09:06 01/09/2019

Công ty khởi nghiệp Nhật Bản dấn thân vào cuộc đua vũ trụ

Công ty khởi nghiệp (Startup) iSpace của Nhật Bản hình dung Mặt trăng một ngày nào đó sẽ có hàng ngàn người sinh sống và tiếp nhận thêm 10.000 khách du lịch mỗi năm, mở ra cơ hội khổng lồ để khai thác lợi nhuận từ vũ trụ.

Chú thích ảnh
Nhà sáng lập Hakamada của iSpace. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong một văn phòng cho thuê gần Tháp Tokyo, các kỹ sư đang bận rộn phát triển thứ được giống như chiếc xe đẩy điều khiển từ xa. Chỉ trong vài năm tới, những chiếc xe này có thể sẽ bay xa trên 350.000 km, lên tới Mặt Trăng.

Sứ mạng của nhóm kỹ sư là chế tạo một chiếc xe địa hình có thể được triển khai trong chương trình Mặt Trăng có người lái mang tên Artemis của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Để đạt mục tiêu đó, họ đang khai thác sức mạnh vượt trội của Nhật Bản trong ngành tự động hóa điều khiển từ xa – lĩnh vực đã giúp "xứ sở Mặt Trời mọc" thực hiện được sứ mạng lấy mẫu thiên thạch đầu tiên trên thế giới cũng như hỗ trợ điều tra bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hủy hoại trong thảm họa kép động đất-sóng thần.

Công ty đứng sau dự án này là một doanh nghiệp khởi nghiệp mới 9 năm tuổi, sở hữu chỉ 100 nhân viên, có tên gọi iSpace.

iSpace không chỉ chạy đua để trở thành công ty tư nhân đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, mà còn coi đây là tấm vé đưa Nhật Bản trở lại kỷ nguyên của óc sáng tạo và trí tưởng tượng, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang thống trị bản đồ các công ty khởi nghiệp toàn cầu.

Thoạt nhìn, nhà sáng lập Takeshi Hakamada 39 tuổi của iSpace trông không giống một người hùng chạy đua vũ trụ lắm. Anh có vóc người nhỏ, giọng nói nhẹ nhàng và có vẻ là một người nghe hơn là một người nói. Hakamada thừa nhận anh dễ bị say tàu xe, ghét độ cao, thậm chí còn ghét cả đi thang máy, cho dù trong chuyến thăm mới đây tới Washington, anh đã buộc phải quen với đi lại đường không.

Tuy nhiên, Hakamada lại nuôi giấc mơ lớn bay vào vũ trụ và có giải pháp vững vàng cho điều đó.

Chú thích ảnh
Là chủ một công ty khởi nghiệp non trẻ, Hakamada đang nuôi giấc mơ lớn, thu lợi nhuận từ vũ trụ. Ảnh: N.A.R

Vũ trụ mở cho tư nhân

Những giấc mơ như vậy không còn là những ý tưởng "trên trời", nhờ những tiến bộ công nghệ và việc giảm chi phí thám hiểm vũ trụ - ít nhất là so với trước đây. “Hồi xưa, 10-20 năm trước, một công ty như iSpace sẽ không thể tồn tại”, Carissa Christensen, CEO của Bryce Space and Technology, một công ty nghiên cứu vũ trụ của Mỹ, cho biết. "Công nghệ đã thay đổi thế giới, để chúng ta biến những giấc mơ đó thành tầm nhìn mà các công ty có thể đạt được".

Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp vũ trụ đã tăng mạnh kể từ năm 2015, với phần lớn tiền đến từ các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ, nhưng gần đây là từ các tập đoàn Nhật Bản. Trong năm 2017, iSpace đã huy động được 10 tỷ Yen (96 triệu USD) trong vòng cấp vốn hạng A - khoản đầu tư lớn nhất cho bất kỳ liên doanh vũ trụ nào tính đến thời điểm đó. Các nhà đầu tư bao gồm Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản (Japan Airlines) và hai tổ chức được chính phủ hỗ trợ, gồm Tập đoàn Mạng Sáng tạo Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản.

Chú thích ảnh
iSpace đặt mục tiêu đưa những xe địa hình cỡ nhỏ như thế này lên Mặt trăng. Ảnh: Nikkei Asian Review

Càng ngày, các cơ quan vũ trụ như NASA càng giảm bớt sức nặng đằng sau các dự án thám hiểm không gian. Theo kế hoạch, NASA sẽ trao các hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD trong 10 năm tới cho các công ty như iSpace cung cấp dịch vụ vận tải để thăm dò Mặt trăng. Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng đang chuyển giao cho lĩnh vực thương mại tư nhân những dịch vụ như vậy.

Tất cả điều này tạo ra một "thị trường thú vị cho một công ty như iSpace", ông Christensen nói, nhắc đến việc các cơ quan chính phủ đang tìm kiếm đối tác thương mại có thể cung cấp dịch vụ và sản phẩm trong thời gian ngắn hơn, với chi phí thấp hơn.

Trong khi đó, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản, hay JAXA, vẫn chưa thực hiện cách tiếp cận này. Nhưng iSpace cho rằng họ sẽ có cơ hội hợp tác với JAXA, vốn đang lên kế hoạch cho một sứ mạng Mặt Trăng có người lái vào năm 2029 bằng cách sử dụng một chiếc xe địa hình do Toyota Motor phát triển. "Chúng tôi tin rằng chúng tôi có khả năng thực hiện công việc chuẩn bị cho JAXA và Toyota', CEO Hakamada khẳng định.

