02:18 09/02/2015

Công cuộc 'đại tu' các lực lượng vũ trang Nga - Kỳ 2

Hàng triệu quân nhân, hàng nghìn xe tăng và chiến đấu cơ mới, hàng trăm vệ tinh mới được phóng lên quỹ đạo, cùng những thế hệ vũ khí của tương lai. Tham vọng lột xác cho Quân đội Nga đang được Tổng thống Putin chuẩn bị như thế nào?

SỰ TRỞ LẠI CỦA GẤU NGA

Có thể thấy một trong những mục tiêu xuyên suốt trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Putin là cam kết làm sống lại sức mạnh quân sự của Nga. Ông Putin từng lưu ý rằng sự yếu đuối của Nga khiến nước này dễ bị tổn thương trước áp lực từ bên ngoài và sự phân rã từ bên trong. Do vậy, ông đang làm hết sức để thúc đẩy quá trình chuyển đổi các lực lượng vũ trang Nga đã suy yếu đáng kể khỏi vị thế siêu cường quân sự sang một cỗ máy nhỏ gọn hơn, nhưng hiện đại, cơ động, được trang bị công nghệ tiên tiến và có năng lực tác chiến tốt trong thế kỷ 21.

Máy bay thế hệ thứ 5 của Nga - Sukhoi T50 PAK FA


Năm 2013, trong bài diễn văn nhân ngày tôn vinh “những người bảo vệ Đất mẹ”, Tổng thống Putin tuyên bố: “Đảm bảo Nga có một quân đội đáng tin cậy là một ưu tiên trong chính sách của chúng ta. Thế giới hiện nay không yên bình và an toàn, các cuộc xung đột kéo dài đang tiếp tục xuất hiện và gay go hơn. Bất ổn đang lan rộng ra nhiều khu vực của thế giới”.

Và đó không phải là những lời nói suông, Moskva đang lao vào một trong những cuộc “đại tu” lực lượng vũ trang lớn nhất trong 20 năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, với việc tăng ngân sách quốc phòng đều đặn hàng năm cho tới năm 2020. Tổng thống Putin vẫn quyết tâm thúc đẩy chương trình này ngay cả khi có những sự phản đối từ chính Điện Kremlin, những người lo lắng về chi phí và khả năng có tác động tiêu cực tới sự thịnh vượng của Nga.

Một cải cách lớn nhất là kế hoạch 10 năm hiện đại hóa vũ khí với tổng chi phí lên tới 720 tỷ USD được khởi động từ năm 2010. Năm 2014, Nga đã đi được nửa đường trong lộ trình hiện đại hóa vũ khí kéo dài 10 năm với tổng đầu tư 700 tỷ USD. Mục đích của chương trình là đưa số lượng vũ khí hiện đại trong quân đội từ 10% lên 70% vào năm 2020.

Thế giới cũng đang phải lưu tâm tới kế hoạch tham vọng này của Nga. Từ nhiều năm nay, nhiều nước nhìn về quân đội Nga như chỉ một đối thủ có kho vũ khí hạt nhân chiến lược, với lực lượng tác chiến thông thường bị cái bóng của những chiến tích xưa cũ thời Liên Xô che lấp. Các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ còn nhận định rằng Nga không còn ở vị thế có thể triển khai nhiều sức mạnh quân sự của mình vượt qua biên giới.

Nhưng hình ảnh về một cường quốc quân sự từ phía Nga đang sống lại. Bằng chứng là trong những năm gần đây Moskva đã nối lại các chuyến bay tuần tra của máy bay ném bom tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương và gia tăng về quy mô và sự phức tạp trong các cuộc diễn tập chung với Hải - Lục quân Trung Quốc.

Về đầu tư cho quốc phòng, nếu vài năm, ngân sách chế tạo tàu chiến cho Hải quân Nga chỉ chưa bằng 10% so với Hải quân Mỹ, thì hiện nay, khoảng cách này đang được rút ngắn và chi tiêu cho chế tạo tàu mới của Nga cũng đã bằng một nửa so với Mỹ. Tới năm 2020, quân đội Nga sẽ được tái cấu trúc về khả năng sẵn sàng chiến đấu và triển khai quân ở cấp lữ đoàn, với mục tiêu các lực lượng sẽ được trang bị 70% vũ khí, trang bị thế hệ mới.

Nếu thực hiện được kế hoạch này, tới năm 2020, quân đội Nga sẽ có khoảng 1 triệu quân thường trực với 2.300 xe tăng mới, 1.200 trực thăng và máy bay mới. Trên mặt biển, Hải quân Nga sẽ có 50 tàu chiến mới và 28 tàu ngầm, cùng 100 vệ tinh viễn thông, chỉ huy, kiểm soát được đưa lên quỹ đạo. Tổng thống Putin cam kết sẽ chi hàng tỷ đôla trong thập niên tới để biến kế hoạch thành hiện thực.

Số người Nga ủng hộ việc gia tăng sức mạnh quân sự cũng ngày càng nhiều hơn. Một cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Levada cho thấy 46% người Nga ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng ngay cả khi điều đó khiến tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, so với 41% phản đối với lý do tăng ngân sách quốc phòng sẽ biến thành gánh nặng cho nền kinh tế. Thực tế này xuất phát từ mối quan ngại rằng khối tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Nga, nhất là ở Bắc Cực, dễ bị tổn thương nếu đất nước thiếu công cụ để bảo vệ.

Chắc chắn là dù ít hay nhiều, việc cải tổ các lực lượng vũ trang Nga sẽ khôi phục lại những năng lực đã bị mất của một trong những đội quân hùng mạnh của thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong khoảng thời gian gần đây, Nga đã tiến hành những cuộc diễn tập quân sự ở quy mô chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, như cuộc diễn tập diễn tập tham mưu và chỉ huy chiến lược “Vostok 2014” với sự tham gia của khoảng 100.000 binh lính và gần 7.000 phương tiện quân sự ở Siberia.

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn về hệ thống chỉ huy, kiểm soát và trang thiết bị quân sự, song những cuộc diễn tập như vậy cũng chứng tỏ rằng việc cải tổ đang bắt đầu có tác dụng và Nga có khả năng phát triển một lực lượng quân sự cơ động và hiệu quả.

Tham vọng cải tổ quân đội của Tổng thống Putin khiến NATO lo lắng. Khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự trên toàn cầu của khối này, cùng với việc đa số các nước châu Âu cắt giảm đáng kể chi tiêu cho quốc phòng, được xây dựng dựa trên dự đoán rằng Nga không còn là mối đe dọa lớn về quân sự. NATO từng nhận định quân đội Nga chỉ có thể đối phó những xung đột vũ trang quy mô nhỏ và vừa ở những khu vực phía Tây của nước này. Hai cuộc tập trận năm 2009 cho thấy quân đội Nga khó có thể tham gia hai cuộc xung đột nhỏ cùng lúc hoặc tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn.    

Kỳ cuối: Những thách thức chính


Thái Nguyễn