03:16 27/03/2020

COVID-19 khiến lãnh đạo bóng đá Anh cùng các CLB 'phá lệ'

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh, Ban tổ chức giải Hạng nhất và Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) sẽ nhóm họp vào tuần tới xoay quanh việc đưa ra một mốc thời gian mới để các giải bóng đá hoạt động trở lại. Theo đó, Premier League (Ngoại hạng Anh) khó tái xuất tháng 5, còn FA Cup nhiều khả năng sẽ dời đến tháng 9.

Chú thích ảnh
Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, Ngoại hạng Anh đã liên tiếp có những điều chỉnh lịch thi đấu. Ảnh: Reuters

Liverpool đang nóng lòng chờ đợi ngày bước lên ngôi vô địch nước Anh sau gần 30 năm chờ đợi, còn hai đội Hạng nhất Leeds United và West Brom khấp khởi hy vọng ngày trở lại sân chơi Ngoại hạng Anh. Chỉ có điều, Ngoại hạng Anh vẫn đang phải lùi ngày trở lại.

Nếu không có đại dịch COVID-19, Liverpool giờ đây đã có thể vô địch từ ngày 21/3 vừa qua, trong trường hợp giành chiến thắng trước Crystal Palace ngay tại pháo đài Anfield. Đó là khoảng thời gian rất thuận lợi để hoàn thành công tác chuẩn bị cho bữa tiệc ăn mừng chức vô địch. Sẽ có cờ, hoa, kèn trống cùng hàng vạn tiếng hát "You'll never walk alone" tràn ngập thành phố Cảng...

Các bên liên quan sẽ có một cuộc họp vào tuần sau để định ra một mốc thời gian mới để các giải bóng đá ở Anh trở lại. Các quan chức đã chấp thuận rằng, với việc cả quốc gia đang thắt chặt việc cách ly, các cầu thủ không thể luyện tập, vì vậy 30/4 không phải là một mốc thời gian thực tế.

Chú thích ảnh
Những trận đấu liên tiếp bị hoãn sẽ khiến Ngoại hạng Anh có mùa giải kéo dài lịch sử. Ảnh: Reuters
Theo điều lệ, tất cả các giải đấu do FA quản lý đều phải kết thúc trước ngày 1/6. Theo tổ chức này, việc hoãn thời hạn thi đấu chính là để giải đấu diễn ra trong điều kiện an toàn nhất.

Theo quy định của Ngoại hạng Anh, mùa giải không được kết thúc sau ngày 1/6. Nhưng vì bệnh COVID-19 đang ngày một phức tạp, lãnh đạo bóng đá Anh cùng các CLB đã phá lệ: Không giới hạn kết thúc của mọi giải đấu tại Xứ sương mù. Vì thế, The Kop và người hâm mộ của họ vẫn phải đợi và chưa biết đến ngày được nâng cúp vô địch.

Nhưng có lẽ Liverpool là CLB "thảnh thơi" nhất vào lúc này. Vấn đề duy nhất khiến họ lo lắng là khả năng hủy bỏ giải đấu. Còn nếu không, Lữ đoàn đỏ chỉ cần thắng thêm 2 trong số 9 vòng đấu còn lại là sẽ giành chức vô địch.

Chelsea và Arsenal là hai đội bóng khổ sở nhất vì COVID-19. Việc HLV Mikel Arteta (Arsenal) và tiền vệ Hudson-Odoi (Chelsea) dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến toàn bộ các cầu thủ của hai đội đều phải cách ly trong 14 ngày. Điều này khiến cả hai đội bóng đều không thể sớm trở lại tập luyện bình thường.

Trong khi Chelsea vẫn khá bấp bênh ở vị trí thứ 4 với 48 điểm, Arsenal (40 điểm) cần phải chơi bùng nổ trong các trận còn lại để giành được suất dự Champions League mùa tới. Vì điều này, cả hai đội bóng đều thông báo sẽ tập luyện trở lại vào tuần này, khi toàn bộ các cầu thủ hết thời hạn cách ly.

Tottenham và MU cũng là những đội bóng đang bị đặt vào tình thế rượt đuổi trong cuộc đua. Hiện cả hai đội bóng đều đang cho các cầu thủ tập luyện ở nhà và chưa thông báo lịch tập trở lại. MU là đội bóng khó khăn nhất khi còn cày ải ở ba đấu trường và việc mạch phong độ ấn tượng của họ bị cắt đứt đột ngột vì dịch bệnh COVID-19 cũng là một điều đáng tiếc.

Chú thích ảnh
HLV Mikel Arteta của Arsenal dương tính với vi rút SARS-CoV-2 khiến đội bóng không thể tập trung tập luyện - Ảnh: Reuters
FA Cup - giải đấu lâu đời nhất trong lịch sử bóng đá đương đại khởi đầu từ mùa bóng 1871 - 1872 và sau Thế chiến thứ hai diễn ra hết sức đều đặn và chưa từng dang dở vì bất kỳ lý do gì.

Trong khi đó, vòng tứ kết FA Cup năm nay quy tụ 8 đội bóng Premier League với "bộ tứ" Man City, Chelsea, Arsenal và Man United đã có tổng cộng 39 danh hiệu vô địch. Norwich và Leicester đang rất nỗ lực làm nên lịch sử bởi trước đó họ chưa bao giờ giành chiến thắng ở sân chơi này. Còn Sheffield United không thể giành cúp kể từ năm 1945 còn Newcastle đã vô địch từ tận năm 1955.

Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh cho biết vẫn sẽ tuân thủ nghiêm quy định của Chính phủ và hướng dẫn của ngành chức năng về phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để các giải đấu có thể trở lại sớm nhất có thể đồng thời kết thúc thành công như mong đợi.

Việc lùi ngày trở lại của Ngoại hạng Anh nói riêng cũng như các giải đấu khác tại châu Âu nói chung sẽ ảnh hưởng đến thời gian bắt đầu của mùa giải năm sau, và điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngày hạ màn - vốn cần phải sớm hơn để phục vụ cho ngày khởi tranh của EURO 2021. Dẫu vậy với tình tình dịch bệnh như hiện tại, các CĐV chỉ có thể chờ đợi và cầu nguyện.

Anh đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tính đến ngày 27/3, nước này ghi nhận hơn 11.600 ca nhiễm và gần 580 ca tử vong.

Minh Đăng/Báo Tin tức