Chú thích ảnh
Thiết kế xe địa hình do Toyota phát triển cho Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản JAXA. Ảnh: exploration

Nhà sáng lập iSpace đã nhìn thấy trước một thị trường trị giá hàng tỷ USD cho các dịch vụ vận chuyển và thám hiểm Mặt Trăng trong vòng 10 năm. Một mình NASA sẽ cần tất cả các loại thiết bị trên cực Nam Mặt Trăng trước khi họ cử phi hành gia tàu Artemis - có thể là phi hành đoàn toàn nữ - vào năm 2024 đến đó.

Xem xe địa hình của tàu Apollo 16 di chuyển trên Mặt Trăng:

"Chúng tôi đang nhắm đến doanh thu hàng năm vài triệu đô la USD trong khoảng 10 năm", Hakamada nói. Anh hy vọng vũ trụ sẽ bắt đầu mang lại lợi nhuận cho công ty trong 3-5 năm".

Hậu thuẫn cho khởi nghiệp

Vào năm 2021, iSpace hy vọng sẽ đưa một tàu đổ bộ lên Mặt Trăng, một phần để kiểm tra khả năng tiếp đất ở một vị trí cụ thể. Sau đó, vào năm 2023, họ sẽ đưa một xe tự hành lên. Công ty dự định sẽ “quá giang” trên các tên lửa do SpaceX - công ty khởi nghiệp Mỹ của tỷ phú Elon Musk - phát triển để đưa tàu đổ bộ lên quỹ đạo Trái Đất, từ đó đáp xuống Mặt Trăng.

"Trọng tâm của chúng tôi sẽ là đến Mặt Trăng sớm”, anh Hakamada nói. "Thay vì cố gắng tự phát triển mọi thứ, chúng tôi sẽ mua các bộ phận có sẵn trên thị trường". Lãnh đạo iSpace cũng cho hay các sứ mạng Mặt Trăng từng tiêu tốn hàng trăm triệu USD, nhưng mục tiêu của anh là giảm chi phí xuống một phần nhỏ trong số đó.

Nhưng cho đến khi iSpace thực sự giành được hợp đồng từ các cơ quan vũ trụ, sự ủng hộ từ các doanh nghiệp lớn hơn sẽ rất quan trọng đối với sự sống còn của công ty này.

iSpace đã đạt được các thỏa thuận tài trợ từ những tập đoàn lớn như Japan Airlines, bao gồm hỗ trợ công nghệ và hậu cần cũng như hỗ trợ tài chính. Tomohiro Nishihata, Giám đốc điều hành của Japan Airlines, cho biết: "Vương quốc của du lịch hàng không đang mở rộng và cuối cùng sẽ đến vũ trụ". "Chúng tôi muốn mô phỏng tinh thần mạo hiểm của không gian và hướng tới du hành vũ trụ như một công việc tương lai."

Citizen Watch là một nhà tài trợ khác của công ty. Đối với CEO Norio Takeuchi, iSpace mang đến sự pha trộn giữa cảm hứng cho tương lai và nỗi nhớ về một thời kỳ huy hoàng trong quá khứ của Nhật Bản.

Chú thích ảnh
iSpace có kế hoạch đưa hàng chục xe địa hình lên Mặt Trăng, trước khi thiết lập một trạm tiếp nhiên liệu cho các tàu thám hiểm vào không gian xa hơn. Ảnh: Nikkei Asian Review

Xe địa hình mà iSpace đang phát triển là loại nhỏ nhất trên thế giới, dài 62,5 cm, rộng 57 cm và cao 40 cm. Nó sẽ nặng tới 10 kg bao gồm cả trọng tải. Chiếc xe cần phải nhỏ để giảm chi phí phóng bằng một tên lửa. Đồng thời nó cũng phải bền, có khả năng vượt qua địa hình cát hoặc đá mịn và chịu được bức xạ cao, nhiệt độ khắc nghiệt.

iSpace muốn đưa hàng chục xe địa hình do họ chế tạo lên Mặt Trăng để khảo sát bề mặt "người em song sinh" của Trái Đất một cách hiệu quả. Công ty cho rằng khởi động nhiều nhiệm vụ nhỏ, chi phí thấp sẽ thích hợp hơn là "đánh bạc" vào một sứ mạng quá lớn. Bằng cách này, họ có thể học hỏi từ những thất bại.

Về lâu dài, iSpace nhắm mục tiêu thiết lập một "trạm nhiên liệu" Mặt Trăng - tách nước, phá vỡ phân tử nước thành nguyên tử hydro và oxy, cung cấp các nguyên tố làm nhiên liệu cho các phi thuyền thám hiểm vũ trụ sâu thẳm hơn.

Công ty hình dung Mặt Trăng một ngày nào đó sẽ có 1.000 người sinh sống và tiếp nhận thêm 10.000 khách du lịch, mở ra cơ hội cho hoạt động thương mại tự duy trì trên Mặt Trăng, tập trung vào nông nghiệp, năng lượng, du lịch và hơn thế nữa. iSpace có các chuyên gia châu Âu làm việc về ý tưởng trạm nhiên liệu và hy vọng sẽ bắt đầu khai thác dịch vụ vào khoảng năm 2030.

Thu Hằng/Báo Tin tức