05:14 26/05/2021

'Cơn sốt' ôxy có thể khiến hệ thống y tế ở hàng chục quốc gia sụp đổ hoàn toàn

Hàng chục quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ôxy trầm trọng do các ca mắc COVID-19 tăng cao, đe dọa làm “sụp đổ hoàn toàn” các hệ thống y tế.

Chú thích ảnh
Các bình ôxy trong một đơn vị cấp cứu tạm thời tại Bệnh viện Steve Biko Academic ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AP

Theo trang Guardian (Anh), Tổ chức Báo chí Điều tra, cơ quan phi chính phủ có trụ sở tại London (Anh), đã phân tích các dữ liệu để tìm ra các quốc gia có nguy cơ cạn kiệt ôxy cao nhất. Tổ chức này cũng nghiên cứu dữ liệu tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 trên tổng dân số của các quốc gia trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu, 19 quốc gia trên thế giới - bao gồm Ấn Độ, Argentina, Iran, Nepal, Philippines, Malaysia, Pakistan, Costa Rica, Ecuador và Nam Phi - được coi là có nguy cơ cạn kiệt ôxy cao nhất sau khi ghi nhận mức tăng lớn về nhu cầu kể từ tháng 3, ít nhất 20%. Trong khi đó, những quốc gia này mới chỉ tiêm chủng cho chưa đến 20% dân số của họ.

Các chuyên gia lo ngại một số quốc gia châu Á khác, như Lào, cũng sẽ gặp rủi ro trước nguy cơ thiếu ôxy y tế cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi - bao gồm Nigeria, Ethiopia, Malawi và Zimbabwe -những quốc gia có hệ thống cung cấp ôxy kém hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc nhu cầu tăng cao, có thể đối mặt với nguy cơ lớn hơn.

Bà Leith Greenslade, điều phối viên của Liên minh Every Breath Counts, cho biết nhiều quốc gia trong số này phải đối mặt với tình trạng thiếu ôxy từ trước đại dịch. Nhu cầu tăng cao hiện đang đẩy các hệ thống y tế đến bờ vực sụp đổ.

“Lẽ ra tình hình đại dịch vào năm 2020 và tháng 1 năm nay ở Brazil và Peru phải là hồi chuông cảnh tỉnh. Nhưng thế giới vẫn không thức tỉnh", bà Greenslade nói. “Sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra ở Mỹ Latinh, lẽ ra chúng ta phải đoán trước được tình hình ở Ấn Độ. Giờ đây, khi nhìn sang châu Á, chúng ta nên nhận thức rằng tình trạng này có thể sẽ lặp lại ở một số thành phố lớn tại châu Phi”.

Chú thích ảnh
Ôxy do một tổ chức phi chính phủ ở Amritsar, Ấn Độ cung cấp. Ảnh: AFP/Getty

Ông Robert Matiru, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Khẩn cấp Ôxy cho bệnh nhân COVID-19, nói: “Có nguy cơ các hệ thống y tế sẽ sụp đổ hoàn toàn, đặc biệt là ở các nước có hệ thống rất mỏng manh.”

Các bệnh viện ở Ấn Độ đã thông báo tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng khi đất nước phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2. Vào giữa tháng 5, Ấn Độ cần thêm 15,5 triệu m3 ôxy mỗi ngày để dành riêng cho bệnh nhân COVID-19, nhiều hơn 14 lần so với nhu cầu hồi tháng 3.

Để đối phó với tình trạng này, Ấn Độ cấm tất cả hoạt động xuất khẩu ôxy dạng lỏng. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia lo lắng hơn là ảnh hưởng của làn sóng này đến các nước láng giềng của Ấn Độ, bao gồm Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Một số nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thiết bị y tế và nguồn cung ôxy y tế do Ấn Độ sản xuất.

Ông Zachary Katz, Phó Giám đốc Phụ trách dược phẩm thiết yếu của Sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton (CHAI), cho biết: “Hãy tưởng tượng nếu các quốc gia này đạt đỉnh dịch cùng lúc, tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều, bởi Ấn Độ cần tất cả nguồn cung oxy".

Dữ liệu cho thấy Nepal hiện cần lượng ôxy gấp 100 lần so với hồi tháng 3. Nhu cầu về ôxy ở Sri Lanka cũng đã tăng gấp 7 lần kể từ giữa tháng 3. Ở Pakistan, quốc gia đang hứng chịu làn sóng ca thứ 3, gần 60% bệnh nhân phải thở ôxy trong bệnh viện so với thời kỳ cao điểm trước đó vào mùa hè năm ngoái. Giới chức nước này đã cảnh báo vào cuối tháng 4 rằng áp lực nguồn cung ôxy đã đạt đến mức độ nguy hiểm.

