11:05 26/11/2021

COVID-19 tại ASEAN hết 25/11: Trên 13,9 triệu ca bệnh; Lào số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 25/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 27.863 ca mắc COVID-19 và 472 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện vượt 13.920.000 ca, trong đó trên 289.600 người tử vong.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Lamphun, Thái Lan ngày 25/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối.

Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.

Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 25/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 193 trường hợp, cao nhất khu vực.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 482 ca bệnh và 9 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Về số ca mắc mới, Việt Nam ngày 25/11 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 12.000 ca.

Chú thích ảnh
Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm thương mại ở Singapore, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 25/11 ghi nhận thêm trên 6.300 ca bệnh mới và 37 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 32 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.

Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Học sinh từ độ tuổi từ 12-17 tuổi đang chờ quét mã QR để kiểm tra lịch hẹn tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane, trước khi được phát thẻ vào tiêm vaccine ngừa COVID – 19. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Lào có số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay

Bộ Y tế Lào ngày 25/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.504 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại nước này.

Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 67.322 ca, trong đó có 143 người tử vong.

Theo bộ trên, số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục được ghi nhận ở mức 4 con số, tăng 168 ca so với ngày 24/11; trong đó chỉ có 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tất cả 18 tỉnh, thành. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận 677 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong một ngày. Đáng chú ý, nhiều tỉnh có số ca lây nhiễm như vậy vượt mức 100 ca như Luang Prabang, Viêng Chăn, Phongsaly, Champasak… Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước tình hình trên, nhằm thúc đẩy chương trình tiêm chủng để sớm mở cửa trở lại đất nước, Lào vừa phê duyệt thêm vaccine tiêm một mũi duy nhất Sputnik Light của Nga, theo đó loại vaccine này với thành phần tương tự như mũi đầu tiên của vaccine Sputnik V mà Nga đã sản xuất trước đó, được bào chế dựa trên loại huyết thanh adenovirus 26 ở người. Đến nay, cả hai loại vaccine của Nga đều đã được Lào phê duyệt chính thức theo quy trình cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Singapore thận trọng mở cửa để tránh nguy cơ tái bùng phát dịch

Ngày 24/11, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho rằng với tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 thuộc hàng cao nhất thế giới và mức độ miễn dịch tự nhiên ngày càng tăng, Singapore sẽ tránh được nguy cơ tái bùng phát dịch như ở châu Âu và Mỹ, cho dù dự kiến môt làn sóng lây nhiễm mới.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tại Hội nghị Cấp cao châu Á về Y tế toàn cầu, được tổ chức ở Hong Kong (Trung Quốc), Bộ trưởng Ong cho biết đối với những người đã tiêm phòng COVID-19 tại Singapore, nguy cơ tử vong do bệnh dịch này chỉ bằng một nửa nguy cơ tử vong do cúm. Trong khi đó, đối với những người chưa tiêm phòng, nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần. Điều này cho thấy COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu, miễn là đảm bảo được tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng.

Theo thống kê của Bloomberg, khoảng 85% dân số Singapore đã tiêm phòng đầy đủ ngừa COVID-19 và Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao thứ ba trên thế giới. Bộ Y tế Singapore cho biết khoảng 94% người dân đủ điều kiện tiêm chủng ở nước này đã thực hiện tiêm phòng và 25% đã tiêm mũi tăng cường. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Ong tin rằng Singapore hoàn toàn có thể giữ số ca cần điều trị tích cực và tử vong ở mức thấp nhất có thể, tương tự ứng phó với một đợt dịch cúm. Kể cả khi có làn sóng lây nhiễm mới, Singapore vẫn đủ sức ứng phó trong khi các hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường.

Chú thích ảnh
Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Campuchia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch tại khu vực biên giới

Các tỉnh Campuchia giáp biên giới với Việt Nam, Thái Lan và Lào đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa những trường hợp khách nhập cảnh mắc COVID-19 vào thời điểm các quốc gia láng giềng của Campuchia đang đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm cao.

Báo Khmer Times ngày 25/11 cho biết dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Campuchia ngày một giảm nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thành công, nhưng điều đó không có nghĩa là những người đã tiêm chủng sẽ không bị lây nhiễm.

Ông Va Than, Tỉnh trưởng tỉnh Kratie nhận định những trường hợp người nhập cảnh mắc COVID-19 vẫn có thể xảy ra nếu Campuchia không duy trì những biện pháp phòng dịch thích hợp, duy trì cảnh giác và áp dụng chính sách bắt buộc cách ly 14 ngày đối với những du khách chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo ông Va Than, những du khách Việt Nam nhập cảnh Campuchia hiện nay chủ yếu là các nhà đầu tư, doanh nhân hoặc nhân viên những công ty lớn.

Trong khi đó, Tỉnh trưởng tỉnh Battambang, ông Sok Lou khẳng định dù khu vực biên giới tại tỉnh này hiện vẫn đang mở, nhưng chính quyền đã tăng cường lực lượng chức năng để đảm bảo kiểm soát các trường hợp nhập cảnh Campuchia không gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tại tỉnh Oddar Meanchey, Phó Tỉnh trưởng Dy Rado cho biết ông lo ngại về nguy cơ lây nhiễm qua biên giới từ những lao động Campuchia ở Thái Lan về nước, dù số lượng đã giảm. Đa số lực lượng lao động này chưa được tiêm chủng nên đây là nhóm có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức