11:06 18/11/2020

COVID-19 đến 6h sáng 18/11: Thế giới một ngày trên 10.000 ca tử vong, hơn nửa triệu ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 524.240 ca mắc COVID-19 và 10.112 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 55,9 triệu, trong đó có trên 1,34 triệu bệnh nhân không qua khỏi.

 
Chú thích ảnh
Thi thể người mất được đưa lên xe lạnh ở El Paso, bang Texas, Mỹ ngày 16/11/2020. Ảnh: Reuters 

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 18/11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 55.912.286 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.342.591 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 38.921.149 người, 15.646.241 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 100.252 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (140.432 ca), Ấn Độ (38.532 ca) và Brazil (35.018 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.361 ca), tiếp theo là Italy  (731 ca) và Brazil (632 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 254.068 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 11.676.701 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 131.031 ca tử vong trong số 8.912.704 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 166.699 ca tử vong trong số 5.911.758 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 124 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru (với tỷ lệ 107 người), Tây Ban Nha - 88 người và Brazil - 79 người.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu ghi nhận hơn 15 triệu ca mắc COVID-19

Theo số liệu do hãng tin AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức, tính tới ngày 17/11, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt quá 15 triệu người.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ đại dịch COVID-19, tiếp theo là các khu vực Mỹ Latinh và Caribe cùng ghi nhận 12,1 triệu ca và châu Á là 11,5 triệu ca.

Thế giới hiện đã ghi nhận tổng cộng hơn 55,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,33 triệu ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát.

Nga: Ca tử vong theo ngày cao kỷ lục

 Tại châu Âu, ngày 17/11, Nga thông báo ghi nhận thêm 442 trường hợp tử vong do bệnh COVID-19 - mức thống kê theo ngày cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số trường hợp không qua khỏi tại Nga lên 33.931 người. Trong 24 giờ qua, Nga đã có thêm 22.410 người mắc COVID-19, trong đó riêng tại thủ đô Moskva là 5.882 người. Tổng số ca nhiễm hiện nay tại Nga là 1.971.013 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển người nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga ngày 16/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tương tự, Bộ Y tế Bulgaria thông báo nước này ngày 17/11 đã ghi nhận thêm 152 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.282 trường hợp. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Âu này ghi nhận thêm 4.828 ca nhiễm, đưa tổng số người mắc bệnh lên 106.598 người.

Pháp chưa nới lỏng phong toả toàn quốc

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng nước này đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng dịch COVID-19, vì vậy chưa thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ hai.  Phát biểu trên Đài truyền hình BFM, Bộ trưởng Veran khẳng định nếu ngừng các nỗ lực khống chế dịch bệnh quá sớm, cũng như không thực thi nghiêm biện pháp phong tỏa, nước Pháp có thể lại chứng kiến làn sóng dịch bệnh gia tăng, "xóa sạch" mọi nỗ lực của chính phủ và người dân trong những tuần qua. 

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 625 ca tử vong và 14.524 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 2.036.755, xếp thứ tư toàn thế giới.

Tổng thống Emmanuel Macron ra thông báo cho biết người hâm mộ thể thao sẽ không được phép trở lại các sân vận động trên cả nước để xem các trận thi đấu thể thao trước tháng 1/2021. Phát biểu với giới chức thể thao, Tổng thống Macron nhấn mạnh việc khán giả trở lại các sân vận động là không thể diễn ra trong tháng 12 tới khi số ca mắc COVID-19 tại nước này không ngừng  tăng trong những ngày qua. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay quốc tế Ben Gurion, gần Tel Aviv, Israel, ngày 15/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Anh: Thủ tướng Boris Johnson vẫn tự cách ly

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tiếp tục tự cách ly sau khi có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Theo người phát ngôn của ông Johnson, mặc dù xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng theo quy định, Thủ tướng Johnson vẫn thực hiện tự cách ly. Trước đó, 10 nghị sĩ đảng Bảo thủ của nước này đang tự cách ly sau khi được thông báo họ đã tiếp xúc với người mắc COVID-19.

