh
Hà Lan cấm pháo hoa dịp mừng Năm mới 2022.

Séc và Slovakia siết chặt quy định với người chưa tiêm vaccine

Trước tình hình lây nhiễm COVID-19 tăng cao trong những ngày gần đây, Chính phủ CH Séc và Slovakia đã quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm phòng vaccine.

Từ ngày 22/11, Séc chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, tham dự sự kiện và sử dụng một số dịch vụ khác. Quy định này sẽ buộc những người chưa tiêm phòng phải nhanh chóng đi tiêm vaccine, qua đó giúp giảm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh.

Thủ tướng Séc Andrej Babiš cảnh báo nước này đang đối mặt với tình huống nghiêm trọng khi tỷ lệ lây nhiễm trong tuần qua đã lên mức cao nhất kể từ khi có dịch. Đỉnh điểm là ngày 16/11, Séc ghi nhận tới 22.479 ca nhiễm mới trên tổng dân số chỉ hơn 10 triệu người.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Budapest, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại quốc gia láng giềng Slovakia, chính phủ cũng đã thống nhất áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm phòng vaccine, đồng thời kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng ngay để chặn đứng làn sóng lây nhiễm mới trong vài ngày qua. Lệnh hạn chế cũng tương tự như ở Séc, với việc chỉ cho những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, cửa hàng bán đồ không thiết yếu hoặc các sự kiện công cộng. Các hạn chế mới có hiệu lực từ ngày 22/11.

Trong Liên minh châu Âu (EU), Séc và Slovakia có tỷ lệ nhiễm mới hằng ngày thuộc nhóm cao nhất và cùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình chung của cả khối. Tỷ lệ tiêm chủng ở Séc hiện là 58%, Slovakia 45%. Hệ thống y tế của cả hai nước đều trong tình trạng quá tải và nhiều bệnh viện tuyến đầu không còn đủ giường điều trị cho bệnh nhân nặng.

Brazil đã tiêm phòng cho hơn 70% dân số

Bộ Y tế Brazil ngày 19/11 cho biết kể từ khi phát động chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 1 đến nay, nước này đã tiến hành tiêm hơn 300 triệu liều cho người dân và hiện đã có hơn 70% dân số được tiêm phòng từ một mũi trở lên.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moju, bang Para, Brazil, ngày 16/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong tổng số vaccine được tiêm có 157,6 triệu liều cho người tiêm mũi một và 129,8 triệu liều cho người tiêm đủ 2 mũi hoặc một mũi tùy loại vaccine. Tính tổng cộng, Brazil đã có 73,3% dân số được tiêm chủng. Đây là chiến dịch tiêm phòng lớn nhất ở nước này từ trước tới nay.

Theo kế hoạch, Chính phủ Brazil sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng để sớm đạt mục tiêu bao phủ vaccine cho 85% dân số. Ngoài ra từ tuần này, Brazil cũng đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường cho người dân từ 18 tuổi trở lên với khoảng 12,7 triệu người đã được tiêm mũi bổ sung.

Singapore bước vào giai đoạn 2 mở cửa nền kinh tế

Với số ca mắc mới COVID-19 theo ngày có chiều hướng giảm, Singapore đã quyết định kết thúc “giai đoạn bình ổn”, được triển khai từ ngày 27/9 tới nay sau khi dịch tái bùng phát do mở cửa, và bước vào giai đoạn 2 mở cửa nền kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, thông báo trên được Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của nước này đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 20/11. Cụ thể, "giai đoạn bình ổn" tại Singapore sẽ kết thúc vào ngày 21/11 và giai đoạn 2 - được gọi là "giai đoạn chuyển tiếp", trong đó nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội - sẽ bắt đầu tiếp ngay sau đó.

Singapore bắt đầu mở cửa nền kinh tế theo “4 giai đoạn” từ ngày 10/8 vừa qua, trong đó giai đoạn 1 là giai đoạn chuẩn bị, kế tiếp là giai đoạn 2 còn được gọi là "Giai đoạn chuyển tiếp A", với việc tăng số người tham gia các sự kiện, mở cửa đường biên giới hơn nữa. Nếu thuận lợi, Singapore sẽ bước vào giai đoạn 3 là "Giai đoạn chuyển tiếp B" và giai đoạn cuối cùng là trở thành “Quốc gia kiên cường trước dịch COVID-19”.

Chú thích ảnh
Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm thương mại ở Singapore, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Số ca nhiễm mới theo ngày có chiều hướng giảm trong những ngày qua và bình ổn ở mức dưới 3.000 ca/ngày. Số liệu theo dõi 28 ngày qua cho thấy 99% số ca nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng và phần lớn hồi phục tại nhà. Số ca phải điều trị tại viện chỉ chiếm 0,8%, trong khi số ca phải điều trị tích cực (ICU) chiếm 0,2%. 

