01:00 16/01/2021

COVID-19 tại ASEAN hết 15/1: Toàn khối 39.000 ca tử vong; Indonesia số người chết và mắc bệnh đứng đầu châu Á

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.828 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 39.000 người.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 10/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 12.818 ca COVID-19 và 238 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 882.418 ca và 25.484 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 137 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVId-19 tới nhà xác bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngược lại, Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.211 ca bệnh mới, 8 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.  

Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 đã giảm hơn chút, đồng thời ghi nhận thêm 14 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 15/1, Myanmar có tổng cộng 133.378 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.926 người không qua khỏi.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Nước này trong ngày không phát sinh ca tử vong nào mới vì đại dịch.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 39.008 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 397 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.736.245 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.479.344 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 15/1.  

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 15/1:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 882,418 +12,818 25,484 +238 718,696
Philippines 496,646 +2,048 9,876 +137 459,737
Malaysia 151,066 +3,211 586 +8 115,227
Myanmar 133,378 +513 2,926 +14 116,610
Singapore 59,059 +30 29   58,771
Thái Lan 11,450 +188 69   8,288
Việt Nam 1,536 +5 35   1,380
Campuchia 426 +15     381
Brunei 174   3   168
Timor-Leste 51       45
Lào 41       41
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/1, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 12.818 ca, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên  882.418 ca.

Indonesia cũng có thêm 238 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 25.484 ca. Indonesia nằm trong số những nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất ở châu Á.

Indonesia đã bắt đầu tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn, trong đó các nhân viên y tế là nhóm ưu tiên chính. Chương trình này được triển khai một ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo được tiêm mũi đầu tiên loại vaccine do công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển.  

Tại bệnh viện công Cipto Mangunkusumo ở trung tâm Jakarta sáng 14/1, có ít nhất 25 nhân viên y tế tại bệnh viện này đã được tiêm vaccine Sinovac. Dự kiến, khoảng 6.000 nhân viên y tế và các bệnh nhân không nhiễm COVID-19 tại bệnh viện này sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 lần lượt theo nhóm. Thứ trưởng Y tế Dante Saksono, người cũng được tiêm vaccine ngày 14/1, cho biết khoảng 1,4 triệu nhân viên y tế trên cả nước sẽ dần được tiêm chủng, sau đó đến giới công chức.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt tại một lễ cưới ở Makati, Philippines, ngày 15/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/1, Philippines đã gia hạn thêm 2 tuần lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, những nơi đã phát hiện các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trong một tuyên bố, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết lệnh cấm này ban đầu đã được áp đặt trong hai tuần, cho đến ngày 15/1 đối với 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện sẽ mở rộng đối với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ và có hiệu lực cho đến ngày 31/1. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục, bắt đầu từ ngày 13/1 và du khách đến từ Mỹ bắt đầu từ ngày 3/1. Đặc biệt, lệnh cấm này hiện cũng áp dụng đối với cả những người Philippines muốn về nước.

Philippines đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh. Hiện Philippines là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức