09:10 13/09/2014

Cơn sốt mua đất nông nghiệp nước ngoài của các nước Arập

Trong thời gian gần đây, các nước Arập đã ồ ạt mua hoặc thuê đất nông nghiệp ở nước ngoài.

Giá lương thực trên thị trường thế giới đã tăng mạnh kể từ năm 2008 được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn ở các nước Arập, và vì vậy các quốc gia này ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh lương thực thông qua chiến lược mua đất nông nghiệp trên toàn cầu, mà theo các chuyên gia là thường dẫn tới các tác động tiêu cực tới cuộc sống của cư dân địa phương.

Ông Devlin Kuyek, nhà nghiên cứu làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các nông dân GRAIN, trong giai đoạn 2007-2008, cho rằng giá lương thực tăng dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra tại Ai Cập và Maroc. Các nước Arập, dường như bắt đầu mất lòng tin vào những chuỗi cung cấp lương thực thông thường, hiện tập trung triển khai các thương vụ mua lại đất nông nghiệp trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters


Chiến lược mua đất nông nghiệp ở nước ngoài

Ông Sarwat Hussain, Giám đốc Thông tin Cấp cao tại WB, cho rằng cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 đã gióng tiếng chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách và công luận về tính dễ tổn thương của các nước Arập trước những cú sốc liên quan tới nguồn cung lương thực trong tương lai (như sự kiện Iran phong tỏa eo biển Hormuz hồi năm 2012) cũng như giá lương thực quốc tế tăng mạnh trong dài hạn.

Giá lương thực tăng bắt nguồn từ những xu hướng “đã bén rễ” trong thời gian qua bao gồm dân số tăng cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nguồn nước sạch cạn dần, nhu cầu ngày một lớn đối với các nguyên liệu thô và nhiên liêu sinh học cũng như những hoạt động đầu cơ vào đất đai nông nghiệp.

Để đối phó với những mối nguy trên, các nước Arập phải mua hoặc thuê đất nông nghiệp ở nước ngoài. Theo ông Hussain, hoạt động đầu tư vào đất đai thường diễn ra dưới dạng thuê dài hạn thay vì mua đứt. Các hợp đồng thuê đất nông nghiệp thông thường có thời hạn 25-99 năm.

Còn theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), trên phạm vi toàn cầu, tổng diện tích đất nông nghiệp mua ở nước ngoài của các quốc gia ước tính đạt khoảng 80 triệu ha năm 2011. Hiện tại, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) chiếm tới khoảng 12% tổng số hợp đồng mua bán đất nông nghiệp, tiếp theo là Ai Cập (6%), Saudi Arabia (4%)

Tuy vậy, rất khó để ước tính tổng giá trị diện tích đất nông nghiệp mà các nước đã mua vào thời điểm hiện nay do hầu hết các thỏa thuận vẫn trong quá trình thương thảo và không được công khai. Ngoài ra, hoạt động mua bán đất đã được chính phủ các nước triển khai và hình thành như một chiến lược rõ ràng, cũng phụ thuộc vào khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế.

Một số chính phủ thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arablia và UAE - đã thông qua các chính sách cụ thể để khuyến khích công dân của họ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lương thực ở nước ngoài như một phần chiến lược an ninh lương thực quốc gia dài hạn.

Những chính sách như vậy liên quan đến nhiều công cụ, giải pháp khác nhau, bao gồm trợ cấp và bảo lãnh của chính phủ cũng như việc thành lập quỹ đầu tư quốc gia chuyên tập trung vào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters


Các nước trở thành đối tượng của hoạt động mua đất nông nghiệp trải rộng từ Tây Âu như Australia, New Zealand, Ba Lan, Nga, Ukraine và Romania đến các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, châu Á hoặc châu Phi.

Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia “mục tiêu” hàng đầu của chiến lược mua đất nông nghiệp bao gồm Brazil với 11% diện tích đất mua bán, Sudan với 10%, Madagascar, Philippines và Ethiopia (đều với 8%), Mozambique với 7% và Indonesia với 6%.

Theo ông Husain, động lực chính có vẻ như là việc mở rộng hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học, ngoại trừ Sudan và Ethiopia, đang chứng kiến xu hướng tăng trưởng lương thực từ các nhà đầu tư Trung Đông và Ấn Độ. Chính phủ các nước, thường thông qua các quỹ đầu tư quốc gia, tiến hành đàm phán các thương vụ mua hoặc thuê đất nông nghiệp.

Theo GRAIN, Chính phủ Ethiopia đã thực hiện các thương vụ mua bán đất với các nhà đầu tư từ Saudi Arabia, Ấn Độ và Trung Quốc, qua đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát 50% diện tích đất nông nghiệp ở khu vực Gambela của nước này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp “thừa tiền” của Saudi Arab đang theo đuổi các thỏa thuận mua bán đất ở Senegal, Mali và các nước cho phép họ sở hữu vài trăm nghìn ha diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nhất. Ông Kuyek cho biết công ty al Amoudi đã mua hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp ở khu vực Tây Bắc Ethiopia để trồng lúa phục vụ mục tiêu xuất khẩu.

