06:10 14/06/2021

Công cụ 'siết chặt' quy hoạch đất đô thị

Quá trình quy hoạch sử dụng đất đô thị trong 1O năm qua thực hiện theo quy chuẩn Quy hoạch xây dựng Việt Nam QVXDVN 01:2008, tuy nhiên, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập về sử dụng đất, quy hoạch đô thị, phòng cháy chữa cháy…, gây khó khăn cho công tác quản lý và phát triển đô thị hiện đại hiện nay; đồng thời, không thống nhất với quy định trong các luật liên quan.

Nhếch nhác và quá tải

Khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính được ngành Xây dựng và chủ đầu tư đánh giá là KĐT hiện đại bậc nhất ở Thủ đô vì được quy hoạch tích hợp nhiều tiện ích sẵn có của một KĐT sầm uất, có vị thế đắc địa dọc đường Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, với tổ hợp chung cư lớn nhất Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 10 năm khai thác, KĐT này đã bộc lộ những thực trạng về quy hoạch thiếu tính toán, dẫn đến quá tải về hạ tầng và dân cư, cùng với tình trạng xuống cấp nội ngoại thất, hạn chế trong phòng cháy chữa cháy(PCCC)...

Chú thích ảnh
Nhếch nhác bãi đỗ xe dưới lòng đường, tường bong tróc... tại KĐT Trung Hòa - Nhân Chính.

Nhiều cư dân sinh sống tại KĐT Trung Hòa - Nhân Chính chia sẻ, KĐT này đã có dấu hiệu hư hỏng từ hai năm nay, nhiều căn hộ đã xuống cấp không chỉ về hạ tầng, mà hầu hết vỉa hè, sân chơi tại đây đều bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe, tập kết rác thải gây mất mỹ quan đô thị. Trong hơn 10 năm qua, mật độ xây dựng tại đây đã tăng lên 50%, với 16 tòa nhà cao tầng, chiều cao từ 17 - 34 tầng, gây ra áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng. Sự quá tải về dân số, quy hoạch chồng chéo đã khiến không gian vui chơi, giải trí ngày càng bị thu hẹp. 

Tương tự KĐT Linh Đàm cách đây 10 năm từng là KĐT kiểu mẫu của cả nước, nhưng hiện nay, tình trạng nhếch nhác, bụi bặm, nhà cao tầng chất đống… là những hình ảnh thay thế. Đơn cử như tại khu HH, lô CC6 hiện có đến 12 tòa nhà cao từ 35 - 40 tầng, đẩy mật độ dân số ở đây vào diện cao nhất thành phố.

Hay dọc tuyến đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân do việc “thả phanh” xây dựng, nên hai đường từ ngã tư đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám, mặc dù chỉ dài hơn 1 km, nhưng có hơn 40 tòa nhà chung cư cao tầng đan xen, dồn nén vào một không gian chật hẹp, dẫn đến việc "hiếm có khó tìm" công viên, cây xanh, hồ nước. Tuyến đường này từ lâu đã được không ít chuyên gia xây dựng coi là điển hình của sự bất cập về quy hoạch đô thị của Hà Nội...

Chú thích ảnh
Dọc 1 km đường Lê Văn Lương có hơn 40 tòa nhà chung cư cao tầng đan xen.

Đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, sự phát triển của một đô thị không phải về diện tích, thu nhập, mà căn cứ vào chất lượng sống của cư dân. Khi kinh tế phát triển, người dân ý thức được việc chất lượng cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng thì sẽ có xu hướng dịch chuyển khỏi khu vực trung tâm đô thị, nhưng chất lượng sống dù ở đâu cũng khó thay đổi, nếu quy hoạch đô thị tiếp tục "lộn xộn" như hiện nay.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 10 năm qua, dân số ở các khu vực thành thị cũng liên tục tăng do tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại các địa phương trên cả nước. Năm 2020, dân số khu vực thành thị ở nước ta ước tính khoảng 33.060.000 người, chiếm 34,4% dân số của cả nước. Hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước là Hà Nội với 2.398 người/km2 và TP Hồ Chí Minh với 4.292 người/km2.

Quá trình đô thị hóa nhanh đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khỏe cộng đồng, trong đó nguyên nhân là do sự bùng nổ các hoạt động xây dựng, khí xả thải từ các phương tiện giao thông cơ giới, khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận. Bên cạnh đó, có đến 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng...  Những bất cập này nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài cho phát triển kinh tế xã hội.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD, nhằm hiệu chỉnh, bổ sung, kế thừa các nội dung của QCVN 01:2019/BXD, đây là các Quy chuẩn có thay đổi đáng kể so với QCXDVN 01:2008 sau 10 năm thực hiện, trở thành công cụ để các bộ, ngành, địa phương quản lý hiệu quả quy hoạch đô thị.

Chú thích ảnh
Mật độ xây dựng dày đặc tại các chung cư Linh Đàm.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Quy chuẩn mới đồng bộ với các Quy chuẩn trước đây về quy hoạch đô thị, sử dụng đất; phân tách các nội dung trùng lặp, chưa thống nhất giữa Quy chuẩn về quy hoạch với các Quy chuẩn khác về hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy; đưa ra các khái niệm về ranh giới phát triển đô thị, các quy định về hạn mức đất dân dụng ứng với từng loại đô thị, nhằm phù hợp với thực tiễn mật độ cư trú và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam... 

"Trên thực tế, công tác quy hoạch đô thị cần lường trước những tác động về mật độ cư trú, tốc độ đô thị hóa... để có các định hướng phù hợp. Vì vậy, Quy chuẩn mới là công cụ tạo ranh giới phát triển đô thị để giám sát đô thị phát triển theo các vùng có kiểm soát, dành đất để cho các hoạt động kinh tế, sinh thái; là công cụ xây dựng hạn mức đất đai để khi quy hoạch có những tính toán phù hợp, tránh tình trạng vẽ đô thị quá to, nhưng chưa biết đến bao giờ đầu tư, các khu dân cư mật độ quá cao tiềm ẩn các nguy cơ về môi trường hay tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị. Đây cũng chính là bước đầu của việc quản lý khai thác và sử dụng đất đai có hiệu quả", ông Nguyễn Thành Hưng nhận định.

Đặc biệt, Quy chuẩn mới sẽ làm căn cứ để các cơ quan liên quan và các địa phương lập quy hoạch quản lý đô thị, bao gồm quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đáp ứng các nguyên tắc quy định về môi trường, an toàn cháy nổ, các hoạt động chung của đô thị, đưa ra giới hạn hệ số sử dụng đất, nhằm đảm bảo khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng đô thị. Đây là nội dung quan trọng khắc phục nhiều khoảng trống trong quản lý các dự án tái thiết trong các khu đô thị trước đây. 

Ngoài ra, Quy chuẩn mới cũng sẽ điều chỉnh lại một số chỉ tiêu về hạn mức sử dụng đất trong đơn vị ở theo hướng tăng hạn mức đất tối thiểu lên 15 m2/người so với hạn mức tối thiểu của đất cho đơn vị ở là 8 m2/người hiện nay; đưa ra các yêu cầu mới hệ thống PCCC trong đô thị, nêu rõ đối với các đô thị không đảm bảo khoảng cách, bán kính của các đội cảnh sát PCCC thì phải đưa vào quy hoạch, bổ sung các đội PCCC trong các dự án đô thị mới nhằm đảm bảo xử lý nhanh chóng khi xảy ra sự cố cháy nổ...

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức