06:00 29/06/2020

COVID-19 tại ASEAN hết ngày 28/6: Trên 4.200 ca tử vong; Campuchia có ca bệnh mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.086 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.200 người.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lay lan của COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 23/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Indonesia tình hình ngày càng nghiêm trọng khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục ở mức cao. Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực ASEAN có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.212 người dân ở khu vực này, tăng 42 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 145.696 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 82.357 trường hợp.

Campuchia sau nhiều ngày bình yên, ngày 28/6, đã ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 mới.
 
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia tăng tại nhiều khu vực của thế giới, và Đông Nam Á không phải là ngoại lệ.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 28/6

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 54.010 +1.198 2.754 +34 22.936
Singapore 43.459 +213 26   37.508
Philippines 35.455 +652 1.244 +8 9.686
Malaysia 8.634 +18 121   8.318
Thái Lan 3.162   58   3.053
Việt Nam 355       330
Myanmar 296 +3 6   216
Brunei 141   3   138
Campuchia 141 +2     129
Timor-Leste 24       24
Lào 19       19
Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 25/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, Indonesia tiếp tục là tâm dịch của khu vực Đông Nam Á khi nước này ghi nhận tới 1.198 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 34 trường hợp tử vong.

Như vậy, tới hết ngày 28/6, Indonesia đã có tổng cộng 54.010 ca mắc COVID-19 và 2.754 ca bệnh không qua khỏi.

Số ca tử vong vì đại dịch của Indonesia thậm chí nhiều hơn của tất cả các nước thành viên ASEAN khác cộng lại.

Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 18/6 và đoạn ghi hình cuộc họp được Văn phòng tổng thống Indonesia công bố ngày 28/6, Tổng thống nước này Joko Widodo nói: "Tôi thấy rằng nhiều người trong chúng ta làm việc như thể mọi thứ đang bình thường. Đó là điều làm tôi tức giận... Đây là một cuộc khủng hoảng... Tôi sẽ thực thi bất cứ biện pháp bất thường nào cho 267 triệu người dân của chúng ta, cho đất nước này. Có khả năng giải tán các cơ quan, có thể là một cuộc cải tổ, tôi đã nghĩ đến mọi điều". Ngoài ra, ông còn cho biết có thể ban hành thêm các quy định khẩn nếu cần.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 23/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dù dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, song sác hoạt động kinh tế của Indonesia đã trở lại sôi động hơn và nền kinh tế đã chuyển động tăng dần đều sau khi chính phủ đẩy mạnh nhiều sáng kiến kích cầu trong nước như các phong trào kích thích chi tiêu, mua sắm trong giai đoạn bình thường mới.

Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto cho biết hoạt động kinh tế của nước này đã giảm sút nghiêm trọng trong tháng 4-5/2020, song bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại vào tháng 6/2020.

Theo Bộ trưởng Airlangga Hartarto, nền kinh tế Indonesia đang chuyển động rất tích cực, được thể hiện qua sự biến động của tỷ giá hối đoái đồng rupiah. Tỷ giá đồng rupiah của Indonesia hiện đã quay trở lại mức khoảng 14.200 rupiah/1 USD sau khi trượt giá nghiêm trọng xuống mức 16.500rupiah/1 USD vào tháng 4/2020. Tương tự như vậy, chỉ số chứng khoán tổng hợp (CSPI), kể từ đầu năm đã chạm mức 6.323 và hiện đã mạnh lên ở mức 4.897.

Chú thích ảnh
 Khử trùng các phương tiện nhằm ngăn dịch COVID-19 bùng phát tại Karo, Bắc Sumatra, Indonesia ngày 20/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã bắt đầu quay trở lại thị trường Indonesia. Một số lĩnh vực kinh doanh bắt đầu được ghi nhận hoạt động sôi động hơn như thị trường ô tô, khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, thiết bị máy móc, bao bì và sản xuất năng lượng…

Những chương trình kích cầu của Chính phủ Indonesia đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong việc khôi phục các hoạt động kinh tế vốn đã rất sôi động tại Indonesia giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Lĩnh vực chi tiêu hộ gia đình vốn đóng góp chiếm 75% cho nền kinh tế của Indonesia nay đã dần trở lại. Điều này giúp cho nền kinh tế Indonesia chuyển động ngày càng tích cực hơn.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 28/6, thông cáo báo chí Bộ Y tế Campuchia cho biết đã phát hiện thêm 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là hai công dân Campuchia trong chuyến bay thẳng từ Malaysia về nước.

Hai ca dương tính này đang được điều trị tại Trung tâm y tế Chak Angre Krom ở thủ đô Phnom Penh. Thông tin từ Bộ Y tế Campuchia cho biết chuyến bay nói trên có 107 hành khách, trong đó có 105 người Khmer.

Tổng số ca dương tính COVID-19 tại Campuchia cho tới hết ngày 28/6 là 141 trường hợp.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 4/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng lên tới hơn 35.000 ca. Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận thêm 653 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 35.455 ca, trong đó có 1.244 ca tử vong.

Bộ Y tế Malaysia xác nhận 18 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 8.634 ca trong khi số ca tử vong hiện vẫn là 121 ca.

Hết ngày 28/6, Lào Timor Leste tiếp tục không phát sinh ca bệnh mới và hai nước này hiện không còn bệnh nhân COVID-19 nào phải điều trị.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức