11:18 21/11/2019

Công nghệ mới mang lại cảm nhận xúc giác cho các cánh tay giả 

Cựu binh người Mỹ Garrett Anderson chưa bao giờ được cảm nhận niềm vui sướng khi cùng lúc nắm tay cả hai người con của mình.

Anh đã mất gần hết cánh tay phải trong một vụ nổ bom năm 2015 khi đang tham chiến ở Iraq. Hiện Anderson đeo một cánh tay giả có thể giúp anh cầm nắm đồ vật và thực hiện các cử động đơn giản, nhưng cánh tay này không thể mang lại cho anh cảm nhận xúc giác. Tuy nhiên, một công nghệ "thực tế ảo" mới do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Northwestern phát triển có thể thay đổi điều này.

Theo mô tả chi tiết trên chuyên trang Nature ngày 20/11, công nghệ mới này kết hợp 32 bộ dẫn động lập trình riêng lẻ - thiết bị phát ra những xung điện hoặc rung động, được gắn vào một vật liệu mềm dẻo làm từ silicon để dán lên da. Mỗi bộ dẫn động có kích thước như đồng xu, được điều khiển bằng một màn hình cảm ứng không dây giống như trong điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Chúng sẽ rung lên để tạo cảm nhận về xúc giác giúp người dùng có thể kiểm soát sức ép và loại cảm giác.

Anderson đã dùng thử thiết bị này, kết hợp với cánh tay giả của mình. Với một miếng dán lên da, anh có thể cảm nhận xúc giác từ các ngón tay giả truyền tới cánh tay.
Nhóm tác giả cho biết thiết bị này cũng có thể được sử dụng trong các tương tác xã hội, tạo nên động tác vuốt ve của cánh tay lên người thân trong cuộc gọi video, hoặc một cái vỗ về khích lệ tới người bạn cùng đội nhóm trong trò chơi ảo.

Hệ thống này là thiết bị kết nối không dây và không cần năng lượng pin, sử dụng giao thức kết nối trường gần (một giao thức kết nối giữa hai thiết bị điện tử ở khoảng cách gần, có trong ứng dụng ngân hàng điện thoại thông minh như Apple Pay). Theo ông Rogers, công nghệ mới hoàn toàn tránh được sự phụ thuộc năng lượng pin, loại bỏ sự bất tiện về khối lượng, kích thước thời gian vận hành hạn chế của chúng. Ông cho biết cánh tay mới sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của Anderson.

Sau nguyên mẫu này, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện để làm cho thiết bị mỏng và nhẹ hơn nữa. Trong tương lai, họ cũng muốn nghiên cứu chế tạo các cảm biến nhiệt, cho phép người mang bàn tay giả có thể nhận biết độ nóng hoặc lạnh của đồ uống.

Trường Dụy (TTXVN)