09:00 25/09/2020

COVID-19 tại ASEAN hết 24/9: Indonesia có số ca mới cao kỷ lục; Myanmar lo hết chỗ cách ly

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 24/9, sáu quốc gia ASEAN ghi nhận 7.954 ca mắc COVID-19 và 184 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 640.406 ca, trong đó 15.639 người tử vong. 

Trong ngày 24/9, Indonesia có số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN với 4.634 ca, tiếp đó là Philippines với 2.180 ca và Myanmar với 1.052 ca.

Đây cũng là ba quốc gia ghi nhận ca tử vong trong ngày 24/9: Indonesia (128 ca), Philippines (36 ca) và Myanmar (20 ca).

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất 

Chú thích ảnh

Bộ Y tế Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia Đông Nam Á này, với 4.634 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 262.022 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao kỷ lục. 

Ngoài ra, với thêm 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca không qua khỏi vì dịch COVID-19 tại Indonesia đến nay đã tăng lên tới 10.105 ca.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Bogor, Indonesia ngày 3/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đó, Indonesia vẫn đề xuất các tour du lịch miễn phí cho 4.440 cư dân trên đảo nghỉ dưỡng Bali, trong chiến dịch du lịch nhằm quảng bá địa điểm nghỉ dưỡng quốc tế này và thử nghiệm các quy định y tế phòng dịch bệnh COVID-19.

Điểm du lịch hút khách này đã phải đóng cửa từ tháng 4 nhằm ngăn chặn COVID-19, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Dù đã mở lại đối với khách nội địa từ tháng 7, Bali vẫn đang vất vả để "lấy lại đà" trong khi số ca nhiễm lại đang gia tăng.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia ngày 10/9. Ảnh: THX/TTXVN

Giám đốc Sở Du lịch Bali, Putu Astawa cho biết 4.440 người tham gia sẽ được chia làm 12 nhóm và được hưởng 2 đêm nghỉ miễn phí tại các khu nghỉ dưỡng trên hòn đảo này từ ngày 7-27/10 để thử nghiệm các biện pháp được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Gói tour trên sẽ bao gồm cả các chuyến tham quan địa phương và người tham gia sẽ có nhiệm vụ quảng cáo "Bali bình thường mới" trên mạng xã hội.

Năm ngoái, Bali đã đón hơn 10 triệu lượt khách, trong đó 6,3 triệu khách nước ngoài.

Trung bình, Bali ghi nhận 48 ca nhiễm mới/ngày kể từ ngày 1/8 đến 23/8. Trong tháng 9, con số này là 127 ca nhiễm/ngày.

Myanmar lo ngại các cơ sở cách ly bị quá tải

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 26/8. Ảnh: THX/TTXVN

Myanmar đã cách ly hàng chục nghìn người nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát tạo gánh nặng quá lớn cho hệ thống y tế còn hạn chế của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và các bác sĩ cho rằng các cơ sở cách ly đang bị quá tải do số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang tăng mạnh. 

Theo số liệu của Bộ Y tế Myanmar, số người được cách ly tại nước này đã tăng hơn hai lần từ mức khoảng 19.000 người trong tháng 8 năm nay lên trên 45.000 người tính đến ngày 21/9 vừa qua. 

Đối tượng cách ly bao gồm các bệnh nhân mắc COVID-19, những người đang chờ kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2, các trường hợp tiếp xúc gần và lao động di cư hồi hương. Ngay cả những trường hợp không có triệu chứng mắc bệnh hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ cũng được yêu cầu nhập viện hoặc thực hiện cách ly. Các cơ sở được huy động cho công tác cách ly gồm các trường học, tu viện cho tới các văn phòng chính phủ và nhiều khối nhà căn hộ hoặc văn phòng khác. Đây là một phần trong khuôn khổ kế hoạch tham vọng của giới chức Myanmar nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp gây sụp đổ hệ thống y tế của nước này.   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 26/8. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyên gia y tế công cộng Kyaw San Wai cho rằng chiến lược "ngăn chặn tối đa" mà giới chức Myanmar theo đuổi kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại nước này vào tháng 3 năm nay có thể phản tác dụng nếu các cơ sở đã quá tải không thể tiếp nhận thêm người vào cách ly. Theo ông, chiến lược này chỉ khả thi cho tới giữa tháng 8 năm nay khi tổng số ca mắc bệnh ở mức thấp.

Tuy nhiên, khi số ca nhiễm tăng mạnh từ cuối tháng 8, đặc biệt tại Yangon, cách tiếp cận này đã nhanh chóng đẩy các trung tâm y tế và các trung tâm cách ly lâm vào tình trạng quá tải.     

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ khám sức khỏe tại Yangon, Myanmar ngày 8/9. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, bà Khin Khin Gyi, một quan chức Bộ Y tế Myanmar, nhận định ngày càng khó có thể kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bùng phát tại nước này hôm 16/8. Bà cho biết số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở làn sóng dịch thứ hai này tăng chóng mặt so với làn sóng thứ nhất (vào cuối tháng 3 năm nay) khi chiếm tới 92% trong tổng số ca mắc COVID-19. Tỷ lệ lây nhiễm ở những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 là 20,57%, trong khi con số này là 17,48% ở những bệnh nhân đang tiến hành điều tra tiếp xúc và 0,98% thuộc nhóm những người đang cách ly. Trong tổng cộng 7.827 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đa phần bệnh nhân có độ tuổi từ 20-39 tuổi. Số bệnh nhân có bệnh lý nền không qua khỏi chiếm trên 90% trong tổng số ca tử vong vì COVID-19.  

Cho đến nay, Kayah, miền Đông Nam Myanmar, là bang duy nhất của nước này chưa ghi nhận ca bệnh COVID-19 nào.    

Philippines có 2.180 ca mắc mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 28/7. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ghi nhận 2.180 ca mắc mới và thêm 36 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh này tại đây lên lần lượt là 296.755 ca và 5.127 ca.

Philippines hiện vẫn là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á và có tới gần một nửa số ca tử vong tại nước này được ghi nhận chỉ trong vòng 30 ngày trở lại đây.

Thùy Dương/Báo Tin tức