Chú thích ảnh
Một chiếc xe tải chở đầy bình ôxy để cung cấp cho các bệnh viện tư nhân ở Karachi, Pakistan. Ảnh: AP

Bác sĩ Fyezah Jehan tại thành phố Karachi (Pakistan) cho biết: “Tâm trạng của mọi người ở đây rất tồi tệ. Chúng tôi rất sợ tình trạng như ở Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra và lệnh phong tỏa hiện nay có thể ngăn chặn một làn sóng mới".

Trong khi đó, bà Greenslade nhận định nhu cầu ôxy tăng nhanh chóng đang gây áp lực lên nhiều hệ thống y tế. 

“Khi hệ thống không thể đáp ứng, chúng ta phải chứng kiến bệnh nhân tử vong. Điều đó sẽ liên tiếp xảy ra từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, nếu việc triển khai vaccine bị chậm trễ. Bởi tại thời điểm này, nếu tỉ lệ tiêm vaccine tăng lên, số ca mắc mới COVID-19 sẽ giảm xuống", bà nói.

Chuyên gia cũng cho rằng giới chức ở những quốc gia này đã không ưu tiên ôxy như một loại vật tư y tế thiết yếu. Như ở Ấn Độ, rất nhiều người đã chết và con số tử vong tiếp tục tăng lên hàng ngày vì thiếu ôxy.

Chú thích ảnh
Các bình ôxy mới được nạp đầy tại Ramlila Ground ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/Getty

Một số quốc gia đã phải yêu cầu các công ty sản xuất ôxy lỏng chuyển hướng đối tượng khách hàng, từ cung cấp ôxy công nghiệp sang cung cấp cho bệnh viện. Ôxy y tế hiện chỉ chiếm 1% sản lượng ôxy lỏng toàn cầu.

Ở Iraq, các công ty khí đốt có thể sản xuất khoảng 64.000 m3 oxy lỏng mỗi ngày, tương đương 1/3 nhu cầu của bệnh nhân COVID-19 tại nước này.

Ở Colombia, ngành công nghiệp này chỉ có thể cung cấp 450.000 m3 mỗi ngày, ít hơn 2/3 so với nhu cầu.

Ở Peru, nếu các công ty khí đốt chuyển sang cung cấp ôxy y tế, sản lượng cũng chỉ có thể đáp ứng 80% lượng ôxy cần thiết.

Ông Jesús Valverde Huamán, bác sĩ tại khoa chăm sóc đặc biệt ở Lima (Peru), cho biết họ đã phải đấu tranh liên tục để có đủ ôxy cho bệnh nhân, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn vào tháng 11 và tháng 12/2020, khi số ca bệnh giảm dần.

"Chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao một nguồn tài nguyên thiết yếu như ôxy lại bị dành phần lớn cho công nghiệp khai thác mỏ, thép, dầu và khí đốt. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện công yếu kém không có đủ ôxy để cứu sống trẻ sơ sinh, người trưởng thành và người cao tuổi", bà Greenslade nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Hàng trăm người ở Peru chờ được nạp đầy bình dưỡng khí bên ngoài một nhà máy khí đốt ở San Juan de Lurigancho, Lima. Ảnh: Getty 

Ngoài ôxy lỏng là nguồn cung chính cho các bác sĩ ở nhiều quốc gia, các bệnh viện cũng có thể lấy oxy từ các nhà máy lọc ôxy tại chỗ và từ các máy cô đặc di động.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Unicef, Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ khác đã vận chuyển hàng trăm nghìn thiết bị cô đặc ôxy đến các quốc gia giúp họ giải quyết nhu cầu tăng cao..

Nhưng WB cảnh báo rằng nhiều quốc gia đã không đăng ký các khoản vay khẩn cấp để giúp họ nâng cấp hệ thống ôxy. Năm ngoái, WB đã cung cấp 160 tỉ USD cho các quốc gia đối phó với dịch COVID-19 và bổ sung thêm 12 tỉ USD trong tháng này. Các khoản này có thể được sử dụng để nhập khẩu hoặc tăng cường sản xuất ôxy.

Mickey Chopra, một quan chức cấp cao của WB cũng cho biết các quốc gia chỉ xin hỗ trợ máy thở và PPE mà không xin cung cấp ôxy. 

“Các biến chủng mới đang khiến mọi người bất ngờ và điểm yếu nhất trong hệ thống y tế hóa ra là hệ thống cung cấp ôxy”, bà Chopra nói.

Sắp tới, bà Greenslade mong muốn các chính phủ đề ra chiến lược toàn diện để đảm bảo nguồn cung ôxy y tế. Theo đó, các nhân viên y tế cần được đào tạo bài bản để có thể cung cấp dưỡng khí cho bệnh nhân một cách an toàn, cũng như có thể bảo trì, sửa chữa thiết bị.

"Vào lúc này, các chính phủ cần đoàn kết với nhau để tìm giải pháp xử lý khủng hoảng. Nhưng vấn đề là họ cần phải đi trước đón đầu nó", bà Greenslade nhận định.

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế nạp ôxy cho bệnh nhân COVID-19 ở Lenasia, Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Getty
Hải Vân/Báo Tin tức