12:00 03/12/2020

COVID-19 tại ASEAN hết 2/12: Toàn khối trên 28.100 ca tử vong; Philippines 'hạ nhiệt'

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.263 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 28.125 người.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 851 ca bệnh phát sinh và 2 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.411 ca bệnh mới và 26 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 6/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Như vậy, trong 24 giờ qua, Myanmar đã vượt qua Philippines trở thành nước có số ca tử vong/ngày vì đại dịch nhiều cao thứ hai trong số các nước thành viên của khối.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 28.125 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 164 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.209.648 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.051.112 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste, Brunei và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 2/12.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 2/12:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 549,508 +5,533 17,199 +118 458,880
Philippines 434,357 +1,438 8,436 +18 399,005
Myanmar 93,600 +1,411 1,998 +26 72,601
Malaysia 68,020 +851 365 +2 56,969
Singapore 58,230 +2 29   58,139
Thái Lan 4,026 +18 60   3,822
Việt Nam 1,358 +7 35   1,201
Campuchia 329 +3     304
Brunei 151   3   145
Lào 39       26
Timor-Leste 30       30
Chú thích ảnh
Trong ảnh: Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen ngày 2/12 đã cho phép Trung tâm thương mại AEON 1 ở thủ đô Phnom Penh mở cửa trở lại, sau 3 ngày tạm đóng cửa để ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ Y tế Campuchia tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tổng cộng 3.201 người làm việc và mua sắm tại AEON 1 và tất cả các mẫu đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Trung tâm thương mại AEON 1 đóng cửa từ ngày 29/11 sau khi một phụ nữ người Campuchia được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi người này đi mua sắm tại đây ngày 28/11.

Liên quan “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”, tính đến ngày 1/12, Campuchia đã tiến hành khoảng 7.131 xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở những người liên quan, trong đó 17 mẫu cho kết quả dương tính. Bộ Y tế tiếp tục truy vết để nhanh chóng xét nghiệm những trường hợp có liên quan trên phạm vi rộng, đặc biệt tại Phnom Penh và Siem Reap, nhằm ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ Y tế Campuchia sáng 2/12 xác nhận thêm 3 ca nhiễm mới, tất cả là trường hợp nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 329 ca, trong đó 304 bệnh nhân đã khỏi bệnh và không có ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban hành sắc lệnh trao quyền cho Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19.

Theo đó, FDA của Philippines có thể toàn quyền đưa ra quyết định cấp phép lưu hành khẩn cấp thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19 nếu xác định được hiệu quả và an toàn của các sản phẩm này trong phòng ngừa, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh, cũng như xác định lợi ích của thuốc và vaccine lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.

Philippines mong muốn khởi động chương trình tiêm chủng cho 25 triệu người ở nước này vào năm tới, với hy vọng sớm khôi phục trạng thái bình thường sau 9 tháng áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch COVID-19, tránh đẩy kinh tế nước này rơi vào suy thoái sâu hơn. Hiện quốc gia châu Á này đang đàm phán mua ít nhất 4 loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng từ các hãng dược phẩm. Riêng vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phát triển, Philippines đã có được hợp đồng mua hơn 2 triệu liều.

Philippines hiện là nước ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 nhiều thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 1/3 trong tổng số 108 triệu dân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Indonesia đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi hơn 3/4 số công nhân phải nghỉ việc tại nước này đã trở lại làm việc. Kết quả trên dựa vào cuộc khảo sát, do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện theo 3 giai đoạn, nhằm đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 5-8/2020.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết phần lớn (khoảng 70%) dân số nước này đã quay trở lại công việc như trước thời điểm dịch COVID-19 xảy ra. Trong khi đó, tỷ lệ những người trụ cột trong gia đình ngừng làm việc cũng giảm từ 24% xuống 10%. Nếu vào tháng 5 vừa qua, có 24% chủ gia đình trước đây có thu nhập và sau đó ngừng việc thì trong cuộc khảo sát lần thứ ba, con số này giảm xuống còn 10%.

Với kết quả trên, bà Sri Mulyani cho rằng khu vực lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã bắt đầu phục hồi. Bộ Tài chính Indonesia cho biết chính phủ nước này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, trong đó sẽ tăng cường thúc đẩy sản xuất để tạo thêm việc làm, mặt khác cố gắng kiềm chế làn sóng sa thải lao động bằng cách cung cấp các biện pháp kích thích kinh tế.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức