12:10 29/12/2010

"Công tử Bạc Liêu" vỡ mộng làm giàu

Nhiều đại gia ở xứ “Công tử Bạc Liêu” đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng xây nhà nuôi chim yến lấy tổ...

Nhiều đại gia ở xứ “Công tử Bạc Liêu” đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng xây nhà nuôi chim yến lấy tổ. Nhưng sau nhiều năm nuôi chim yến, không ít người đã vỡ mộng làm giàu từ con chim yến.

Những năm gần đây, ở một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tại tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện loài chim yến quý hiếm có giá trị như vàng, với hàng vạn cá thể. Không cần “dụ” mà chim yến vẫn đến cư ngụ, đậu và làm tổ khắp nơi, nhất là ở các tòa nhà cao tầng, như: Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, trụ sở Tỉnh ủy Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu…


Nhiều người coi đó là “lộc trời ban tặng”, đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây nhà “dụ” chim yến về làm tổ. Có người thành công, nhưng cũng có không ít người “cười ra nước mắt” vì “dụ” bằng nhiều cách mà chim yến vẫn không về xây tổ.

Căn nhà của ông Đằng sau gần 2 năm chỉ "dụ" được 5 con chim yến. Ảnh: Huỳnh Sử - Thanh Phong


Là một chủ đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm thành đạt tại phường 1, thành phố Bạc Liêu, năm 2007, ông Bành Văn Đằng đã tận dụng sân thượng nhà ở, đầu tư thêm khoảng 80 triệu đồng mua máy phát tín hiệu âm thanh, máy phun sương để tạo độ ẩm làm nơi cho chim yến xây tổ


Không lâu sau, đàn yến của ông Đằng phát triển lên đến hàng ngàn con, cho hàng trăm tổ yến, hứa hẹn một mùa bội thu. Nhận thấy có thể “lên đời” nhờ nuôi yến, năm 2008, ông Đằng mạnh dạn tiếp tục đầu tư hơn 500 triệu đồng sang đất, xây dựng thêm căn nhà một trệt một lầu tại thị trấn Châu Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) để nuôi chim yến.

Ngoài ra, ông còn đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ, âm thanh, máy phun sương, dán gỗ, dung dịch khử mùi để “dụ” chim yến trị giá hơn 130 triệu đồng. Xây dựng được căn nhà nuôi yến khang trang, bề thế, chiều nào ông Đằng cũng ra ngồi “ngắm” chim yến lũ lượt bay về.


Nhưng hỡi ơi, sau gần hai năm, căn nhà hoành tráng của ông Đằng chỉ “dụ” được khoảng 5 hay 6 con chim yến và cũng chỉ có 3 tổ yến. “Đầu tư hàng trăm triệu đồng, chỉ dụ được có vài con yến”, ông Đằng chua xót.

Còn ông Trần Quan Siên – thị trấn Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu) đã ra tận Khánh Hòa học hỏi kinh nghiệm “dụ” yến. Năm 2008, ông đầu tư hơn 1 tỉ đồng để xây dựng căn nhà kiên cố, 1 trệt 3 lầu, có hàng rào bảo vệ và chỉ dành riêng nuôi yến. Sau thời gian gần 2 năm, căn nhà bề thế của ông Siên cũng chỉ “dụ” được gần 40 con chim yến về “ngủ”, chứ không “xây” tổ.

Theo ông Đằng, trên thực tế Bạc Liêu không ít chim yến, ngược lại còn rất nhiều, nguyên nhân không “dụ” được chim yến vào nhà là do đơn vị hợp đồng đầu tư thiết bị, chuyển giao kỹ thuật nuôi yến thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm, chăm sóc khách hàng.


Theo hợp đồng, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến Sào Khánh Hòa) đầu tư thiết bị và chuyển giao kỹ thuật cho ông Đằng trong một năm. Tuy nhiên, khi lắp đặt thiết bị, kỹ thuật xong thì cán bộ Công ty Yến Sào Khánh Hòa cũng biệt tăm luôn.


Ông Đằng nói: “Khi một số thiết bị hư hỏng, xuống cấp, như dán ốp tường để cho chim ở và làm tổ bị ẩm, nấm mốc, tôi điện thoại báo cho công ty để khắc phục thì lãnh đạo công ty viện nhiều lý do thôi luôn”.

Nguyên nhân nhà nuôi yến của ông Trần Quan Siên không “dụ” được chim cũng giống như ông Đằng. Công ty Yến Sào Khánh Hòa cũng nhận đầu tư thiết bị, chuyển giao kỹ thuật với giá 200 triệu đồng, nhưng khi thực hiện xong công ty cũng “quên” luôn khách hàng.

Hiện tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa đánh giá được có bao nhiêu phần trăm số hộ nuôi chim yến hiệu quả, vì cơ quan nông nghiệp tỉnh cho rằng đây là mô hình mới.

Thực tế là, tại Bạc Liêu vẫn có rất nhiều người tiếp tục đầu tư xây dựng nhà để nuôi chim yến. Để nghề nuôi yến thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, giúp các hộ dân làm giàu, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cần cung cấp kiến thức về nghề nuôi yến cho các hộ dân.


Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của Công ty Yến Sào Khánh Hòa trong việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi yến. Có như vậy, người dân mới không vỡ mộng làm giàu từ con chim yến.

Huỳnh Sử - Thanh Phong