09:00 01/09/2021

COVID-19 tại ASEAN hết 31/8: Toàn khối vượt 10 triệu ca mắc; Thủ đô Lào áp lệnh giới nghiêm

Trong ngày 31/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 73.500 ca nhiễm mới và 1.137 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc COVID-19 trong khu vực vượt mốc 10 triệu.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 93 tuổi, không người thân thích, được một tình nguyện viên chăm sóc ở Bangkok ngày 5/8/2021. Ảnh: Reuters 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 73.568 ca mắc mới COVID-19 và 1.137 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 10.083.704 trường hợp và 223.123 ca tử vong. Toàn khối có 8.778.695 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 532 ca; Malaysia đứng thứ hai với 282 ca; Thái Lan ghi nhận 190 ca tử vong; Philippines thêm 118 ca; Campuchia ghi nhận thêm 11 ca, Timor Leste 3 ca và Brunei 1 ca.

Với 20.897 ca nhiễm trong ngày 31/8, Malaysia tiếp tục đứng đầu khu vực về ca mắc mới, trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan nhanh tại nước này do biến thể Delta. Thái Lan ghi nhận thêm 14.666 ca, đứng thứ hai trong khối về ca mắc mới. Trong khi đó, Philippines có thêm 13.827 ca mắc mới, giảm mạnh so với mức 22.366 ca vào ngày 30/8.

Việt Nam cùng ngày ghi nhận 12.607 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 462.096, bao gồm 11.064 ca tử vong. 

Indonesia ghi nhận ca mắc mới lại vượt qua  10.000, với 10.534 ca trong ngày. Nước này vẫn dẫn đầu khu vực về tổng ca bệnh, là 4.089.801, bao gồm 131.923 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt của học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Lào: Thủ đô Viêng Chăn lần đầu tiên áp dụng giới nghiêm; nguy cơ bùng phát đợt dịch mới 

Chính quyền thủ đô Viêng Chăn đêm 30/8 đã tăng cường mạnh mẽ các biện pháp phòng chống COVID - 19 tại địa bàn, trong đó có lệnh giới nghiêm hằng ngày từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Đây là lần đầu tiên thủ đô Viêng Chăn áp dụng lệnh giới nghiêm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Người dân tại các "vùng đỏ" ở thủ đô Viêng Chăn bị cấm đi đến các tỉnh khác, trong khi những người ở vùng đỏ tại các tỉnh khác cũng bị cấm không được vào thủ đô Viêng Chăn, trừ những trường hợp được Ủy ban phòng chống COVID – 19 cho phép. Các nhà chức trách cũng nghiêm cấm tổ chức tiệc, tụ tập dưới mọi hình thức và những người vi phạm sẽ không chỉ bị đưa vào cách ly tại các trung tâm hoặc khách sạn mà còn bị phạt, đồng thời chi trả mọi thiệt hại do hành vi của họ gây ra. Các cuộc hội họp trên 20 người đều bị cấm, trong khi các biện pháp phòng chống COVID – 19, bao gồm việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, phải được duy trì mọi lúc.
 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giao thông đường bộ trong thủ đô Viêng Chăn bị cấm trong thời gian giới nghiêm trên, ngoại trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, xe cấp cứu và xe của Lực lượng phòng chống COVID-19 hoặc các quan chức chính phủ đang thực thi nhiệm vụ. Quyết định cũng yêu cầu các trường học và cơ sở giáo dục ở mọi cấp học ở thủ đô Viêng Chăn phải tạm thời đóng cửa; cấm tích trữ hoặc nâng giá hàng hoá; cấm chia sẻ tin giả hoặc sai lệch gây hoang mang trong xã hội.

Ngày 31/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 199 ca mắc mới COVID-19,  trong đó có 64 ca cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay.

Đại diện Bộ Y tế Lào cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm lần thứ 3 tại nước này, kêu gọi người dân cả nước tăng cường tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 đã được ban hành và không được chủ quan để tránh nguy cơ tạo ra làn sóng dịch tiếp theo.

Theo bộ trên, ngày càng có nhiều trẻ em và thai phụ mắc COVID-19 tại nước này. Đây là nhóm đối tượng cần được lưu ý và áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt khi được xác định mắc bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào sẽ điều chỉnh và cải thiện phương pháp điều trị cho người mắc COVID-19 để phù hợp với  nhóm đối tượng này. Ngoài ra, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt khu vực biên giới thông qua việc tuần tra nghiêm ngặt, tăng cường sàng lọc y tế, chặt chẽ trong kiểm tra, đo thân nhiệt người qua các cửa khẩu quốc tế và cách ly theo quy định.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19  tại Lào đã lên tới 15.015 ca, trong đó có 14 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore cho Australia "mượn" 500.000 liều vaccine

Singapore sẽ chuyển cho Australia 500.000 liều Pfizer theo thỏa thuận "chia sẻ liều tiêm" và dự kiến nhận lại số vaccine này vào tháng 12.

Quyết định trên được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo trên Facebook ngày 31/8. Theo đó, Singapore và Australia đã đạt thỏa thuận chia sẻ vaccine COVID-19. "Chúng tôi sẽ gửi cho họ 500.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech hiện có và họ sẽ trả lại số lượng tương tự vào tháng 12. Các liều này có thể được sử dụng để tiêm mũi tăng cường vào thời điểm đó", ông Lý Hiển Long cho biết.

"Các quốc gia phải đoàn kết trong cuộc chiến để dập tắt đại dịch, để tất cả chúng ta có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới", Thủ tướng Singapore nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Thoả thuận trao đổi vaccine cho phép Australia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Singapore cho biết 500.000 liều Singapore gửi được lấy từ nguồn dự trữ hiện có và nước này có đủ vaccine đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng sẽ nhận được vaccine từ Singapore trong tuần này và triển khai trên toàn Australia từ tuần sau, chia đều cho tất cả các bang và vùng lãnh thổ trên cơ sở dân số. Động thái này sẽ hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Australia cho hai nhóm tuổi: 16-29 và 12-15.