Tại Italy, ngày 17/11, chính phủ đã thông qua dự thảo Luật Ngân sách 2021, trong đó chi hơn 38 tỷ euro để khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng Quan hệ của Nghị viện Federico D’Incà, ngân sách 2021 sẽ phân bổ hơn 4 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, cùng các gói hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn việc sa thải nhân viên kéo dài đến 31/3/2021… Ngoài ra, Italy sẽ dành khoảng 400 triệu euro để mua vaccine và thuốc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như phân bổ thêm 2 tỷ euro để nâng cấp và xây dựng các cơ sở y tế.

Thụy Điển áp dụng biện pháp hạn chế "chưa từng có tiền lệ"

Thụy Điển đã cấm các hoạt động tụ tập với quy mô trên 8 người trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này tăng mạnh. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng đây là biện pháp "chưa từng có tiền lệ" nhưng "cần thiết" để hạn chế dịch bệnh lây lan. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 3/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt hạn chế mới

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền thành phố Istanbul - thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Theo đó, toàn bộ các viện bảo tàng, cơ sở thể dục-thể thao, hồ bơi, trung tâm văn hóa đều phải đóng cửa từ ngày 19/11. Trước đó, Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu đã kêu gọi phong tỏa hoàn toàn thành phố có16,5 triệu dân này trong ít nhất 2 tuần. Hiện số ca nhiễm tại Istanbul chiếm khoảng 50% tổng số ca bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình dịch bệnh càng trở nên trầm trọng hơn khi thời tiết lạnh hơn. 

Châu Á: Hàn Quốc cảnh báo làn sóng dịch mới

Trong khi đó, tại châu Á, giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo về tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong giới trẻ, đồng thời lo ngại điều này có thể dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới trong những tuần tới. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA), trong thời gian từ ngày 11/10-7/11, tỷ lệ những người dưới 50 tuổi trong các ca mới đã tăng 10,8% điểm lên 49,1%. Trong tuần qua, số người nhiễm trong độ tuổi trên chiếm tới 52,2%, trong khi những người từ độ tuổi 50 trở lên chiếm 47,8%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn công nghệ sinh học Moderna trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 5/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 hằng ngày ở Hàn Quốc dao động trên 200 ca trong ngày thứ tư liên tiếp và có chiều hướng lan rộng ra cả nước, buộc cơ quan chức năng phải nâng mức giãn cách xã hội từ mức 1 lên mức 1,5 ở khu vực Seoul và vùng lân cận. Số liệu do KDCA công bố ngày 17/11 cho thấy Hàn Quốc có thêm 230 ca mắc mới COVID-19, trong đó 202 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 28.999 ca. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca mắc mới ở mức trên 100 ca và đã có 4 ngày ghi nhận số ca mắc mới trên ngưỡng 200 ca. KCDA cho biết do số ca lây nhiễm mới xuất phát từ các cuộc tụ họp của cá nhân, các địa điểm công cộng và bệnh viện và xảy ra rải rác trên toàn quốc nên các cơ quan y tế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm và ngăn chặn sự lây lan.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 7/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia: Kế hoạch tiêm chủng hàng loạt có thể bị trì hoãn

Tờ Straits Times cho biết, nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng hàng loạt phòng COVID-19 của Tổng thống Joko Widodo vào tháng 12/2020 đang đối mặt nguy cơ bị trì hoãn sau khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia cảnh báo họ sẽ không thể cấp phép khẩn cấp cho đến tận tháng 1/2021 do dữ liệu chưa đầy đủ.

Chú thích ảnh
Indonesia vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: AFP 

Trả lời phỏng vấn Reuters tuần trước, Tổng thống Widodo cho biết Indonesia lên kế hoạch tiêm chủng đại trà cho nhân viên y tế và người làm việc trên tuyến đầu chống dịch ngay trong tháng 12/2020 nhằm kiềm chế làn sóng lây lan dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ nền kinh tế đang lâm nguy của nước này. Kế hoạch của Jakarta là sử dụng một loạt ứng cử viên vaccine, bao gồm loại vaccine do Sinovac (Trung Quốc) sản xuất và vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng ở Indonesia. 

Tới hết ngày 17/11, Indonesia ghi nhận tổng cộng 474.455 ca COVID-19, trong đó có 3.807 ca mới, 15.393 ca tử vong và 398.636 người đã bình phục. 

Singapore "sẽ không xếp cuối hàng" khi có vaccine COVID-19

Ngày 17/11, Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết Singapore đang thương lượng với các nhà sản xuất vaccine COVID-19 để đảm bảo nước này "sẽ không phải xếp hàng cuối cùng" khi vaccine được phân phối.  Trong số các đối tác này có tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ, nơi vừa công bố vaccine COVID-19 của họ đạt hiệu quả 90%. 

