06:19 28/06/2022

Cộng hoà tự xưng Lugansk lần đầu bị Ukraine tấn công bằng tên lửa HIMARS

Giới chức nước Cộng hoà Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt М142 HIMARS do Mỹ cung cấp ở chiến trường Donbass.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) tại Triển lãm quốc phòng thế giới ở Saudi Arabia hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Theo đài RT (Nga), trên kênh Telegram, đại diện của LPR tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung về ngừng bắn và ổn định đường phân giới (JCCC) đã đăng một thông báo cho biết, giới chức đã phát hiện các cuộc pháo kích, được tiến hành bởi hệ thống tên lửa М142 HIMARS, từ vị trí của các lực lượng vũ trang Ukraine lúc 7h20 sáng ngày 28/6 (theo giờ địa phương).

Đây là lần đầu tiên chính quyền địa phương Lugansk thông báo các hệ thống tên lửa do Mỹ chuyển giao đã được sử dụng trên chiến trường.

Trước đó, hôm 25/6, Tổng tham mưu trưởng Ukraine, ông Valery Zaluzhny, cho biết trên Facebook rằng nhiều bệ phóng tên lửa M142 HIMARS đang hoạt động vì lợi ích của quốc phòng Ukraine. Ông nhấn mạnh quân đội Ukraine đã “tấn công một cách cẩn trọng vào các mục tiêu nhất định - các mục tiêu quân sự của đối phương trên lãnh thổ Ukraine của chúng tôi”.

Ông Zaluzhny cũng đã đăng một video kéo dài 2 phút cho thấy các lực lượng Kiev vận hành hệ thống tên lửa tầm xa này.

Vào hôm 23/6 tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Aleksey Reznikov cũng xác nhận một số đơn vị Hệ thống tên lửa cơ động cao M142 đã xuất hiện ở Ukraine. Trong một bài đăng trên Twitter, ông đã bày tỏ lòng biết ơn đến “đồng nghiệp và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III vì hệ thống uy lực này.”

Cùng ngày, quyền Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Todd Breassealetiết lộ rằng Washington sẽ gửi cho Kiev thêm 4 hệ thống HIMARS, ngoài 4 hệ thống đã được chuyển giao trước đó. Ngoài ra, Anh cũng đang vận chuyển 3 hệ thống rocket phóng loạt tầm xa MLRS M270 cho Ukraine, trong khi Đức đã cam kết viện trợ cho Kiev 3 hệ thống khác.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine cho biết họ cần nhiều vũ khí hơn nữa để đạt được sức mạnh ngang bằng với lực lượng của Nga.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Twitter

Đầu tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chuyển giao 4 hệ thống HIMARS cho Ukraine. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Nhà Trắng ban đầu lo ngại lực lượng Kiev có thể tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga với sự hỗ trợ của các hệ thống tầm xa này, điều này có thể làm leo thang căng thẳng và gây xung đột trực tiếp với Moskva.

Cùng với HIMARS, Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp hệ thống tên lửa dẫn đường GMLRS, có tầm bắn tới 32-60 km cho Ukraine. HIMARS cũng có thể phóng tên lửa dẫn đường với tầm bắn lên tới 300 km, nhưng Mỹ vẫn chưa cung cấp cho Ukraine các loại đạn này.

Sau thông báo trên, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: “Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này để đối phó với các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của Ukraine nói rằng Kiev có quyền sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp nhắm vào các mục tiêu ở Crimea, vùng lãnh thổ mà cả Ukraine và Nga đều coi là thuộc về mình. Bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi vào năm 2014.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)