10:11 06/10/2019

Công ty Điện lực Đồng Tháp làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Ngày 3/10, tại trụ sở Công ty Điện lực Đồng Tháp (PC Đồng Tháp), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, do Bí Thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo công ty và các đơn vị điện lực thuộc công ty.

Chú thích ảnh
Thi công lưới điện tại Đồng Tháp.

Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội, Giám đốc PC Đồng Tháp Phạm Hữu Khải cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, PC Đồng Tháp đã cung ứng đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn, đáp ứng điện cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, vụ mùa, chế biến thủy hải sản, xay xát lúa gạo… và đảm bảo điện cho các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương. Hiện nay, tất cả 144 xã, phường, thị trấn của Đồng Tháp đã có điện lưới quốc gia. Và theo đó, có 521.049/521.132 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 99,98%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân có điện khu vực thành thị là 99,99%, khu vực nông thôn là 99,98%.

Về điện thương phẩm, PC Đồng Tháp đã đạt 1.885.387.962 kWh trong 9 tháng đầu năm 2019,  tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 77,27%  so với kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) giao. Trong đó, sản lượng điện cung cấp cho các khách hàng khu, cụm công nghiệp, các khách hàng lớn đạt 301.270.292 kWh, tăng 10,51% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng điện bán sang Campuchia qua điểm cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đạt 8.991.300 kWh, tăng 107,71% so với năm 2018; qua cửa khẩu Thường Phước đạt 1.984.100 kWh, tăng 45,64% so với năm 2018. Cung ứng điện qua các cửa khẩu này luôn ổn định, đáp ứng được nhu cầu từ phía tỉnh Prâyveng. Tỷ lệ tổn thất điện năng là 4,14%, thấp hơn kế hoạch EVNSPC giao là 0,82%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 0,3%.

Chú thích ảnh
Thi công lưới điện trong mùa lũ tại Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Về công tác đầu tư, cải tạo lưới điện và phát triển khách hàng cũng đạt được kết quả tốt. Tổng giá trị đầu tư phát triển lưới điện trung, hạ thế thực hiện 9 tháng đầu năm của ngành điện là 95,12 tỷ đồng/174,1 tỷ đồng kế hoạch năm 2019, trong đó đầu tư xây dựng 14,54 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa lưới điện và phát triển khách hàng 80,58 tỷ đồng. Các công trình đề nghị Tỉnh ứng vốn thì đang lập các thủ tục đấu thầu xây lắp và mua sắm vật tư thiết bị để thi công với tổng mức đầu tư 33 tỷ đồng. Trong đó, công trình đường dây trung thế và trạm biến áp khu vực huyện Tháp Mười phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng mức đầu tư 10,707 tỷ đồng. Trong năm, EVN SPC còn bổ sung vốn cho Công ty thực hiện 10 công trình xóa hộ câu phụ từ công tơ chính có suất đầu tư thấp với số vốn là 25 tỷ đồng. Đến nay, đã thi công hoàn thành 1 công trình, đang triển khai thi công 9 công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2019.  

Đối với đường dây và TBA 110 kV, EVNSPC đang lập thủ tục đầu tư công trình sau như lắp máy 2 các TBA 110kV thuộc khu vực An Long, Nha Mân, Sông Hậu; Xây dựng mới các đường dây 110kV: An Long - Tam Nông, Tam Nông - Vĩnh Hưng, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; Xây dựng mới các Trạm 110kV: Tân Hồng, Trường Xuân, Thanh Bình.

Cũng theo báo cáo, công tác tiết kiệm điện trên địa bàn đã được PC Đồng Tháp thực hiện thường xuyên đến từng địa bàn dân cư, doanh nghiệp với nhiều chương trình tuyên truyền có nội dung gần gũi, thiết thực nên kết qủa đã đạt được rất tốt. Cụ thể, tổng sản lượng điện tiết kiệm được 9 tháng đầu năm 2019 là 36.236.513/41.200.000 kWh, đạt 87,95% so với kế hoạch năm của Công ty (bằng 1,91% điện thương phẩm).

Đối với chương trình điều chỉnh phụ tải, từ đầu năm đến nay, PC Đồng Tháp đã ký kết thỏa thuận với khách hàng có sản lượng điện năng hàng năm trên 3 triệu kWh, đạt 61/61 khách hàng; mở rộng ký thỏa thuận tham gia chương trình này đến các khách hàng có sản lượng điện năng hàng năm từ 1-3 triệu kWh là 42/65 khách hàng.