Singapore hiện đã thành lập một uỷ ban có nhiệm vụ lập danh sách những người được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Hiện Singapore có 58.130 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 58.033 người đã được chữa khỏi và xuất viện, 28 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Indonesia vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: AFP 

Tình hình Myanmar ngày càng báo động

Ngày 17/11, Myanmar ghi nhận thêm 1.569 ca nhiễm mới, cao hơn nhiều so với con số 1.167 của ngày 16/11.

Số ca bệnh tại nước này đã tăng lên 71.730 trường hợp, trong đó có 1.625 người đã tử vong, 54.274 ca bình phục. Trong ngày 17/11, Myanmar cũng chứng kiến 26 ca tử vong vì COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân sát khuẩn tay phòng lây nhiễm COVID-19 tại khu trại tạm ở làng Stabelan, Boyolali, Trung Java, Indonesia, ngày 10/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines: Số ca nhiễm mới thấp hơn Myanmar, Malaysia

Ngày 17/11, Philippines ghi nhận thêm 1.148 ca COVID-19 so với một ngày trước. Con số này thấp hơn cả hai "điểm nóng" mới là Myanmar và Malaysia. Tuy vậy, tổng ca bệnh tại Philippines vẫn cao thứ hai khu vực, với 410.718 ca, bao gồm 7.862 trường hợp tử vong và 374.543 người bình phục.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Philippines, Trung Đông là khu vực có nhiều người Philippines mắc COVID-19 nhất, với 7.530 trường hợp, trong đó 574 ca tử vong và 4.652 người đã khoẻ lại. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 25/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Mỹ: Một loạt bang khắp nước Mỹ áp dụng hạn chế mới

Tại châu Mỹ, nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, một loạt bang trên khắp nước Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế mới phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Các bang New Jersey, California, Ohio và thành phố Philadelphia - thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania - đã gia nhập danh sách các bang và khu vực tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nhập viện trên toàn quốc tăng đột biến trong những tuần gần đây. Các chuyên gia y tế cảnh báo dịp nghỉ lễ Tạ ơn và Giáng sinh sắp tới và thời tiết chuyển lạnh hơn sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này, khi người dân tổ chức các buổi tụ họp trong nhà nhiều hơn. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tia hy vọng vaccine COVID-19

Liên quan công tác bào chế vaccine, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh những kết quả đột phá "đáng khích lệ", đồng thời bày tỏ lạc quan thận trọng về khả năng có vaccine trong những tháng tới. Tuy nhiên, ông lưu ý các nước không nên tự thỏa mãn vì số ca mắc và tử vong do COVID-19 vẫn đang tăng mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu và châu Mỹ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng thực phẩm ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu của người đứng đầu WHO được đưa ra sau khi tập đoàn công nghệ sinh học Moderna của Mỹ thông báo vaccine thử nghiệm ngừa COVID-19 của hãng này đã phát huy hiệu quả tới 94,5%. Một trong những ưu điểm lớn nhất của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vaccine của tập đoàn Pfizer, lợi thế dễ dàng phân phối hơn.

Cùng ngày 16/11, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng của Mỹ - cũng bày tỏ hoan nghênh kết quả thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna, cho rằng kết quả này "vô cùng ấn tượng". Ông đồng thời nêu quan ngại về tâm lý phản đối vaccine tại Mỹ khi cho rằng một vaccine sẽ không phát huy hết tác dụng ngừa bệnh nếu không ai đi tiêm phòng.

Như vậy, cùng với vaccine của Pfizer và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, cũng cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn cũng như xem xét những quy định về pháp lý, Mỹ có thể có hai loại vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép để đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn công nghệ sinh học Moderna trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 5/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

 Trong thông báo ngày 16/11, Pfizer cho biết sẽ bắt đầu thực hiện chương trình tiêm chủng COVID-19 thí điểm tại 4 bang của Mỹ để giúp tinh chỉnh kế hoạch phân phối và triển khai vaccine của hãng này. Cụ thể, 4 bang gồm Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee đã được chọn cho chương trình thí điểm này.

Theo WHO, tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vaccine ngừa COVID-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức