Ngày 8/7 tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) tổ chức Hội nghị "Tích luỹ và Quản lý tài sản", công bố Kết quả khảo sát 2025 “Thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân”.
Báo cáo khảo sát của TVAM ghi nhận thực trạng đáng quan tâm ở nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Mặc dù có đến 88% nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận trên 7%/năm, trong đó 42% mong đợi mức sinh lời từ 15–30%/năm, phần lớn vẫn ưu tiên các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản. Dù các kênh đầu tư như vàng, bất động sản có thể sinh lời tốt ở một số giai đoạn, nhưng đặc tính thanh khoản thấp, khó dự báo, nhất là trong bối cảnh thị trường biến động nhanh, khiến việc tối ưu danh mục dài hạn gặp nhiều thách thức.
Số liệu từ báo cáo cho thấy, có tới 75% nhà đầu tư chỉ đầu tư vào 2–3 kênh, đặc biệt là các kênh truyền thống, thay vì chủ động phân bổ tài sản đa dạng, một xu hướng tương đồng với toàn cầu.
Khảo sát “Thực trạng và Nhu cầu của người Việt về Quản lý tài sản Cá nhân năm 2025”.
Báo cáo Global Wealth 2025 của UBS cho thấy, danh mục tài sản cá nhân toàn cầu vẫn nghiêng về bất động sản và tài sản tiêu dùng, trong khi thống kê mới nhất từ BCG ghi nhận tiền gửi tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản hộ gia đình. Thực tế này phản ánh tâm lý e ngại rủi ro và thiếu định hướng trung dài hạn, ngay cả ở nhóm nhà đầu tư có năng lực tài chính và sở hữu tài sản tích lũy lớn. Họ thường ưu tiên các sản phẩm đơn giản, dễ tiếp cận hơn là đa dạng hóa danh mục qua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.
Xu hướng này không chỉ phổ biến ở nhóm nhà đầu tư đại chúng. Ngay cả nhóm có tài sản từ 1 tỷ đồng và thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng cũng thể hiện hành vi tương tự. Điều này cho thấy rào cản không nằm ở khả năng tài chính, mà chủ yếu đến từ việc chưa đủ trải nghiệm đầu tư và kiến thức về quản lý tài chính.
Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) chia sẻ: “Lần đầu tiên tại Việt Nam có được bức tranh toàn diện về khoảng cách giữa kỳ vọng sinh lời, hành vi tài chính và nhu cầu thực sự của nhà đầu tư cá nhân. Khoảng trống này mở ra dư địa lớn cho thị trường quản lý tài sản, khi tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng cao cấp đang tăng trưởng nhanh về quy mô, kỳ vọng. Tại các quốc gia như Mỹ, Singapore, Trung Quốc... việc phân bổ tài sản bài bản từ cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư đến các tài sản thay thế là điều phổ biến. Trong khi tài sản của người Việt vẫn đang tập trung vào bất động sản và vàng. Để thu hẹp khoảng cách này, các định chế tài chính bao gồm cả công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư như TVAM cần đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành và chuẩn hóa dịch vụ quản lý tài sản theo chuẩn mực quốc tế".