07:10 26/07/2019

Công đoàn Việt Nam: Chỗ dựa vững chắc cho người lao động trên cả nước

Trải qua gần một thế kỷ, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu cùng với nhân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc, xứng đáng là giai cấp tiên phong, lãnh đạo trong mỗi thời kỳ cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động...

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu và cán bộ công đoàn, ngày 20/7/2019. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Khẳng định vai trò, vị trí quan trọng

Trong bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948 đã nêu rõ: “Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập Công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình”.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời vào nửa đầu thế XX (1929), tồn tại và phát triển gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện tại, vị trí Công đoàn Việt Nam được thể hiện trên cơ sở pháp lý, quy định trong các văn bản pháp luật. Khoản 1 Điều 1 Luật Công đoàn Việt Nam năm 1990 quy định: “Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị xã hội Việt Nam”. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã nêu rõ: Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân.

Hiện nay, giai cấp công nhân, lao động đang có mặt trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách cả nước. Có rất nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động ở Việt Nam nhưng chỉ có Công đoàn mới trực tiếp tham gia giải quyết những xung đột liên quan đến quan hệ lao động. Vì vậy, tổ chức Công đoàn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước; là chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong mọi thời kỳ. 

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, muốn bảo đảm quá trình hội nhập của Việt Nam đi đúng hướng, phải nâng cao vai trò của hệ thống chính trị Việt Nam, trong đó Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị, là cầu nối giữa quần chúng với Đảng, có mối liên hệ mật thiết với Nhà nước. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Công đoàn không những tạo nguồn lực thúc đẩy quá trình hội nhập có hiệu quả cao mà còn khẳng định vị trí của tổ chức công đoàn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Trong buổi gặp mặt những cán bộ Công đoàn tiêu biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn các cấp trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, tổ chức công đoàn các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn...

Có thể khẳng định, trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã nỗ lực chuyển mình cùng với sự chuyển mình của đất nước. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã chủ động, sáng tạo, đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống công nhân, lao động, góp phần hoàn thiện thể chế, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Tạo niềm tin cho người lao động trên cả nước

Chú thích ảnh
Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao "Giải thưởng Nguyễn Văn Linh" lần thứ I cho Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thực tế cho thấy, tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những chủ trương đúng đắn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo đoàn viên, người lao động trên cả nước. Các cấp Công đoàn đang từng bước thay đổi nội dung, phương thức hoạt động hướng đến lợi ích của người lao động và cũng phù hợp với quá trình phát triển của đất nước. Giai cấp công nhân Việt Nam đang đặt niềm tin vào tổ chức Công đoàn và coi đó là chỗ dựa vững chắc trong đời sống lao động của mình.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, có nhiều điểm nhấn, tạo sức lan tỏa rộng. Nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn được thực hiện trong thời gian qua như: “Tháng Công nhân”, “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”... đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Từ nguồn kinh phí Công đoàn và vận động doanh nghiệp ủng hộ, các cấp Công đoàn đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe đưa đón hơn 8 triệu lượt đoàn viên, công nhân lao động, với tổng số tiền hơn 8.500 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” tiếp tục được nhân rộng, trở thành chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn. Trong 5 năm qua, đã có trên 20 nghìn gia đình công nhân lao động được xây  mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” bắt đầu từ năm 2017, tạo bước chuyển về chất trong hoạt động công đoàn.

Sau hơn một năm hoạt động, Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 1.000 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi, với số tiền 526 tỷ đồng. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo tự tạo việc làm tiếp tục được nhân rộng, góp phần tạo việc làm cho trên 350 nghìn lao động mỗi năm. 

Một hoạt động được coi là rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động là Ký thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến nay, đại diện tập thể người lao động đã ký kết được gần 30.000 bản thỏa ước lao động tập thể; công đoàn cơ sở cũng tham gia với doanh nghiệp tổ chức hơn 30.000 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng một lần, góp phần kịp thời giải quyết vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của người lao động ở cơ sở, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng quan hệ lao động ổn định, hiệu quả tại doanh nghiệp.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong việc khởi kiện ra tòa đối các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Từ năm 2015 đến nay, Công đoàn cả nước đã hỗ trợ, tham gia tố tụng gần 700 vụ án, giúp hơn 3.000 lao động quay lại làm việc với số tiền bồi thường trên 65 tỷ đồng; truy đóng bảo hiểm xã hội cho hàng nghìn công nhân... Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Một nội dung quan trọng, đó là việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu về đời sống của người lao động, hiện đang được triển khai. Mục tiêu của Đề án giai đoạn 2018-2020 là xây dựng 50 thiết chế tại 50 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước và giai đoạn 2020-2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có các thiết chế công đoàn. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Công đoàn Trương Văn Tuyên tại bếp ăn tập thể của Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN

"Việc đầu tư các thiết chế không chỉ khiến công nhân yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, mà còn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, tạo điều kiện nâng cao đời sống của công nhân, để tổ chức Công đoàn có thêm cơ chế để tập, hợp thu hút công nhân lao động đến với tổ chức Công đoàn Việt Nam", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Đặc biệt, những năm gần đây, Chương trình đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ với hàng nghìn công nhân lao động đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công nhân lao động, là nguồn động lực, niềm tin to lớn đối với giai cấp công nhân trên toàn quốc; qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện tốt nhất, nâng cao đời sống, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy kinh tế phát triển...

Đỗ Bình (TTXVN)