Australia đã tiêm 18,9 triệu mũi vaccine COVID-19, trong đó gần 7 triệu người đã tiêm chủng đầy đủ, chiếm 27,6% dân số. Trong khi đó, Singapore đã triển khai vaccine với tỉ lệ cao nhất thế giới, vượt 80% dân số tính đến ngày 29/8.

Ngày 31/8, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt, Singapore ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 6 tuần qua với 156 ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân Indonesia sử dụng ứng dụng truy vết COVID-19 quét mã QR. Ảnh: EPA-EFE

Campuchia lên kế hoạch mở cửa trở lại trường học 

Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 31/8 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này thảo luận với lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc mở cửa trở lại trường học ở các khu vực không có rủi ro lây nhiễm COVID-19 sau khi đại dịch phần nào được kiểm soát.

Trong thông điệp sáng 31/8, ông Hun Sen đề nghị Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron thảo luận với các tỉnh trưởng và đô trưởng, kiểm tra khả năng mở cửa lại trường học (tiểu học và trung học) ở khu vực nông thôn không có rủi ro lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.

Ông Hun Sen nhấn mạnh cần có cách xử lý linh hoạt tùy thuộc vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Ở khu vực đô thị, nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp và người dân đã được tiêm phòng, có thể tiến hành học cả trực tuyến và trên lớp với việc đảm bảo giãn cách. 

Thủ tướng Campuchia đồng thời thể hiện sự lạc quan về sự hồi phục kinh tế-xã hội, đặc biệt ở Phnom Penh và tỉnh Kandal bên cạnh – nơi đã đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt để phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tính đến ngày 30/8, trong số thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Campuchia, có 1.518.488 em (tương đương 77,20% trong gần 2 triệu em trong độ tuổi này) đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine, trong đó 304.519 em đã hoàn thành hai mũi tiêm. 

Trong tổng số 10 triệu người trưởng thành cần được tiêm phòng, 9.175.478 người đã tiêm ít nhất một mũi và 8.153.574 người đã tiêm đủ hai mũi. Thêm vào đó, 610.428 người thuộc lực lượng tuyến đầu đã tiêm mũi tăng cường thứ ba.

Mặc dù số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục tăng, nhưng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia ngày 31/8 vẫn ở mức thấp dưới 450 ca/ngày tương tự nhiều ngày gần đây. Bộ Y tế Campuchia ngày 31/8 ra thông cáo xác nhận có thêm 11 người tử vong và 439 ca mới trong 24 giờ qua, bao gồm 123 ca nhập cảnh và 316 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 93.055 ca, trong đó 88.786 người đã khỏi bệnh và 1.903 người tử vong. 

Trong một diễn biến liên quan, Campuchia cho phép các bệnh viện tư điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine của nước này đạt 66% dân số. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 14/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan: Tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất ở nhóm người cao tuổi

Các dữ liệu từ chính phủ lần đầu tiên được hãng tin Reuters phân tích cho thấy, Thái Lan đã tiêm phòng đầy đủ cho 6,7% trong tổng số ước tính 10,9 triệu người trên 60 tuổi ở nước này, so với 15% ở độ tuổi 18-59 và 10,2% với toàn dân số, bao gồm cả trẻ em (nhóm vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19).

Thái Lan là nước duy nhất trong số 30 quốc gia mà Reuter đánh giá dữ liệu, cho thấy tỉ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp hơn ở các nhóm tuổi trẻ hơn. Nước láng giềng Malaysia đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 64% người cao tuổi, tính đến ngày 2/8, so với tỉ lệ 42% của tổng dân số. Tại Indonesia, chỉ 17% người cao tuổi đã được tiêm đủ vaccine COVID-19, nhưng con số này vẫn cao hơn tỉ lệ 13% ở dân số nói chung.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine tại trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, ngày 23/7/2021. Ảnh: Reuters 

Kể từ tháng 4, người  60 tuổi trở lên chiếm ít nhất 62% số ca tử vong tại Thái Lan, và khoảng 8,7% ca nhiễm. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở người già đã tăng, cho thấy tác động có thể từ tốc độ tiêm chủng chậm cho nhóm tuổi này. Trong khi đó, tại Indonesia, người cao tuổi chiếm gần 12% ca nhiễm, nhưng chỉ 47% ca tử vong.

Tiến sĩ Chawetsan Namwat, quan chức cấp cao tại Cục Kiểm soát dịch bệnh, thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho biết,mặc dù ban đầu chính phủ Thái Lan thông báo người cao tuổi sẽ là nhóm ưu tiên tiêm vaccine, nhưng kế hoạch đã chuyển từ hệ thống ưu tiên tính theo độ tuổi sang ưu tiên theo khu vực địa lý sau khi một đợt dịch bùng phát ở Bangkok vào tháng 4. Những nhóm tuổi lao động và trẻ hơn ở Bangkok dễ tiếp cận các trung tâm tiêm chủng hơn nhóm người cao tuổi, dẫn đến kết quả là tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm 60 tuổi trở lên. 

Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo nước này ghi nhận thêm 14.666 ca mắc mới và 190 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.204.729 ca và 11.589 ca tử vong. Đến nay, gần 11% trong tổng số 69 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Selangor, Malaysia ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 13.827 ca mắc mới COVID-19 và 118 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 1.989.857 ca và 33.448 ca tử vong. 

Với khoảng 110 triệu dân, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho trên 17,5 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào tháng 1/2020.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 24/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức