05:10 17/05/2013

Công ty chứng khoán tranh thủ 'huy động' vốn nhà đầu tư

Trước tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng không còn hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư (NĐT) thay vì tiếp tục gửi tiền ngân hàng đã chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán để chờ đợi cơ hội. Theo đó, đã có khoảng 7.000 tỷ đồng đang "để không" của NĐT tại các CTCK.

Trước tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng không còn hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư (NĐT) thay vì tiếp tục gửi tiền ngân hàng đã chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán để chờ đợi cơ hội.


Nắm bắt được tâm lí này, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã tranh thủ trước ngày 15/1/2014 thực hiện Thông tư 210 của Bộ Tài chính về việc tách bạch tiền gửi giao dịch của khách hàng và các công ty chứng khoán (CTCK), dùng nhiều chiêu để thu hút tiền gửi của khách hàng. Theo đó, đã có hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt đang "để không" của NĐT tại các CTCK.


UBCKNN sẽ có chế tài xử lý những CTCK không sớm tách bạch tài khoản NĐT


Thống kê tại 95 công ty chứng khoán công bố báo cáo quý 1/2013 cho thấy, lượng tiền mặt của NĐT “để không” khoảng 7.000 tỷ đồng, con số này tăng khoảng 450 tỷ so với đầu năm. Điểm mặt một số CTCK có số tiền NĐT “để không” trong tài khoản, nhiều nhất là SSI với hơn 820 tỷ đồng, cao nhất thị trường. Tiếp theo là HSC và VND hơn 600 tỷ, FPTS và VCBS hơn 400 tỷ, BVS cũng hơn 261 tỷ đồng.


Tại một số CTCK như VietinbankSC, Agriseco, FPTS…, số dư tiền gửi của NĐT cũng tăng từ 10% đến 20%. Đáng chú ý, lượng tiền của nhà đầu tư gửi trong quý I/2013 cũng tăng đáng kể. Cụ thể, HSC tăng hơn 250 tỷ đồng so với đầu năm; KLS, VND và SSI tăng hơn 100 tỷ đồng; FPTS, PSI tăng 90 tỷ đồng…


Theo lí giải của nhiều chuyên gia, trước việc gửi tiền tại các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục giảm mạnh (từ 4/2012 đến nay), nhiều CTCK đã ra chính sách thu hút nhà đầu tư bằng cách trả lãi qua đêm cho khách hàng với lãi suất hấp dẫn khoảng 5%/năm kỳ hạn 1 tuần. Điều này không chỉ giúp CTCK “giữ chân” khách hàng, mà còn “kích thích” NĐT có thể giao dịch được ngay khi thị trường có “sóng”.


Chính vì lãi suất chênh lệch giữa NHTM với CTCK khá cao, nhiều NĐT sau khi giao dịch thành công, không vội rút tiền ngay mà tiếp tục để lại tài khoản để sinh lời vốn, đồng thời chủ động đầu tư khi có TTCK đi lên. Theo đó, nhiều CTCK vẫn có thể tiếp tục trụ được đến thời điểm này dù báo cáo tài chính quý I/2013 thua lỗ nặng.


Tuy nhiên, theo Thông tư 210, các CTCK không được trực tiếp nhận của NĐT và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán, mà phải thực hiện giao dịch qua NHTM; Đồng thời không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức và chỉ được phép thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật… Đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT) cũng như lành mạnh hóa thị trường chứng khoán (TTCK).


Thế nhưng, tính thời điểm này chưa đến 10 CTCK lớn thực hiện theo Thông tư 210 của Bộ Tài Chính, bởi việc tách bạch tài khoản này có thể khiến nhiều CTCK “hao hụt” đáng kể. Thống kê cho thấy, hiện có 24 công ty chứng khoán có lượng tiền của nhà đầu tư chiếm hơn 50% tổng tiền và tương đương tiền của CTCK. Thậm chí, tại CTCK MHBS tiền của NĐT là 66,9 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng tiền và tương đương tiền của công ty. Còn CTCK Rồng Việt, Đại Việt, Phú Gia, Tân Việt, khoản tiền của nhà đầu tư chiếm trên 90% lượng tiền và tương đương tiền của công ty. Tương tự, tại các CTCK An Bình, VSM, NSI, PSI, MBSC, SBS, lượng tiền của nhà đầu tư chiếm hơn 80%.


Trước tình hình trên, UBCKNN sẽ tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của các CTCK và sẽ có chế tài xử lý những CTCK không sớm tách bạch tài khoản NĐT, đồng thời khuyến cáo sẽ buộc các CTCK chấm dứt hoạt động môi giới nếu CTCK không chịu tách bạch tiền gửi NĐT với tài khoản của Công ty.


Bài và ảnh: Hải Yên