Singapore hiện đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 là 85% tổng dân số. Nếu tính trên số người đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, tỷ lệ này là 94%. Ngày 19/11, Singapore ghi nhận 1.734 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 248.587 ca và số ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát đầu năm 2020 tới nay là 641 ca

Lào tiêm vaccine cho thanh thiếu niên

Chính phủ Lào mới đây đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi để có thể sớm mở cửa trở lại các trường học trên cả nước sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho thanh thiếu niên, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào hiện cũng đang gấp rút soạn thảo 10 điều kiện và các biện pháp liên quan đến kiểm soát COVID-19 trong trường học để có thể sớm mở lại các trường trên cả nước sau thời gian dài phải đóng cửa do đại dịch.

 

Chú thích ảnh
Một học sinh trên 12 tuổi đang được nhân viên tiêm tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Lào liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức 4 con số trong 5 ngày qua. Riêng ngày 20/11, số ca mắc mới đã tăng 247 ca so với ngày trước đó, trong đó chỉ có 3 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận tại tất cả 18 tỉnh, thành. Tại thủ đô Viêng Chăn, số ca cộng đồng cũng tiếp tục tăng cao với 636 trường hợp, đứng đầu cả nước, và tăng 176 ca so với ngày 19/11. Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, trong đó có Luang Prabang, Viêng Chăn... 

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào đã cho phép tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung một số loại vaccine không còn để tiếp tục tiêm mũi thứ 2. 

Thái Lan chuẩn bị vaccine cho năm 2022

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết nước này sẽ có ít nhất 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào năm tới. Phát biểu ngày 19/11 sau một hội nghị về cách thức Thái Lan xử lý tình hình dịch bệnh trong năm tài chính 2022, ông Anutin cho rằng tình hình dịch COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã cải thiện và Thái Lan có đủ vaccine cho năm nay. Theo ông Anutin, chính phủ vẫn đang đặt mục tiêu đạt được mốc 100 triệu liều trong tháng này. 

Dự kiến, vào năm tới, Thái Lan sẽ có ít nhất 90 triệu liều vaccine, gồm 60 triệu liều của hãng AstraZeneca và 30 triệu liều của hãng Pfizer. Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ có thêm vaccine của hãng Novavax và các loại vaccine được sản xuất trong nước do Đại học Chulalongkorn, Tổ chức dược phẩm chính phủ (GPO) và Công ty Baiya Phytopharm phát triển.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 18/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ lo ngại rằng còn có hơn 11 triệu người, chiếm 17% dân số, ở Thái Lan vẫn chưa tiêm chủng. Ông Anutin cho biết Cục Kiểm soát dịch bệnh, sở y tế các tỉnh và các tỉnh trưởng sẽ xúc tiến việc tiêm chủng để đảm bảo những người này đi tiêm chủng muộn nhất vào tháng tới.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho rằng tỷ lệ tiêm chủng ở Thái Lan đã chậm lại do một số người đang chờ đợi những loại vaccine thay thế. 

Campuchia: Tình hình dịch bệnh ổn định

Tại Campuchia, đã 9 tháng trôi qua kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2” làm bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 3 khiến gần 3.000 người thiệt mạng và nền kinh tế lao đao, tình hình dịch COVID-19 ở nước này hiện nay về cơ bản đã ổn định, với số ca mắc mới ở mức 2 con số mỗi ngày.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, dựa vào tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến theo chiều hướng khả quan, Chính phủ Campuchia đã mở cửa trở lại du lịch và kinh doanh, đồng thời quản lý điều trị các ca bệnh có triệu chứng nhẹ tại nhà.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong thông cáo ngày 20/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 40 ca mắc mới trong 24 giờ qua và có thêm 5 ca tử vong, trong đó có 3 ca chưa tiêm phòng. 

Tính đến ngày 19/11, Campuchia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 14.089.134 người thuộc 4 nhóm tuổi (từ 18 tuổi trở lên, 12-17 tuổi, 6-12 tuổi và 5 tuổi), tương đương 88,06% tổng số dân khoảng 16 triệu người, trong đó trên 13,2 triệu người đã tiêm 2 mũi và hơn 2,1 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.

Campuchia đặt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 91% dân số (tương đương 14,5 triệu người), đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, đồng thời thực hiện mở cửa hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế vào cuối tháng 11 này.

Thu Hằng/Báo Tin tức