Chú thích ảnh

Riêng về chương trình lắp năng lượng mặt trời, đến nay tổng số khách hàng lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều là 443 khách hàng với tổng công suất là 4.773,87 kWp, trong đó có 248 khách hàng lắp đặt trước ngày 30/6/2019 (3.776,89 kWp) và 195 khách hàng lắp đặt sau ngày 30/6/2019 (468,48 kWp). Sản lượng điện khách hàng bán lại cho điện lực tính là 559.179 kWh, PC Đồng Tháp đã thanh toán cho khách hàng với tổng số tiền 888.654.579 đồng

Theo ông Khải, hiện tại PC Đồng Tháp đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng trong dịch vụ thu tiền điện, mở rộng hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian bằng tiền mặt hay qua ví điện tử. Theo đó, Điện lực các địa phương và các đối tác đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng thanh toán bằng nhiều phương thức như: trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng, thanh toán qua mobile banking/internet banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên website http://cskh.evnspc.vn. Địa bàn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các xã, phường thuộc địa bàn TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và các thị trấn thuộc các huyện còn lại. Tính từ ngày 1/7/2019 đến nay, đã có hơn 11,15% khách hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tham gia việc thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng, tại các điểm thu, các ví điện tử và các đơn vị thanh toán trung gian,…

Ngoài hoạt động sản xuất và kinh doanh, ông Khải cho hay PC Đồng Tháp còn triển khai các hoạt động tri ân khách hàng, tổ chức bàn giao 8 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện khó khăn, trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức sửa chữa, thay thế ổ điện, bảng điện mất an toàn, thay đèn hiệu suất thấp bằng đèn Led tiết kiệm điện và tặng quà cho 360 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” trên 5 tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Kiểm tra lưới điện phục vụ các vùng nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp.

Trong 3 tháng cuối năm 2019, ông Phạm Hữu Khải cam kết PC Đồng Tháp sẽ chủ động đảm bảo cấp điện ổn định cho khách hàng, không thực hiện điều hòa, tiết giảm điện trên phạm vi toàn tỉnh. Về công tác đầu tư, cải tạo lưới điện, PC Đồng Tháp tiếp tục triển khai thi công 10 công trình xóa hộ câu phụ từ công tơ chính có suất đầu tư thấp với số vốn là 25 tỷ đồng; triển khai thi công 7 công trình lưới điện trung, hạ thế nông thôn từ nguồn tỉnh ứng vốn với số vốn là 33 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai chương trình quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2019-2020, vận động khách hàng tham gia chương trình điều tiết phụ tải, lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái;vận động khách hàng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức Hội nghị khách hàng tại 12 Điện lực trực thuộc nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản ánh của khách hàng.

Đại diện PC Đồng Tháp cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, Công ty tiếp thu một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực điện và chỉ đạo xử lý kịp thời. Đơn cử cử tri ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung đề nghị cho đưa vào sử dụng các trạm bơm thuộc dự án trồng hoa màu của xã vì đã thi công hoàn tất hơn một năm nay để không gây lãng phí, cử tri ở huyện Thanh Bình nêu, công tơ điện tử không chính xác.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề mà cử tri trên địa bàn thắc mắc liên quan đến ngành điện như điện lực thay đồng hồ định kỳ sản lượng tăng; giá điện ngày càng tăng nên tiền điện tăng cao, còn nhiều vùng lõm, vùng sâu dùng điện giá cao không an toàn khi phải dùng điện cầu phụ (chia hơi), kỹ thuật lắp đặt và giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019; suất đầu tư về điện cho vùng nông thôn,  

Đại biểu Ngô Hồng Chiều - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay, vấn đề giá điện đang được cử tri trên địa bàn tỉnh quan tâm đặc biệt. Ngành điện phải có trách nhiệm tiếp cận với khác hàng để giải thích cặn kẽ. Về đầu tư các công trình điện, nhất là cho những khu vực đang cấp bách về điện, còn nhiều hộ sử dụng điện “câu đuôi”, ông Chiều yêu cầu những khúc mắc trong vấn đề giải ngân, cấp vốn ngân sách ngành điện cần sớm tháo gỡ để đẩy nhanh công trình để phục vụ người dân.

Ông Phạm Văn Hòa – Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điện là nhu cầu không thể thiếu và bức thiết của người dân. Vì vậy cần sớm chấm dứt tình trạng câu nối điện. Việc câu móc (chia hơi) điện như thế không chỉ làm tăng tổn thất điện năng mà còn thiếu an toàn và nhiều khi bị trả giá cao; nên xem lại và điều chỉnh bậc tính giá điện.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Bí Thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả và sự nỗ lực của PC Đồng Tháp trong những năm qua. Ông đề nghị ngành điện lực của tỉnh tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, thái độ phục vụ khách hàng, tháo gỡ những rào cản trong việc đầu tư cơ bản, quản lý và vận hành... để đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thế Vĩnh