08:08 09/08/2013

Công bố điểm sàn, 400.000 thí sinh trượt đại học

Bộ GD - ĐT đã chính thức công bố điểm sàn ĐH - CĐ năm 2013. Theo đó, điểm sàn xét tuyển ĐH theo đề thi chung của Bộ GD - ĐT với khối A và A1 là 13 điểm; khối B, C: 14 điểm và khối D là 13,5 điểm. Với mức điểm sàn này, sẽ có gần 400.000 thí sinh trượt ĐH.

Sáng qua, (8/8), Bộ GD - ĐT đã chính thức công bố điểm sàn ĐH - CĐ năm 2013. Theo đó, điểm sàn xét tuyển ĐH theo đề thi chung của Bộ GD - ĐT với khối A và A1 là 13 điểm; khối B, C: 14 điểm và khối D là 13,5 điểm. Với mức điểm sàn này, sẽ có gần 400.000 thí sinh trượt ĐH.


Tính theo phương thức mới


Điểm sàn các khối tương ứng hệ CĐ theo đề thi chung của Bộ GD - ĐT thấp hơn điểm sàn ĐH là 3 điểm. Cụ thể: Khối A, A1: 10 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11 điểm và khối D: 10 điểm.


Thí sinh tại điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội sau khi kết thúc môn thi Ngoại ngữ.

 

Với mức điểm này, hệ đại học có gần 400.000 thí sinh có điểm dưới sàn. Cụ thể, với Khối A, có 160.798; Khối A1 có hơn 49.400 thí sinh; Khối B có trên 86.500 thí sinh; Khối C có 26.120 thí sinh; Khối D1 có 71.429 thí sinh.


Do điểm thi cao, trong khi điểm sàn lấy tương đương năm trước, nên số thí sinh dư trên điểm sàn hiện lên tới 238.000 thí sinh, tăng hơn 100.000 so với năm 2012. Theo Bộ GD - ĐT, điều này không có gì là bất thường, vì điểm sàn được đưa ra ở mức sao cho số thí sinh trúng tuyển vượt tổng chỉ tiêu 1,5 lần, để tạo nguồn tuyển cho các trường, đặc biệt là trường ở địa phương, trường khối ngoài công lập.


Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay Bộ GD - ĐT áp dụng cách tính điểm sàn mới, cải tiến so với trước kia chủ yếu dựa vào chỉ tiêu mà Bộ GD - ĐT giao cho các trường.


Điểm sàn năm nay được tính dựa trên kết quả thi của thí sinh. “Cách tính này ưu tiên cho chất lượng nguồn tuyển chứ không phải do chỉ tiêu. Năm nay, dư hơn 238.000 thí sinh nên các trường tùy theo sức hút của mình để tuyển. Không phải tất cả thí sinh trên điểm sàn đều vào đại học. Từ nay, Bộ sẽ dùng phương pháp này tính điểm sàn cho năm sau”, ông Ga nói.


Phạt nặng trường tự ý tăng chỉ tiêu


Điểm mới của năm nay là các trường tự xác định chỉ tiêu vào trường dựa vào số lượng giáo viên cơ hữu và mét vuông sàn xây dựng/ sinh viên.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, điểm thi năm nay cao do đề thi dễ hơn mọi năm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, giống như mọi năm, đề thi tập trung vào các kiến thức nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12. “Đã là kiến thức chung thì không có gì là dễ, điều quan trọng là làm sao giúp thí sinh không phải học thuộc lòng nhiều, yêu cầu kiến thức áp dụng nhiều hơn, vì vậy sẽ cởi mở hơn, giúp thí sinh áp dụng năng lực suy luận. Kết quả năm nay tốt hơn vì điểm chuyển dịch dần về điểm cao, nhưng vẫn có những thí sinh được 1, 2 điểm, thậm chí có em được 0 điểm, như vậy không phải đề dễ mà là có tính phân loại cao”, ông Ga nói.


Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay, các trường không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu, bởi chỉ tiêu các trường đưa ra đã là kịch trần so với khả năng đào tạo. “Trước đây có quy chế phạt trường nào vượt chỉ tiêu tuyển sinh nhưng chủ yếu là phạt hành chính. Bây giờ sẽ áp dụng quy chế mới, xử lý, kỷ luật người đứng đầu, chịu trách nhiệm đào tạo tại trường đó. Nếu không kiểm soát, khi các trường top trên vượt chỉ tiêu thì các trường top dưới sẽ khó khăn trong tuyển sinh”, ông Ga khẳng định.


Sau khi Bộ công bố điểm sàn, những thí sinh trên điểm sàn mà không đỗ nguyện vọng 1 có thể gửi hồ sơ xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu. Sau khi công bố điểm trúng tuyển đợt 1, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng điều kiện xét tuyển bổ sung.


Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển sẽ được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.

 

Bài và ảnh: Thu Trang

Không tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho ĐH Y Hà Nội

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Trường Đại học Y Hà Nội năm nào cũng tập trung những thí sinh xuất sắc nhất nên điểm rất cao. Năm nay, có khoảng vài trăm thí sinh đạt 28 điểm trở lên, trong khi chỉ tiêu lại có hạn. Do vậy, việc xây dựng điểm chuẩn từng ngành như thế nào cho hợp lý và đảm bảo quyền lợi của thí sinh là trách nhiệm của Trường ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, dù thực hiện theo cách nào, Trường ĐH Y Hà Nội cũng phải đảm bảo không vượt quá tổng chỉ tiêu được giao. Chiều 8/8, sau khi có điểm sàn của Bộ GD&ĐT, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Y Hà Nội họp để quyết định mức điểm chuẩn vào trường. Trước đó, trường ĐH Y Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế xin thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách. Với phương án này, trường sẽ lấy từ cao xuống thấp để “cứu” những thí sinh đạt khoảng 9 điểm mỗi môn. Bộ Y tế đồng tình với giải pháp này. Theo đó, năm nay trường có 718 em đạt từ 27 điểm trở lên, 568 em từ 27,5 trở lên và 407 em từ 28 điểm trở lên. Từ 26 - 27,5 điểm, trường có khoảng 600 em. Nếu lấy điểm trúng tuyển 27,5 điểm sẽ thừa 112 chỉ tiêu, 28 điểm thì thiếu khoảng 40 chỉ tiêu.