06:00 30/06/2020

COVID-19 tại ASEAN hết ngày 29/6: Thái Lan kéo dài tình trạng khẩn cấp; Indonesia nhiều ca không triệu chứng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.277 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.270 người.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 23/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Cũng trong ngày, khu vực ASEAN có 5 nước ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.274 người dân ở khu vực này, tăng 62 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 147.976 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 83.990 trường hợp.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cùng ngày đã gia hạn tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch COVID-19.
 
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia ở Đông Nam Á.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 29/6

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 55,092 +1,082 2,805 +51 23,800
Singapore 43,661 +202 26   37,985
Philippines 36,438 +983 1,255 +11 9,956
Malaysia 8,637 +3 121   8,334
Thái Lan 3,169 +7 58   3,053
Việt Nam 355       330
Myanmar 299   6   221
Brunei 141   3   138
Campuchia 141       130
Timor-Leste 24       24
Lào 19       19
Chú thích ảnh
 Nhân viên giới thiệu mẫu vaccine phòng COVID-19 được phát triển tại Đại học Chulalongkorn ở Saraburi, Thái Lan ngày 23/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tâm Xử lý Tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan ngày 29/6 đã quyết định kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng nữa cho tới cuối tháng 7.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp toàn thể của CCSA do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chủ trì. Theo CCSA, việc kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, lẽ ra sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới, là cần thiết vì Thái Lan sẽ mở cửa tất cả các loại hình kinh doanh, cho phép người dân di chuyển nhiều hơn và các trường học hoạt động trở lại từ ngày 1/7.

Chú thích ảnh
Du khách tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh: AFP

Người phát ngôn của CCSA nêu rõ kể từ ngày 1/7, Thái Lan sẽ cho phép các quán rượu mở lại, cũng như lên kế hoạch cho phép một số du khách nước ngoài nhập cảnh.

Các quán rượu, tiệm karaoke sẽ được phép hoạt động cho đến đêm, chừng nào họ tuân thủ các hướng dẫn an toàn như đảm bảo giãn cách 2m giữa các bàn.

Trong khi đó, những người nước ngoài có thị thực lao động, cư trú và thân nhân sẽ được phép vào nhập cảnh, nhưng phải cách ly 14 ngày. Những công dân nước ngoài muốn sử dụng một số dịch vụ y tế như phẫu thuật thẩm mỹ, hay điều trị hiếm muộn cũng có thể được phép nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Người dân Thái Lan tại một khu chợ ở Bangkok. Ảnh: AFP

Những du khách tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) vì mục đích công tác có thể được miễn cách ly 2 tuần theo quy chế nhập cảnh nhanh, nếu họ có giấy tờ chứng minh không mắc COVID-19 và được xét nghiệm trước khi nhập cảnh.

Cơ quan quản lý hàng không Thái Lan ngày 29/6 cũng tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay quốc tế kể từ ngày 1/7. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ Thái Lan trước đó cùng ngày thông qua quyết định cho phép một số du khách nước ngoài nhập cảnh, trong đó có các du khách đến nước này vì lý do công việc và các công dân nước ngoài có vợ hoặc chồng là người Thái Lan, những người có giấy phép lao động hoặc thường trú tại Thái Lan.

Cho tới nay, Thái Lan đã trải qua 35 ngày không ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Tất cả những trường hợp mới được xác nhận đều là công dân trở về từ nước ngoài được cách ly.

Tính đến hết ngày 29/6, Thái Lan có tổng cộng 3.169 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Indonesia, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận thêm 1.082 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 55.092 ca.

Số ca tử vong đã tăng thêm 51 ca lên 2.805 ca. Đây là con số tử vong do COVID-19 cao nhất tại một quốc gia bên ngoài Trung Quốc ở khu vực Đông Á.

Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Doni Monardo ngày 29/6 cho biết phần lớn những người mắc COVID-19 ở nước này không xuất hiện triệu chứng (OTF) và do đó cần lưu ý đến nguy cơ lây nhiễm từ các đối tượng vừa đề cập.

Ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế nước này ngay lập tức giải ngân gói ngân sách trị giá 75.000 tỷ rupiah (khoảng 5,26 tỷ USD) hỗ trợ chống dịch COVID-19.

Tổng thống Widodo chỉ đạo yêu cầu thanh toán của các bệnh viện phải được giải quyết sớm càng tốt; các ưu đãi dành cho nhân viên y tế, nhân viên các phòng thí nghiệm, trợ cấp dành cho các y bác sĩ qua đời vì nhiễm COVID-19 cũng cần được giải ngân sớm.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lay lan của COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 23/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu sau cuộc họp nội các tại Phủ Tổng thống, ông Doni - người đang giữ chức Giám đốc Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia (BNPB) cho hay hơn 70%, hoặc thậm chí 90% ở một số địa phương, số người mắc COVID-19 ở Indonesia là các OTF.

Ông Doni nhấn mạnh rằng các OTF là những người có nguy cơ lây nhiễm cao cho người khác. Nếu không được cách ly, các đối tượng này có thể truyền virus SARS-CoV-2 cho bất kỳ ai, nhất là những người mắc các bệnh nền hoặc các bệnh bẩm sinh.

Dẫn các số liệu thống kê mới nhất, ông Doni cho hay hơn 85% số ca tử vong do COVID-19 liên quan đến những người mắc các bệnh nền, như huyết áp cao, tiểu đường, hen suyễn, lao, ung thư

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại bưu điện ở Manila, Philippines, ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng thêm 985 ca lên 36.438 ca.

Những địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất là thủ đô Manila với 319 ca và khu vực Central Visayas với 135 ca.

Số ca tử vong trên toàn Philippines đã tăng thêm 11 ca lên 1.255 ca, trong khi số bệnh nhân phục hồi đã tăng thêm 270 người lên 9.956 người.

Chú thích ảnh
Người dân Lào đeo khẩu trang phòng đại dịch ở thủ đô Viêng Chăn

Hết ngày 29/6, Lào và Timor Leste tiếp tục không phát sinh ca bệnh mới và hai nước này hiện không còn bệnh nhân COVID-19 nào phải điều trị.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức