09:00 29/09/2012

Công trình thủy lợi thành “thủy hại”

Công trình kè chống xói lở bờ suối Khuổi Ky, đập phân lũ Bản Đà, Đình Minh, thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng) được thi công từ năm 2010 với tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng.

Công trình kè chống xói lở bờ suối Khuổi Ky, đập phân lũ Bản Đà, Đình Minh, thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng) được thi công từ năm 2010 với tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng.

 

Nếu hoàn thành đúng tiến độ công trình sẽ giúp cho 20 ha ruộng tránh được úng ngập mỗi khi mưa lũ dồn về và 20 ha ruộng sẽ có đủ nước sản xuất 2 vụ. Nhưng đến nay, tiến độ thi công chậm còn gây hại cho những diện tích lúa trước đây vẫn canh tác bình thường.


Mặc dù đã hoàn thành xong tuyến mương chính dài hơn 2 km, rộng 3,5 m để dẫn nước từ Bản Đà, xã Đình Minh qua thị trấn nhưng con mương vẫn chỉ nằm phơi nắng, mà chưa dẫn nước vào cánh đồng. Theo bà Nông Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Trùng Khánh: Gần 3 năm qua, do công trình thi công chậm đã ảnh hưởng nghiêm trọng việc tưới tiêu cho 20 ha ruộng của thị trấn, trong đó hơn 6 ha ruộng phải bỏ hoang. Có thời điểm mưa to, do không thoát nước kịp đã gây úng cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng ruộng và đời sống người dân.

 

Chị Nông Thị Dung, tổ 4, thị trấn cho biết: Đợt mưa to ảnh hưởng cơn bão số 4 vừa qua (25-30/7) nhà chị và nhiều nhà hàng xóm bị ngập úng, nước tràn vào nhà ngập gần 1m, cả nhà phải đi sơ tán. Gia đình tôi và 3 nhà bên cạnh có 4.000 m2 ruộng nhưng không canh tác được vì nắng thì hạn, mưa thì ngập úng. Trước đây, chưa có các công trình thi công, gia đình tôi chưa bị ngập úng bao giờ. Nhiều bà con cho biết thêm, việc thi công xây tuyến kênh mương mới đã cắt ngang nhiều đoạn tuyến mương cũ nên không đảm bảo dẫn nước tưới, tiêu.


Tuyến kênh mương mới này chỉ có 1 điểm cống thoát nước chảy từ trong thị trấn rồi mở ra cánh đồng sau Bệnh viện đa khoa huyện. Ngoài ra, không hề có cống nào khác để thông từ kênh mương chính ra đồng ruộng. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chu Văn Nam: Hiện nay, nước chảy trong tuyến kênh mương nhưng không có đường dẫn đưa nước ra cánh đồng. Mực nước dưới lòng mương luôn ít, thấp hơn so với mặt ruộng nên cho dù có đường dẫn, nước trong mương cũng không thể chảy vào ruộng được. Đặc biệt, do chỉ có một cửa thoát lũ nên khi mưa to, nước lũ từ thượng nguồn dồn về không kịp thoát nên gây ngập cho nhà dân và ruộng đồng xung quanh. Như vậy có thể thấy, mục đích của con mương là trị thủy và điều tiết nguồn nước, nhưng nay do thiết kế không hợp lý và do thi công chậm nên đã biến công trình thủy lợi thành “thủy hại”.


Ông Tăng Quốc Đoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) huyện cho biết: Theo như Quyết định phê duyệt, công trình thi công từ đầu năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Nhưng do có sự điều chỉnh nên đến tháng 2/2010 mới bắt đầu thi công. Tuy nhiên, do vốn đầu tư nhỏ giọt nên việc thi công rất chậm. Đến nay, Ban QLDA mới nhận được 27 tỷ 126 triệu đồng/57 tỷ đồng tổng vốn đầu tư. Hiện nay, khối lượng thi công mới đạt trên 50% (còn 2 hạng mục quan trọng chưa hoàn thành).

 

P.V