09:02 25/09/2021

COVID-19 tại ASEAN hết 24/9: Malaysia thí điểm thành công mở cửa du lịch; Singapore thắt chặt phòng dịch trở lại

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 66.462 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 257.000 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 2.500 ca bệnh mới.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.

Chú thích ảnh
Khách tham quan Cung điện Hoàng gia Thái Lan ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á trong 1 ngày qua.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 1.667 ca mắc mới và 70 người tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 24/9 ghi nhận thêm trên 12.600 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 132 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 822 bệnh nhân mới và 21 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 257.670 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 887 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,8 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10,6 triệu trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Tuần thí điểm mở cửa thành công tại hòn đảo du lịch của Malaysia

Trong vòng một tuần thí điểm mở cửa trở lại từ ngày 16-22/9, Langkawi – hòn đảo nổi tiếng của Malaysia – đã thu hút được 12.607 du khách. Đây là địa danh du lịch đầu tiên của Malaysia tham gia thí điểm.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi đến thăm và làm việc tại Langkawi ngày 24/9, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác, Phát triển Doanh nhân và Du lịch Nhà nước, Nghệ thuật và Văn hóa, Thanh niên và Thể thao, ông Mohd Firdaus Ahmad, cho biết trong số khách nói trên có 11.853 khách du lịch nội địa và 754 khách du lịch quốc tế.

Ông Ahmad bày tỏ hy vọng số lượng khách du lịch sẽ tăng lên vào dịp tháng 11 và 12 khi học sinh được nghỉ học. Tuy nhiên, ông cho rằng việc bắt buộc thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với khách du lịch là rất quan trọng để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố chính phủ nước này quyết định cho phép người dân có thể đi xuyên bang, đồng thời mở cửa trở lại các khu danh thắng, hải đảo và địa điểm du lịch khi 90% người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19. Hiện Malaysia mới thực hiện thí điểm “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi thuộc bang Kedah. Ảnh: TTXVN phát

Hiện Malaysia mới thực hiện thí điểm “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi thuộc bang Kedah. Từ ngày 16/9, Langkawi đã mở cửa đón du khách nội địa là những người đã hoàn thành tiêm chủng.

Chương trình này đã ghi nhận thành công bước đầu khi có tới 9.500 du khách tới đây ngay trong ngày đầu mở cửa. Sau thành công ở Langkawi, Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hoá Malaysia (MOTAC) dự kiến sẽ mở “bong bóng du lịch” tới một số địa phương khác như cao nguyên Genting, Melaka và đảo Tioman từ ngày 1/10.

Đảo Langkawi, nằm gần biên giới phía Nam của Thái Lan, nổi tiếng với những bãi biển thơ mộng và từng là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chú thích ảnh
Đóng cửa khu vực công công để phòng dịch COVID-19 tại Singapore, ngày 25/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Singapore thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, các nhà chức trách Singapore đã quyết định trở lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường” với việc thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng làm quá tải hệ thống y tế.

Tại cuộc họp báo chiều 24/9, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 nước này cho biết, nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, Singapore sẽ phải đối mặt với số ca nhiễm mới lên tới 3.200 ca/ngày vào tuần tới. Do đó, Singapore quyết định áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách trong giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, bắt đầu từ ngày 27/9 đến ngày 24/10.

Kể từ khi Singapore bắt đầu thực hiện "mở cửa nền kinh tế" theo 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là “giai đoạn chuẩn bị” bắt đầu từ ngày 10/8 (đến nay chưa chuyển sang giai đoạn 2), số ca lây nhiễm mới đã tăng từ mức bình quân 100 ca/ngày lên hơn 1.000 ca/ngày trong tuần qua. Đặc biệt, ngày 23/9 Singapore ghi nhận 1.504 ca nhiễm mới, trong đó có 1.218 ca trong cộng đồng, 273 ca trong các khu nhà ở của công nhân và 13 ca nhập cảnh. Số ca nhiễm mới tăng đã khiến ngành y tế quá tải và nhiều người nhiễm COVID-19 không thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc đầy đủ.

Chú thích ảnh
Hành khách của chuyến bay chở khách đầu tiên từ Đức theo chương trình không phải cách ly hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore ngày 8/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với việc quay lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, Singapore sẽ giới hạn tụ tập theo nhóm tối đa 2 người tại các địa điểm ăn uống (hiện là 5 người), làm việc tại nhà sẽ là “mặc định” đối với tất cả các vị trí có thể làm việc từ xa, những người vẫn phải đi làm được khuyến cáo nên thường xuyên tự xét nghiệm COVID-19; học sinh tiểu học (dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine) sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, các sự kiện tập trung vẫn duy trì số lượng trước đây, nhưng sắp xếp ngồi theo nhóm 2 người.

Ngoài thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, Singapore cũng sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi vaccine bổ sung (mũi thứ 3) cho người trong độ tuổi từ 50-59 tuổi từ ngày 4/10 tới đây. Trước đó, Singapore đã triển khai tiêm mũi bổ sung cho người trên 60 tuổi từ ngày 15/9. Tính tới ngày 22/9, tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của Singapore đạt 82% dân số.

Tính tới hết ngày 23/9, Singapore ghi nhận tổng cộng 82,860 ca nhiễm COVID-19 với 70 ca tử vong. Chỉ riêng trong 28 ngày qua, Singapore ghi nhận gần 16.000 ca lây nhiễm mới, trong đó 97,9% số ca nhiễm không có triệu chứng/hoặc triệu chứng nhẹ; 1,5% số ca trở nặng cần hỗ trợ thở ô xy, 0,2% số ca cần chăm sóc đặc biệt (ICU) và 0,1% số ca tử vong. Hiện tại, Singapore có 1.120 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, với 163 ca trở nặng cần hỗ trợ thở ôxy và 23 ca nguy kịch cần chăm sóc đặc biệt.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức