Để phòng, chống dịch COVID-19, phương châm được đặt ra hiện nay là 5K + Vaccine + công nghệ.
Trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, với sự nguy hiểm, lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, yếu tố công nghệ được các đơn vị thúc đẩy mạnh hơn để có thể trở thành công cụ đắc lực, hiệu quả hơn phục vụ công tác truy vết, xét nghiệm, quản lý tiêm chủng trên phạm vi rộng, quy mô lớn. Công nghệ là công cụ hỗ trợ ngành Y tế phòng, chống dịch hiệu quả hơn; là phương tiện để người dân chủ động phối hợp với ngành Y tế trong phòng, chống dịch.
Quan tâm hơn đến ứng dụng công nghệ
Chia sẻ về sự thay đổi của ngành Y tế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: Trước đây, nói về công nghệ thông tin thường là nói về hệ thống máy tính, internet và các phần mềm trên máy tính. Trong cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ chuyển đổi số, công nghệ thông tin có nhiều bước chuyển biến, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế ngày càng được nhân rộng để phục vụ tốt hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Các bệnh viện đã có hệ thống máy tính và đường truyền internet. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y, các hệ thống phần mềm như quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám chữa bệnh, khám, tư vấn, chữa bệnh từ xa để giúp người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, hiệu quả nhất.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Trường Nam, xu hướng phát triển của công nghệ thông tin trong ngành Y tế ngày càng được quan tâm và tiến tới sẽ hỗ trợ các y bác sỹ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận tiện, hiệu quả hơn.
Hiện có nhiều giải pháp công nghệ để phòng, chống dịch COVID-19 được tiến hành đồng thời tại Việt Nam như: Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 với 4 hệ thống ứng dụng chính là Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC);hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealh, ứng dụng Bluezone, NCOVI….
Đánh giá về nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai tổ chức một nền tảng dùng chung quốc gia hỗ trợ nhiều bộ, ngành địa phương và các bên liên quan cùng tham gia hiệp đồng, hợp tác chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ tiêm chủng quốc gia đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
Nền tảng này đảm bảo "mục tiêu kép" vừa triển khai tiêm chủng nhanh, rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Đồng thời, nền tảng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành - logistic… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.
Theo thống kê của đơn vị triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia là Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel), trong 20 ngày đầu triển khai (tính từ ngày 10/7), tổng số người dân tải ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử trên hai nền tảng Android và IOS là hơn 1,54 triệu lượt. Hơn 2,58 triệu lượt người đăng ký tiêm vaccine qua ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và hơn 1,66 triệu lượt người đăng ký tiêm qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, triển khai nền tảng tiêm chủng COVID-19, mỗi một người dân có một mã QR code, một Hồ sơ sức khỏe điện tử. Mã QR code của người dân không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân trong dịch bệnh mà nó sẽ phục vụ rất nhiều cho các dịch vụ liên quan đến chính phủ số, kinh tế số và xã hội số sau này.
Nền tảng quản lý tiêm chủng được thiết kế và xây dựng để có khả năng quản lý vaccine từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm. Theo đó, từng liều, từng lô, từng loại vắc xin ở từng cơ sở tiêm chủng đều được quản lý trền nền tảng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng tích hợp nhiều tính năng số hiện đại nên người dân đăng ký, đặt lịch tiêm chủng tương đối thuận tiện, dễ dàng, đảm bảo được yếu tố 5K như Bộ Y tế khuyến cáo.
Hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 được triển khai theo 5 bước, nhằm đảm bảo công tác từ khi đăng ký tiêm chủng đến khi theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả trên hệ thống.
Người dân thực hiện đăng ký, tra cứu tình trạng tiêm chủng COVID-19 thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (tại website: tiemchungcovid19.gov.vn). Sau đó, các Sở y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng COVID-19 đến các Trung tâm Y tế quận, huyện.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện thực hiện lập kế hoạch và cấp phát vaccine về cơ sở tiêm chủng. Tại đây, các cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm chủng COVID-19 theo quy trình tiêm 4 bước của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng COVID-19 thông qua Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Toàn bộ các thông tin này sẽ được quản lý tập trung tại Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Hỗ trợ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia truy cập để theo dõi báo cáo kết quả tiêm chủng, điều hành toàn bộ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.
Lần tiêm chủng COVID-19 này là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Dự kiến Việt Nam sẽ thực hiện tiêm 150 triệu mũi tiêm. Mục tiêu là tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm năm 2021 và trên 70% dân số được tiêm hết quí 1 năm 2022.
Công nghệ chống dịch trên diện rộng
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế phân tích, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, để kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch và cảnh báo được nguy cơ, bên cạnh những yếu tố cơ bản để chống dịch như là 5K + vaccine, yếu tố công nghệ được thúc đẩy để giúp phòng, chống dịch.
Khi thực hiện công tác truy vết trong cộng đồng, nếu như truy vết theo phương thức truyền thống là hỏi F0 trong vòng 14 ngày qua đã đi đâu, làm gì, ở chỗ nào, bao lâu… sẽ vừa mất nhiều thời gian, đôi khi dữ liệu thông tin khai báo không chính xác sẽ làm công tác truy vết vừa khó khăn vừa chậm. Với biến chủng Delta hiện nay, nếu chậm chạp trong công tác truy vết để khoanh vùng, nhận diện ra mạng lưới của nguy cơ thì sẽ phải luôn chạy theo dịch. Nếu ứng dụng tốt công nghệ thông tin, thông qua những dữ liệu có được từ việc khai báo y tế của người dân, tiếp nhận thông tin phản ánh người dân, việc người dân quét mã QR tại những điểm người dân đến, từ hệ thống quản lý tiếp xúc gần và các thông tin y tế khác trên ứng dụng phần mềm, các cơ quan chức năng nhanh chóng có được dữ liệu của các trường hợp F0 trong 14 ngày ở đâu làm gì. Đồng thời, trên dữ liệu công nghệ, có luôn được mạng lưới đối tượng liên quan, tiếp xúc với các trường hợp F0 để thông báo và các khu vực nguy cơ chủ động trong việc phòng, chống, dập dịch.
Công tác tổ chức xét nghiệm lấy mẫu, nếu làm theo phương pháp truyền thống sẽ mất thời gian trong việc tổ chức xét nghiệm diện rộng cũng như trả kết quả cho người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho toàn bộ quá trình thủ tục lấy mẫu xét nghiệm nhanh chóng, đơn giản. Đặc biệt, với 3 bước là người dân chủ động khai báo thông tin trên ứng dụng di động, đến điểm xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm trên ứng dụng, quá trình triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thực sự tối ưu, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực.
Ông Nguyễn Trường Nam khẳng định, nếu công nghệ thông tin được ứng dụng chủ động, kịp thời, hợp lý sẽ mang lại hiệu quả hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Các cơ quan chức năng có thể nhanh chóng khoanh vùng khi xuất hiện các trường hợp F0 mới để dập dịch hiệu quả.
Với việc đánh giá cao vai trò, hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã có một số văn bản hướng dẫn địa phương ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các bộ giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các bộ giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong thời kỳ mới.