10:00 02/10/2020

COVID-19 tại ASEAN hết 1/10: Gần 17.000 người tử vong; ca mắc mới ở Indonesia cao nhất

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 1/10, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 7.884 ca mắc COVID-19 và 186 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 694.048 ca, trong đó 16.999 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Đám tang bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại tỉnh Aceh, Indonesia ngày 29/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 1/10, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN với 4.174 ca và 116 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 291.182 và 10.856.

Đứng thứ hai về số ca mắc trong ngày 1/10 tại ASEAN là Philippines với 2.415 ca và 59 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt là 314.079 và 5.562. Vùng thủ đô Manila vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước, với 930 trường hợp.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 21/9. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bộ Y tế Philippines, tính đến nay, hơn 3,52 triệu trên tổng số 109 triệu người dân nước này đã được xét nghiệm. 

Với số ca mắc 1.010 trong ngày 1/10, Myanmar đứng thứ ba ASEAN. Hiện nước này ghi nhận 14.348 ca mắc từ đầu dịch, trong đó 312 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 28/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/10, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 260 ca mắc bệnh COVID-19. Đây là mức cao nhất trong một ngày tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 4/6. Trong số ca mắc mới, có một ca nhập khẩu và 259 người mắc mới do lây nhiễm cộng đồng. Bang Sabah trở thành điểm nóng nhất với 118 ca mắc mới.

Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 11.484 ca mắc COVID-19, trong đó có 136 trường hợp tử vong. 

Cũng trong ngày 1/10, Văn phòng Chính phủ Lào ra thông báo khẩn số 1049 về các biện pháp phòng ngừa COVID-19 được áp dụng trong tháng 10 tại nước này. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hạn chế hoạt động xuất-nhập cảnh phổ thông, đóng cửa các tụ điểm giải trí, Chính phủ Lào đã nới lỏng một số quy định nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Vientiane, Lào ngày 11/4. Ảnh: THX/TTXVN

Thông cáo cho biết Lào tiếp tục đóng cửa các cửa khẩu địa phương và cửa khẩu truyền thống với mục đích xuất-nhập cảnh phổ thông và vận tải hàng hóa, trừ những cửa khẩu được chính phủ cho phép thực hiện hoạt động vận tải hàng hóa. Đối với các cửa khẩu quốc tế, Lào sẽ tiếp tục không cho phép hoạt động xuất-nhập cảnh phổ thông, ngoại trừ công dân Lào và người nước ngoài đã được Ủy ban đặc trách cho phép. Riêng hoạt động vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu quốc tế vẫn sẽ tiếp tục hoạt động bình thường.

Lào tiếp tục đóng cửa các tụ điểm giải trí và quán karaoke và tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch và thăm viếng với người đến hoặc quá cảnh quốc gia đang có dịch COVID-19. Các nhà ngoại giao, nhân viên tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động nước ngoài làm việc tại Đại sứ quán, các dự án… có nhu cầu cấp thiết có thể nhập cảnh vào Lào nhưng phải thông qua sự xem xét và chấp thuận của Ủy ban chuyên trách quốc gia Lào về phòng chống COVID-19.

Chính phủ Lào cũng đồng ý trên nguyên tắc việc mở lại hình thức du lịch theo đoàn với du khách đến từ các quốc gia không có dịch COVID-19 trong cộng đồng nhằm hỗ trợ giải quyết tác động kinh tế, đồng thời giao cho các ban, ngành liên quan nghiên cứu các biện pháp thực hiện cụ thể. Chính phủ Lào cũng đồng ý trên nguyên tắc về việc thu phí xét nghiệm COVID-19, đồng thời giao các ban, ngành chức năng nghiên cứu áp dụng mức phí xét nghiệm phù hợp, cho phép tiếp tục thảo luận với cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc về việc mở “làn xanh”.

Đặc biệt, trong thông báo lần này, Chính phủ Lào đã cho phép công dân nước này trở về từ quốc gia không có dịch lây lan trong cộng đồng, chỉ cần chờ kết quả xét nghiệm trong 48 giờ, nếu kết quả xét nghiệm âm tính có thể được phép về cách ly tại cơ quan hoặc nơi cư trú.

Tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho rằng nên điều chỉnh thời hạn hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vì tiến trình này chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người lao động nhập cư tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo về Chương trình nghị sự tài chính năm 2030 vì phát triển bền vững thời kỳ COVID-19 và hậu COVID-19, Thủ tướng Hun Sen nhận định việc lùi thời hạn hoàn thành SDG có nhiều lý do, trong đó có việc mỗi nước thành viên của LHQ giảm nỗ lực thực hiện vì phải chuyển hướng chính sách ưu tiên và dành nguồn lực để đối phó với dịch COVID-19 và việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của một số cường quốc.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo trợ xã hội quốc gia Campuchia do Bộ trưởng Tài chính Aun Porn Moniroth chủ trì đầu tuần này, Chính phủ Campuchia đã thông báo về vòng thứ 6 thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19. Theo Chính phủ Campuchia, các biện pháp này sẽ đảm bảo cho các gia đình nghèo và có cuộc sống bấp bênh tiếp tục nhận trợ cấp xã hội trong thời điểm khó khăn hiện nay khi chưa thể dự đoán được thời điểm chấm dứt dịch bệnh.

Theo những biện pháp trên, đối với ngành may mặc, du lịch, khách sạn, nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, Chính phủ Campuchia tiếp tục hỗ trợ 40 USD/tháng cho công nhân nhà máy và lao động làm việc trong ngành du lịch và dịch vụ du lịch bị mất việc hoặc tạm thời phải nghỉ việc. Chương trình hỗ trợ này sẽ kéo dài thêm 3 tháng cho đến cuối tháng 12/2020.

Thùy Dương/Báo Tin tức