12:09 20/12/2011

Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đi vào hoạt động: Những viên gạch đầu tiên

Gần như tất cả đã sẵn sàng cho một mùa giải mới với sự điều hành của VPF. Mô hình chưa bao giờ bóng đá Việt Nam áp dụng nhưng lại được rất kỳ vọng sẽ thành công, thậm chí còn được xem là hướng đi mới, là một cuộc cách mạng mang đến luồng sinh khí mới cho bóng đá nước nhà.

Gần như tất cả đã sẵn sàng cho một mùa giải mới với sự điều hành của VPF. Mô hình chưa bao giờ bóng đá Việt Nam áp dụng nhưng lại được rất kỳ vọng sẽ thành công, thậm chí còn được xem là hướng đi mới, là một cuộc cách mạng mang đến luồng sinh khí mới cho bóng đá nước nhà.

Giải quyết những vấn đề cấp bách

Mục tiêu hàng đầu của VPF chính là tăng chất lượng của 2 giải đấu hàng đầu Việt Nam. Nếu không giải quyết được vấn đề này, gần như mọi kế hoạch khác của VPF gần như bị phá sản. Thực tế, chính từ đòi hỏi phải có sự thay đổi về khâu điều hành, tổ chức, chất lượng chuyên môn các trận đấu, trọng tài, giám sát, chuyển nhượng... đã dẫn tới kế hoạch táo bạo của các ông bầu. Theo đánh giá của giới phân tích, chắc chắn mùa bóng mới khởi tranh sẽ có nhiều nét tích cực hơn, sẽ có những trận cầu kịch tính và nảy lửa, điều quan trọng là NHM sẽ đến sân nhiều hơn khi những trận đấu ấy không có “mùi” như một số năm trước. Nhìn vào những thay đổi trong thời gian qua, và cả kế hoạch phía trước, chức năng của VPF không đơn thuần chỉ để thay thế cho BTC các giải đấu như trước đây mà còn giúp bóng đá Việt Nam thực sự “sạch” và có chất lượng thực sự tương xứng với một nền bóng đá chuyên nghiệp.

Sau khi giải quyết được các tồn tại (tất nhiên phải cần nhiều thời gian), VPF ra đời, không chỉ phục vụ cho một giải đấu, một mùa giải cụ thể nào đó, cũng không chỉ đơn thuần là giải quyết những vấn đề mà suốt bao mùa giải qua phải bó tay. Mục đích mà VPF hướng tới, chính là tạo nên 2 sân chơi bóng đá quốc nội có chất lượng, hướng tới sự ổn định, phát triển để làm lực bật cho các ĐTQG. Một trong những vấn đề quan trọng mà VPF đang hướng tới, chính là tạo điều kiện ra sân cho các cầu thủ nội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ, cùng với kế hoạch cắt giảm suất ngoại binh trong danh sách đăng ký. Lộ trình cụ thể là vấn đề cần được VPF cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng dù sao thì cầu thủ nội trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển, với điều kiện là tất cả các CLB đều ý thức được vấn đề mang tính thay đổi tận gốc này, hơn là chạy theo thành tích.

Tự chủ tài chính, hướng tới lâu dài

Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của VPF, chính là công ty này sẽ hoạt động hiệu quả như thế nào trong lĩnh vực kinh doanh để có thể tự nuôi mình, thu lời và sau đó là nâng cao chất lượng 2 giải đấu hàng đầu VN. Phó Chủ tịch HĐQG Nguyễn Đức Kiên khẳng định: VPF sẽ có lãi ngay ở năm đầu tiên đi vào hoạt động. Bản quyền truyền hình và nhà tài trợ chính của V.League chính là 2 khoản thu lớn nhất hiện tại của V.League. Ngay khi VPF mới chỉ có ý tưởng thành lập, các ông bầu đã xác định đây chính là “nguồn sống” lớn nhất khi VPF chính thức đi vào hoạt động. Ông Kiên khẳng định, trong vòng 10 ngày kể từ khi thành lập, VPF sẽ tiến hành đàm phán lại với nhà tài trợ chính Eximbank, bàn lại vấn đề bản quyền truyền hình. VPF sẽ làm việc với đối tác AVG và các đài truyền hình khác với mục đích không chỉ là điều chỉnh giá trị mà còn đặt yếu tố quảng bá tới người hâm mộ. Ông Kiên tiết lộ, phí bản quyền truyền hình sẽ có thay đổi đột phá và chỉ có thời hạn tối đa 3 năm, thay vì 20 năm như hợp đồng cũ.

Với việc xác định có lãi, VPF đã tiến hành một loạt các điều chỉnh về tài chính cho khâu điều hành, tổ chức. Đơn cử như công tác trọng tài, được tăng kinh phí lên gấp 5 lần so với mức trước đây. Vốn pháp định 30 tỷ, công ty sẽ không sử dụng kinh phí vào các hoạt động và các đội đều đóng 1 lần duy nhất. Một điểm đáng chú ý là các thành viên trong HĐQT đều thống nhất, không nhận một đồng lương nào ở VPF. Để hạn chế tiêu cực, VPF cũng quy định các CLB không được thưởng nóng quá 500 triệu đồng/trận, đảm bảo bóng đá phải công khai dưới bất cứ hình thức nào. VPF có cơ chế để kiểm soát, giám sát được vấn đề này ở các CLB.

VPF cũng cố gắng các đội không phải đóng kinh phí tham dự giải đấu hoặc đóng không quá 50% so với mùa giải trước. VFF không chỉ tự thu lời cho mình, mà còn có trách nhiệm với VFF. Theo đó, VPF sẽ phải có nhiệm vụ chuyển một phần kinh phí cho VFF hàng năm để phục vụ công tác đào tạo trẻ và các ĐTQG bởi đây là trách nhiệm chung của bóng đá Việt Nam. Số tiền không được công bố nhưng đại diện VPF khẳng định không thấp hơn các năm trước.

Một nguồn thu khác cũng rất lớn, chính là bán thương hiệu từ các CLB. Ở các nước có nền bóng đá phát triển, đây chính là nguồn thu lời khổng lồ. Tuy nhiên theo các thành viên VPF, muốn làm tốt được, yêu cầu bắt buộc phải là nâng cao chất lượng giải đấu nhằm thu hút khán giả tới sân. Phải khi nào V.League thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn người xem, khi ấy các khoản thu sẽ tự động đến với VPF.

Anh Chi