10:21 04/10/2015

COP21-Cơ hội cuối cùng cứu Trái đất? - Kì 1

Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra từ 30/11 - 11/12/2015 tại Paris được xem là cơ hội cuối cùng để các bên đi đến một thỏa thuận về ứng phó với biến đổi khí hậu.


TÍNH CHẤT, TẦM QUAN TRỌNG

Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến sự kiện lần này, khi mà tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày một rõ nét và không chừa bất kì một quốc gia nào. Nếu như tại Copenhagen (2009), Trái đất nóng lên có thể còn là vấn đề ở đâu đó trong tương lai thì nay nó hiện hữu ngay trước mắt, có thể cảm nhận trực diện, rõ ràng.

Biến đổi khí hậu - nỗi lo chung của cả nhân loại. Ảnh: Reuters

Tổ chức Khí tượng Quốc tế (WMO) cho biết, 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử, với mức nhiệt độ trung bình là 14,58 độ C, cao hơn 1,24 độ C so với nhiệt độ trung bình trong thế kỷ 20. Nhiệt độ tăng ở hầu khắp mọi nơi trên Trái đất, từ vùng Viễn Đông của Nga cho tới miền Tây Alaska của Mỹ, từ Nam Mỹ tới phần lớn các nước châu Âu. Nếu không cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhân loại sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng, hạn hán, bão lụt với tần suất, mức độ khốc liệt ngày một gia tăng - Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định. Trong khi đó, các hội nghị thượng đỉnh gần đây về biến đổi khí hậu liên tiếp thất bại, khiến dư luận mất dần kiên nhẫn về một cam kết bền vững trong cuộc chiến bảo vệ Trái đất - mái nhà chung của nhân loại.

Cho đến nay, Nghị định thư Kyoto (1997) vẫn là thỏa thuận quốc tế duy nhất mang tính ràng buộc đối với các nước về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân chính làm Trái đất nóng lên. Văn bản này chính thức có hiệu lực từ 16/2/2005 và hết hạn năm 2012. Do bất đồng sâu sắc và không có thỏa thuận thay thế, nên tại COP18 ở Doha (Qatar), các bên đã nhất trí thông qua Kế hoạch Doha sửa đổi, gia hạn Nghị định thư Kyoto đến hết năm 2020. Các bên cũng thống nhất xem COP20 ở Lima (Peru) là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về biến đổi khí hậu tại COP21 ở Paris trong tháng 12 tới.

Tính chất quan trọng, thời gian gấp rút, nhưng còn quá nhiều phần việc phải hoàn tất - chỉ riêng về thủ tục chứ chưa nói tới chương trình nghị sự. Đơn cử như việc Nhật Bản, New Zealand và Nga đều ký kết Nghị định thư Kyoto ở giai đoạn một, nhưng lại không tham gia ở giai đoạn mục tiêu kế tiếp. Những nước công nghiệp phát triển khác hiện đứng ngoài cuộc còn có Canada (rút khỏi nghị định thư năm 2012) và Mỹ (chưa phê chuẩn). Điều đó có nghĩa là chỉ mới có 36 quốc gia ký phê chuẩn Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2 và cần 144 nước nữa thông qua thì tài liệu này mới chính thức có hiệu lực. COP21 vì thế được xem là “cơ hội cuối cùng, tốt nhất”, thời điểm quyết định để đạt thỏa thuận về giảm phát thải khí nhà kính nhằm cứu sống "cuộc sống của dân cư, đất đai, hệ thống sinh học" trên trái đất - như lời Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Trên cương vị nước chủ nhà, Pháp đã đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Khoảng 40.000 đại biểu đại diện của 195 nước, các tổ chức quốc tế, giới doanh nghiệp… sẽ tham dự hàng trăm cuộc họp để hoàn tất một thỏa thuận toàn cầu mang tính phổ quát, chế tài ràng buộc và có hiệu lực từ năm 2020 dựa trên nhu cầu và năng lực của từng quốc gia gắn với chuyển đổi mô hình phát triển có độ thích ứng cao, nền kinh tế carbon thấp theo hướng bền vững. Một mục tiêu chủ chốt khác là tái khẳng định yêu cầu buộc các nước phát triển huy động khoản tài chính 100 tỉ USD/năm từ khu vực nhà nước, tư nhân từ năm 2020 để giúp đỡ các nước nghèo chống chọi với những thách thức mà biến đổi khí hậu gây ra.

Một điểm mới tại COP21 lần này là việc 195 nước cũng sẽ đệ trình Báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC) nhằm ứng phó với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nêu rõ mục tiêu, biện pháp, thời hạn giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Sáng kiến này được cho là bước đi trung gian nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán tại hội nghị, làm cơ sở để đi tới thỏa thuận chung. Hiện đã có 58 quốc gia “sản sinh” ra hơn 60% lượng khí thải toàn cầu đưa ra các cam kết của mình. Mỹ đưa ra mục tiêu giảm 26 - 28% lượng khí thải vào năm 2025 so với năm 2005; Liên minh châu Âu (EU) cam kết đạt mục tiêu đến năm 2030 giảm 40% so với thời điểm năm 1990 còn Trung Quốc cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 60 - 65% lượng phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với năm 2005. 

Kỳ cuối: Những trở ngại cần phải vượt qua

Hoài Thanh