04:23 22/04/2011

Côn trùng - Lời giải cho bài toán suy dinh dưỡng?

Ông Serge Verniau, đại diện của Chương trình Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ở Lào, đang quyết tâm thực hiện sứ mệnh: Thuyết phục người dân thế giới chuyển sang ăn những loại côn trùng như dế, đuông dừa… thay cho các loại thịt.

Ông Serge Verniau, đại diện của Chương trình Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ở Lào, đang quyết tâm thực hiện sứ mệnh: Thuyết phục người dân thế giới chuyển sang ăn những loại côn trùng như dế, đuông dừa… thay cho các loại thịt.

Các đĩa côn trùng rán, trong đó có dế và châu chấu, được bày bán ở một chợ trong thủ đô Viêng Chăn của Lào. Ảnh: AFP/TTXVN

Giấc mơ của ông Verniau là từ thủ đô Tôkyô của Nhật Bản, thủ đô Pari của Pháp đến thành phố Los Angeles của Mỹ, ai cũng ăn côn trùng. Và ông Verniau quyết tâm kéo giấc mơ đó đến gần với hiện thực hơn bằng kế hoạch trình bày những bài học rút ra từ một dự án thí điểm ở Lào tại hội thảo thế giới về các loại côn trùng ăn được dự kiến diễn ra vào năm 2012.

Phát biểu với phóng viên hãng tin AFP (Pháp), ông Verniau cho biết: "Phần lớn dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực đô thị. Do đó, không thể nuôi sống cả hành tinh bằng thịt".

Cũng không phải ngẫu nhiên mà ý tưởng về ăn côn trùng lại xuất phát từ Lào - quốc gia có tới 1/4 dân số và gần 40% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Bữa ăn chỉ có cơm sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho quá trình phát triển của cơ thể, trong khi phần dinh dưỡng thiếu hụt này có thể bù đắp bằng côn trùng vốn rất giàu prôtêin và vitamin.

Bà Yupa Hanboonsong kiểm tra dế nuôi trong phòng thí nghiệm tại Đại học Quốc gia Lào. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Oudom Phonekhampheng, Trưởng khoa Nông nghiệp thuộc trường Đại học Quốc gia Lào cho biết, người Lào đã có thói quen chế biến côn trùng thành đồ ăn nhẹ hoặc nướng hay rán. Nhưng phần lớn người dân chưa biết cách nuôi côn trùng, họ chỉ biết bắt côn trùng trong tự nhiên và ăn. Như thế, các loại côn trùng có nguy cơ sẽ bị tận diệt, nên theo ông Phonekhampheng, “người Lào nên nghĩ xa hơn".

Phòng thí nghiệm của Khoa Nông nghiệp đã thu thập dữ liệu khoa học về ngành mới này. Ngoài dế, khoa đang thực hiện các thí nghiệm nuôi đuông dừa, kiến, sâu gạo. Người ta thử dùng nhiều loại thức ăn khác nhau để nuôi côn trùng nhằm giảm chi phí mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Hiện nay, khoảng 20 trang trại nuôi dế hoạt động ở Lào đều dùng thức ăn chăn nuôi gà nhưng loại thức ăn này đắt và phải nhập khẩu. Bà Yupa Hanboonsong, nhà côn trùng học người Thái Lan giám sát dự án của FAO ở Lào, gợi ý một giải pháp: Dùng rau và sản phẩm thừa trong quá trình sản xuất bia để nuôi côn trùng. Theo bà Yupa, nuôi côn trùng không chỉ có ý nghĩa trong việc phòng chống suy dinh dưỡng mà còn là một hoạt động kinh tế mới tạo thu nhập cho người dân.

Ông Phouthone Sinthiphanya, 61 tuổi, là một ví dụ. Ông đã có cơ hội tăng thu nhập ít ỏi của mình nhờ nghề nuôi dế. Vườn nhà ông hiện có 27 bể bê tông dạng ống cao 50 cm để nuôi dế. Cứ hai tháng, ông "thu hoạch" được 67 kg dế. Giá mỗi kg dế sống vào khoảng 7,5 USD (khoảng 150.000 VND).

Ông tâm sự: "Tôi từng làm cho công ty thuốc lá và đã nghỉ hưu. Lương hưu của tôi không đủ sống nên tôi nuôi côn trùng. Khách hàng của chúng tôi là các nhà hàng, người bán hàng ở chợ và người dân". Theo ông, nuôi những loại côn trùng này rất dễ vì chỉ cần ít không gian, không gây hại nhiều cho môi trường. Vấn đề phiền toái nhất là hàng xóm có thể khó chịu mỗi khi đàn dế "hợp xướng".

Nhờ lợi thế về nguồn dinh dưỡng và yếu tố bảo vệ môi trường, nghề nuôi côn trùng có thể sinh lợi không chỉ cho người dân Lào mà còn cả những quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là những nước mà người dân đã quen ăn các loại côn trùng như châu chấu và ve sầu.

Thùy Dương