11:09 13/11/2014

Cộng đồng kinh tế ASEAN là động lực thúc đẩy kinh tế khu vực

Hội thảo Hội nghị cấp cao Kinh tế ASEAN đã được tổ chức tại Singapore, với chủ đề “Củng cố tiềm năng tăng trưởng dài hạn” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngày 12/11, hội thảo Hội nghị cấp cao Kinh tế ASEAN đã được tổ chức tại Singapore, với chủ đề “Củng cố tiềm năng tăng trưởng dài hạn” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sự kiện này do báo Financial Times phối hợp với ngân hàng Standard Charterd Bank tổ chức.

Ông Lim Hng Kiang. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, khoảng 100 nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế, giám đốc điều hành, nhà tài chính nổi tiếng khu vực cũng như thế giới đã tham gia hội thảo, tập trung thảo luận về sự phát triển trong tương lai của ASEAN. Các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo cùng cho rằng việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Đông Nam Á phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang (Lim Hưng Cang) nhận định ASEAN hiện là một trong số các khu vực tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới, với dân số 620 triệu người và có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn thứ ba châu Á, ở mức 2,3 nghìn tỷ USD trong năm 2013.

Bộ trưởng Lim Hng Kiang cho rằng có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy ASEAN đã và đang trở thành một khu vực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng của mình, ASEAN phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực hội nhập khu vực của chính mình. Với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ đạt được vào năm 2015, đây sẽ là một động lực đáng kể trong nỗ lực biến ASEAN trở thành một khu vực hội nhập và cạnh tranh thực sự.

Bộ trưởng Lim Hng Kiang khẳng định trong hơn một năm tới, ASEAN sẽ tiếp tục các nỗ lực thực hiện những kế hoạch hành động có tác động lớn, như hiện thực hóa thuế quan một cửa và tự do hóa dịch vụ và đầu tư hơn nữa. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần củng cố can dự kinh tế với các đối tác đối thoại và các vòng đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một điểm sáng trong nỗ lực hội nhập sâu sắc hơn ra ngoài khu vực của ASEAN.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tầm nhìn sau năm 2015 của ASEAN sẽ không chỉ là việc củng cố các nền tảng và sáng kiến hiện tại mà còn cả với những lĩnh vực và ưu tiên mới. Một trong những mục tiêu chính là giúp ASEAN phát triển toàn diện và bền vững cũng như củng cố tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thế giới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Rintaro Tamaki - Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định ASEAN đã có sự tiến bộ mạnh mẽ trong hội nhập khu vực, như trong vấn đề thuế quan đã làm hơn được các nước APEC, khi đưa thuế quan hàng hóa về gần bằng 0.

Một số lĩnh vực hội nhập khác như đầu tư, tài chính, hạ tầng cũng có nhiều tiến bộ. Ông Martin Wolf - nhà bình luận kinh tế kì cựu của Financial Times và cũng là một trong những đồng chủ tọa các phiên thảo luận tại hội nghị, cho rằng AEC sẽ giúp các nước khu vực thúc đẩy cải cách, tiếp tục cải thiện kinh tế, thu hút đầu tư, gắn kết với động lực và tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như cởi mở hơn.


TTXVN/Tin tức