09:07 11/09/2014

Công nghiệp hỗ trợ cần... hỗ trợ

Một thời gian dài ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước gần như chỉ “dậm chân tại chỗ”, chưa đáp ứng đủ nhu cầu lắp ráp, chế tạo, sản xuất trong nước. Giải pháp về hạ tầng và tín dụng được kỳ vọng có thể sẽ hỗ trợ ngành CNHT phát triển mạnh mẽ hơn, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu linh kiện...

Một thời gian dài ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước gần như chỉ “dậm chân tại chỗ”, chưa đáp ứng đủ nhu cầu lắp ráp, chế tạo, sản xuất trong nước. Giải pháp về hạ tầng và tín dụng được kỳ vọng có thể sẽ hỗ trợ ngành CNHT phát triển mạnh mẽ hơn, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu linh kiện, phụ tùng nước ngoài.


Xây dựng hạ tầng


Công ty TNHH Kim loại màu Việt Nam (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thành lập được gần 5 năm, chuyên cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất như đồng, nhôm, hạt nhựa, dầu DOP, parafin... Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc công ty, cho biết, công ty đang tập trung nghiên cứu, chuyển dần từ thương mại sang sản xuất các linh phụ kiện, sản phẩm thượng nguồn để cung ứng cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, cũng như nhiều DN sản xuất linh phụ kiện khác, một trong những vấn đề khó là hạ tầng, nhà xưởng để sản xuất.

 

Ngành chế tạo phụ tùng công nghiệp của Việt Nam còn yếu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Theo đó, công ty đã chủ động tham gia vào Hiệp hội các DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), phối hợp với chủ đầu tư dự án hạ tầng Khu CNHT Nam Hà Nội (gọi tắt là HANSSIP) để đăng ký thuê đất mở nhà máy sản xuất quy mô từ 20.000 đến 30.000 m2 tại khu công nghiệp này.


Hiện nay, Hà Nội có khoảng gần 2.000 DN hỗ trợ, được phân thành 8 nhóm ngành chính, doanh thu chiếm khoảng 25% doanh thu toàn ngành công nghiệp Hà Nội, nhưng lại thiếu những khu công nghiệp được đầu tư bài bản, hiện đại.

Không riêng gì Công ty TNHH Kim loại màu Việt Nam mà rất nhiều DN ngành CNHT tại Hà Nội đang trông chờ vào sự đầu tư hạ tầng chuyên nghiệp của dự án HANSSIP này. Thực tế, các công ty sản xuất phụ tùng, linh kiện hiện nay hoạt động lẻ tẻ, thiếu liên kết từ đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm, hạ tầng nhà xưởng thiếu thốn, lạc hậu. Do đó, một khu CNHT tập trung như HANSSIP được kì vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các DN.


HANSSIP đang kêu gọi các nhà đầu tư lớn của nước ngoài và những DN trong nước tham gia phát triển sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, dự án này có tiềm năng phát triển bởi có vị trí, giao thông thuận tiện. “Chủ đầu tư dự án là tập đoàn N&G Corp đã có kế hoạch đầu tư rất bài bản ngay từ khâu thiết kế, quy hoạch và thi công như việc hợp tác với tập đoàn tư vấn thiết kế hàng đầu Nhật Bản (NSC), tập đoàn nhà thầu xây dựng Shi Mi Zu, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC... HANSSIP còn có nhiều cơ chế chính sách thiết thực cho các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào dự án này như chúng tôi”, ông Sơn nói.


Về phía TP Hà Nội, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, thành phố sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn cho HANSSIP để tạo động lực phát triển cho các DN.


Rót thêm vốn cho doanh nghiệp


Đối với các DN ngành CNHT, việc tiếp cận nguồn vốn không hề dễ dàng. Đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/2011/QĐ - TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT, trong đó có nhiều cơ chế ưu đãi, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức thu hút các DN trong lĩnh vực CNHT. Trên thực tế, các ưu đãi không lớn, trình tự thủ tục tương đối phức tạp, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của các DN trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Tất cả các dự án đều phải gửi Hội đồng thẩm định do Bộ Công Thương chủ trì, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định làm tăng thủ tục hành chính.


Lãnh đạo VDB cho biết đã triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tín dụng xuất khẩu và CNHT với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Khoản vay này trị giá 100 triệu USD gồm 2 giai đoạn, riêng giai đoạn 2 (từ ngày 17/9/2014) sẽ tập trung vào các dự án đầu tư có lợi ích của Nhật Bản ở Việt Nam, trong đó ưu tiên các dự án CNHT có yếu tố Nhật Bản, có quan hệ kinh doanh với các DN Nhật Bản. Tuy vậy, thực tế hiện nay, chưa có nhiều ngân hàng thực sự quan tâm cho các DN CNHT vay.


Nhìn nhận lại quá trình phát triển của ngành CNHT thời gian qua, ông Lê Hồng Thăng cho rằng, ngành CNHT trong nước chưa thể tham gia nhiều, và nếu có cũng chỉ mới làm được các linh phụ kiện đơn giản cho khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dù rất mong muốn nhưng trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI vẫn là sân chơi khó khăn đối với DN trong nước. Vì vậy, lúc này, việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nguồn vốn cho các DN CNHT có ý nghĩa rất quan trọng.


“Các DN CNHT đang rất cần vốn để sản xuất, nhất là các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ mới. Bởi ngành CNHT cần có công nghệ hiện đại, dựa trên nền tảng là công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ gia công chính xác, công nghệ vật liệu... Vừa qua, Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp này. Các DN CNHT được thành phố hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, lãi suất vốn vay, hỗ trợ hợp tác quốc tế”, ông Thăng cho biết.

 

Hoàng Dương