05:15 17/05/2021

Công đoàn các cấp kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị trực tuyến với Liên đoàn Lao động tại các tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch trong công nhân lao động. 

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Nguy cơ lây nhiễm cao trong công nhân, lao động 

Báo cáo nhanh về tình hình dịch COVID-19, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Hồ Thị Kim Ngân cho biết, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến cho 10 bệnh viện phải phong tỏa, cách ly để kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến số đối tượng là bác sỹ, nhân viên y tế, cán bộ, công nhân viên chức có nguy cơ bị mắc COVID-19 tăng cao. Tính từ 17/4 đến 17/5, số lượng công nhân, lao động mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo báo cáo từ các cấp Công đoàn, đến 20h ngày 16/5/2021, đã có 366 ca dương tính là công nhân lao động ở các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội (7 ca), Bắc Giang (310 ca), Bắc Ninh (11 ca), Hưng Yên (1 ca), Phú Thọ (1 ca), Đà Nẵng (36 ca). 

Tại Hội nghị trực tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà cho biết, tính đến 20h ngày 16/5 tỉnh Bắc Ninh có 255 ca dương tính, hơn 3.000 trường hợp F1, gần 30.000 trường hợp F2; có 2 huyện Thuận Thành và Yên Phong phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT- TTg; nhiều khu dân cư phải cách ly y tế theo quyết định của UBND tỉnh.

Theo bà Hà, Liên đoàn Lao động đoàn tỉnh Bắc Ninh đang quyết liệt chỉ đạo Công đoàn các cấp triển khai các phương án phòng, chống dịch; tích cực huy động các nguồn lực để kịp thời hỗ trợ những công nhân đang phải cách ly, đồng thời làm việc với doanh nghiệp để có phương án chống dịch

Tổ chức Công đoàn đã chủ động đề nghị các doanh nghiệp tạo điều kiện để người lao động làm việc luân phiên, bố trí ca kíp hợp lý, đảm bảo giãn cách xã hội nhưng vẫn an toàn; tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch, nhất là từ nay đến ngày bầu cử; hỗ trợ tiền ăn cho các trường hợp F1 đang phải cách ly tập trung và đảm bảo thu nhập cho các trường hợp F2 đang phải cách ly tại nhà để người lao động yên tâm, tự giác khai báo y tế...

Bên cạnh đó, Công đoàn kêu gọi các tổ chức, cá nhân đồng hành với Liên đoàn tỉnh trong hoạt động chăm lo cho người lao động chung tay ủng hộ để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của dịch; tặng quà các đơn vị đi đầu trong phòng, chống dịch; ban hành văn bản hướng dẫn các cấp Công đoàn rà soát số lượng đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ, động viên. Sau 5 ngày kêu gọi đã huy động được gần 350 triệu đồng ủng hộ, trong đó gần 200 triệu đồng tiền mặt và hiện vật: gồm 740 suất quà, dược phẩm, khẩu trang... trị giá 133,5 triệu đồng. 

Tổ chức Công đoàn đang tích cực kết nối với các tổ chức thiện nguyện, trên cơ sở nguồn xã hội hóa huy động được, tiếp tục có phương án hỗ trợ các trường hợp F2 là công nhân, lao động ngoại tỉnh đang cách ly tại khu nhà trọ trong các khu dân cư bị phong tỏa y tế. Dự kiến ngày hôm nay 17/5 sẽ trao khoảng 3.000 suất quà cho công nhân lao động ngoại tỉnh thuê trọ tại huyện Thuận Thành. Mỗi suất ít nhất 0,5 kg gạo. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể có thể tặng thêm 1 suất quà: bánh kẹo, sữa hoặc đồ dùng thiết yếu khác. 

Là địa phương đang có nhiều công nhân, lao động dương tính với SARS-CoV-2, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Bắc cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác truy vết nguồn gốc nên đến nay, tình hình cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên dự báo khả năng sẽ có thêm các ca dương tính trong thời gian tới. 

Trước diễn biến phức tạp, sáng 17/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản yêu cầu lao động là người tỉnh ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ở lại, không về quê để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Liên đoàn Lao động ở các địa phương đang có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao do có nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương đều cam kết sẽ nỗ lực hết mình, phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp, triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn, giảm tối đa tình trạng lây lan trong công nhân, lao động...

Không được chủ quan nhưng không quá hoang mang

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, COVID-19 đang tấn công vào công nhân lao động, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Cán bộ Công đoàn chính là một trong những lực lượng tuyến đầu, đã và đang ngày đêm lăn lộn, triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian tới, các cấp Công đoàn cần tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động; bám sát địa bàn, nắm vững tình hình, nhất là những địa bàn chưa có trường hợp mắc COVID-19. "Công đoàn cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những đối tượng là F2,F3 để họ khắc phục khó khăn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chính sách, pháp luật cho người lao động", ông Ngọ Duy Hiểu nói. 

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương các cấp công đoàn đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, cách làm sáng tạo hướng đến người lao động, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch, nhất là ở những nơi dịch COVID-19 đang bùng phát. 

Xác định trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu công đoàn các cấp tuyệt đối không được lơ là, thực hiện nghiêm túc những phương án mà cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo; đồng thời phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất lao động nhưng vẫn an toàn, hiệu quả. 

Ông Nguyễn Đình Khang cũng yêu cầu các cấp công đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nắm tình hình đời sống của công nhân, căn cứ vào các quy định hiện hành để hỗ trợ cho những đoàn viên, người lao động gặp khó khăn trong mùa dịch. 

"Kể cả những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên cơ sở phải chủ động hỗ trợ, giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống. Đồng thời, tuyên truyền để người lao động không được chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng, thực hiện tốt quy định 5K và những quy định của Bộ Y tế", ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh. 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu, từ nay đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tổ chức Công đoàn các cấp tích cực phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia để mỗi công dân được thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của mình, góp phần để ngày bầu cử toàn quốc diễn ra thành công nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả...

Đỗ Bình (TTXVN)