09:13 10/09/2011

Công trình Lịch sử Tây Nam Bộ Kháng Chiến nhận Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần VI

Ngày 10/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu đã trao Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ VI cho công trình khoa học Lịch sử Tây Nam Bộ Kháng Chiến...

Ngày 10/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu đã trao Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ VI cho công trình khoa học Lịch sử Tây Nam Bộ Kháng Chiến, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Trần Văn Giàu.

 

Lịch sử Tây Nam Bộ Kháng Chiến là công trình được nhận xét đạt chất lượng khá nhất trong số 4 tác phẩm tham dự giải trong lĩnh vực lịch sử năm 2011, và xứng đáng được tặng Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu với tổng giá trị giải thưởng là 180 triệu đồng. 

Công trình khởi đầu từ năm 1995 và hoàn tất vào năm 2010. Bộ sách gồm 3 cuốn, dày 1.517 trang, có 1.314 trang chính văn. Cuốn 1 (1945 – 1954)  gồm phần mở đầu và 3 chương kháng chiến chống Pháp, với 521 trang. Cuốn 2 (1955 – 1969) gồm 4 chương với 635 trang và Cuốn 3 (1969 – 1975) gồm 5 chương và Thay kết luận, với 415 trang, nói về kháng chiến chống Mỹ. Đây là công trình nghiên cứu của tập thể các cán bộ của người trong cuộc từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở Tây Nam Bộ. Ngoài ra, Lịch sử Tây Nam Bộ Kháng Chiến còn là một đề tài cấp Bộ của Viện Khoa học Xã hội. 


Theo Hội đồng khoa học Ủy ban Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu, giải thưởng lần này vẫn vắng bóng công trình về chuyên ngành Lịch sử tư tưởng như Giáo sư Trần Văn Giàu và các thành viên trong hội đồng từng mong đợi.

Tuy nhiên, công trình “Lịch Sử Tây Nam Bộ Kháng Chiến” đã góp phần làm rõ đặc điểm của chiến trường Tây Nam Bộ là rất xa Trung ương, thiếu thốn mọi bề, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phải tự tìm ra những phương thức đấu tranh sáng tạo về quân sự, chính trị, binh vận… tự lực duy trì cuộc kháng chiến trường kỳ để tiêu diệt địch, bảo vệ vùng đất cực nam của Tổ quốc. Bộ sử không chỉ miêu tả những thắng lợi riêng về quân sự, mà còn đề cập toàn diện cuộc đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… nổi bật nhất là việc thực hiện chính sách ruộng đất trong nông dân.
 

Ban biên soạn đã khai thác được các nguồn sử liệu, những sách tham khảo rất quý trong và ngoài nước của cả hai phía. Cách diễn đạt trong các chương sinh động, có nhiều hình ảnh minh họa phong phú, có sức thuyết phục và thu hút người đọc, tuy dung lượng lớn nhưng đã tạo cho độc giả có sự hưng phấn trong quá trình nghiên cứu công trình. 

Nội dung công trình phong phú, thể hiện ở việc trình bày các sự kiện lịch sử, kết hợp tham khảo các đoạn hồi ký với những bài phỏng vấn của các nhân vật liên quan. Một ưu điểm khác của công trình là đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình chỉ đạo chiến tranh như bao vây kinh tế địch, kể cả trình bày rõ ràng việc thiếu thống nhất trong nội bộ lãnh đạo. Cùng với bộ Lịch sử Nam Bộ Kháng Chiến vừa công bố, công trình Lịch sử Tây Nam Bộ Kháng Chiến làm phong phú thêm cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta trên vùng đất phía nam của Tổ quốc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền sử học hiện đại của nước nhà./. 

Gia Thuận - TTXVN