01:00 22/01/2021

COVID-19 tại ASEAN hết 21/1: Indonesia số người chết cao kỷ lục; Malaysia gia hạn lệnh kiểm soát di chuyển

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 21/1, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 17.288 ca mắc COVID-19 và 448 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.842.380 ca, trong đó 41.112 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 7/1. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 21/1, Indonesia ghi nhận 346 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là lần thứ hai trong tuần, Indonesia ghi nhận số ca tử vong ở mức cao nhất trong một ngày.

Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 11.703 ca nhiễm mới. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 951.651 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.203 trường hợp tử vong.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới và tử vong tại Indonesia liên tục tăng cao, làm dấy lên quan ngại các bệnh viện của nước này có thể quá tải và sụp đổ trong những ngày tới. Thống kê cho thấy, số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện hiện đã chiếm tới 87% công suất, trong khi số giường tại khoa hồi sức tích cực chiếm 82%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại South Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 15/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình trên, Indonesia đã quyết định gia hạn thời gian thực thi lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại hai đảo Java và Bali từ ngày 26/1-8/2. Tuy nhiên, trong lần gia hạn này, PPKM có một số điều chỉnh về thời gian hoạt động của các trung tâm thương mại và nhà hàng. Theo đó, những cơ sở này sẽ được mở cửa tới 20h hằng ngày thay vì 19h trước đó. Ngoài ra, các văn phòng, công sở cũng bị giới hạn ở mức 25% công suất, đồng nghĩa với việc 75% nhân viên phải làm việc tại nhà.

Tương tự, các hoạt động học tập, giảng dạy chỉ được tiến hành trực tuyến. Các lĩnh vực thiết yếu liên quan đến những nhu cầu cơ bản vẫn được phép hoạt động 100% công suất song phải tuân thủ quy trình y tế nghiêm ngặt hơn. Chính phủ cũng cho phép lĩnh vực xây dựng hoạt động 100% công suất song bắt buộc phải thực hiện các thủ tục y tế. Các cơ sở tôn giáo vẫn được phép mở cửa song chỉ với 50% công suất.

Trước đó, trong nỗ lực nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19, Chính phủ Indonesia đã quyết định triển khai giai đoạn đầu của PPKM trong thời gian từ ngày 11-25/1 tại 4 tỉnh và 2 đặc khu trên đảo Java và Bali với tổng cộng 150 triệu dân, chiếm hơn một nửa dân số Indonesia.

Tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 3.170 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 172.549 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 12 ca lên 642 ca. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 18/1. Ảnh: THX/TTXVN

Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) ở 6 bang và vùng lãnh thổ liên bang Malaysia sẽ được gia hạn tới ngày 4/2 sau khi hết hạn vào ngày 26/1 tới. Các khu vực bị ảnh hưởng gồm bang Penang, Selangor, Johor, Sabah, Malacca và Kelantan. Các lãnh thổ liên bang bị ảnh hưởng gồm Putrajaya, Kuala Lumpur và Labuan

Quyết định này được đưa ra dựa trên đánh giá rủi ro và lời khuyên của Bộ Y tế sau khi thấy số ca mắc COVID-19 hàng ngày vẫn đang tăng ở những bang này. Sau khi gia hạn, giai đoạn áp dụng MCO lên các bang đã được tiêu chuẩn hóa.

Trước đó, 6 bang ở Malaysia đã bị đặt dưới lệnh MCO từ 21/1. Sáu bang gồm Kedah, Perak, Pahang, Terengganu, Perlis và Negeri Sembilan. Biện pháp sẽ có hiệu lực tới ngày 4/2.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 1.783 ca nhiễm mới và 74 trường hợp tử vong, đưa tổng số trường hợp nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 507.717 người và 10.116 người.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila,Philippines, ngày 19/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 21/1, Myanmar có thêm 445 ca nhiễm mới và 16 trường hợp tử vong, đưa tổng số trường hợp nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 136.166 người và 3.013 người.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19, trong đó có 125 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 12.795 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.482 trường hợp không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Thái Lan đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine COVD-19 của AstraZeneca. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết Thái Lan sẽ nhập khẩu 200.000 liều vaccine AstraZeneca, trong đó 50.000 liều đầu tiên sẽ tới vào tháng 2.

Các nguồn tin tại Bộ Y tế cho biết nhà quản lý đã cấp phép cho vaccine của AstraZeneca vào ngày 20/1, được áp dụng trong giai đoạn một năm và chỉ áp dụng với các liều vacine được sản xuất ở nước ngoài.

Thái Lan đã ký hợp đồng với AstraZeneca để sản xuất 26 triệu liều vaccine trong nước thông qua công ty Siam Biosciene. Tới nay, FDA đã nhận được đề nghị đăng ký với vaccine của AstraZeneca và Sinovac Biotech của Trung Quốc. Nước này hy vọng mua được 63 triệu liều tất cả và tới nay đã đặt 2 triệu liều của Sinovac Biotech.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/1. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan đang tìm cách kiềm chế đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất với số ca mắc tăng gấp ba trong vòng 5 tuần qua.

Giới chức thủ đô Bangkok ngày 20/1 cho biết một số hoạt động kinh doanh sẽ được phép nối lại khi số ca mắc mới giảm ở thủ đô. 13 loại doanh nghiệp gồm phòng tập gym, dịch vụ mát xa truyền thống, phòng tập thể thao và khu vực chơi bowling có thể mở cửa từ ngày 21/1, nhưng phải tuân thủ biện pháp phòng dịch. Trường học, trung tâm chăm sóc trẻ và quán bar vẫn đóng cửa.

Thùy Dương/Báo Tin tức