Ngoài vấn đề an ninh lương thực, đường như các thương vụ mua đất như vậy ngày càng được các công ty quốc tế coi như một công cụ đầu tư hữu ích cho phép đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Một số doanh nghiệp đầu tư và quỹ tư nhân đang mua lại đất nông nghiệp trên toàn cầu, trong đó có các công ty hàng đầu của phương Tây như các tập đoàn ngân hàng-tài chính Goldman Sachs (Mỹ) và Deutsche Bank (Đức), cũng như quỹ đầu tư Citadel Capital (Ai Cập).

Ông Kyek cho rằng các thương vụ mua bán đất nông nghiệp đang châm ngòi cho những tranh luận tại các nước đang phát triển và có thể trở thành một vấn đề có sức ảnh hưởng lớn tới những cuộc bầu cử. Tình trạng này có thể gây ra những tác động bất lợi đối với cư dân địa phương khi họ nhận thấy bị tách rời khỏi mảnh đất mà các thế hệ cha anh của họ đã sinh sống lâu nay.

Vì vậy, hệ quả là các tổ chức, nhóm dân cư bản địa đang lên tiếng phản đối những thương vụ bán đất có quy mô lớn mà chính phủ của họ hiện đàm phán với bên mua. Ví dụ, theo báo The National, các nông dân ở Serbia đã đệ đơn khiếu kiện về thương vụ mua đất nông nghiệp ở nước này của công ty Al Rawafed Agriculture (UAE).

Tuy vậy, hoạt động phản đối mang tính nhỏ lẻ như vậy dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống lại xu thế trên vì an ninh lương thực đã trở thành vấn đề chính trị mang tính sống còn của các nước Arập nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung.

An ninh lương thực – Mối lo không của riêng ai


Ngày 3/9 vừa qua, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo nguy cơ thiếu thực phẩm tại các nước Tây Phi, gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea, đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành, do thiếu lao động, thương mại giữa các quốc gia bị cắt đứt và hàng hóa ngày càng khan hiếm.

FAO đã cho khởi động cơ chế cảnh báo đặc biệt, trong bối cảnh thiếu hụt lao động khi mùa lúa và ngô đang đến gần. Ba nước bị dịch Ebola lại là các quốc gia phải nhập khẩu ngũ cốc, nhất là Liberia – nơi khoai mì đã tăng giá đến 150% vào đầu tháng Tám.

Trong khi đó, Tổ chức tư vấn chính sách công Global Hungry Inatitive (GHI), có trụ sở tại Washington (Mỹ), trước đây từng lên tiếng kêu gọi các nước tăng cường đầu tư vào châu Á và châu Phi nhằm tăng sản lượng lương thực ở hai khu vực này, trong bối cảnh an ninh lương thực trên thế giới ngày càng bất ổn đẩy hàng triệu người trong khu vực vào cảnh thiếu ăn.

GHI nhấn mạnh vào năm 2050, khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chỉ có thể đáp ứng được 13% tổng nhu cầu lương thực, trong khi Đông Á chỉ đáp ứng 74% nhu cầu này, nếu các lĩnh vực như công nghệ và cơ sở hạ tầng không được đầu tư và cải thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters


Cùng thời điểm này, Trung Đông và Bắc Phi sẽ chỉ đáp ứng được 83% nhu cầu lương thực, với điều kiện khu vực này vẫn duy trì chỉ số Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) như hiện tại. TFP là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế.

TFP phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng của đầu vào (phương thức truyền thống) mà còn tùy thuộc vào chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.

Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh và Caribe dự kiến sẽ sản xuất được lượng lương thực dư thừa vào năm 2050 nếu chỉ số TFP hiện nay không thay đổi. Tuy vậy, nếu chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao sản lượng lương thực, khu vực này có triển vọng trở thành một nhà xuất khẩu lương thực lớn.

Còn Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây cũng được đánh giá là có tiềm năng sản xuất lương thực rất lớn, mặc dù sản lượng hiện tại tương đối thấp.

Theo báo cáo, nhu cầu lương thực ở châu Á tăng cao và vượt quá khả năng cung ứng là do thu nhập của người dân tăng. Nhu cầu lương thực của châu lục này dự kiến tăng 3,64%/năm trong giai đoạn 2000-2030. Riêng khu vực Nam và Đông Nam Á, nhu cầu lương thực ước tính tăng 2,75%/năm.

Người đứng đầu GHI, Jerry Flint, cho biết để có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực vào năm 2050, các nước cần tăng cường đầu tư vào thương mại, các lĩnh vực sản xuất công và tư nhân, các chương trình viện trợ,..., đồng thời các vựa lương thực lớn trên thế giới cần nâng cao sản lượng.

Một số mục tiêu cần đạt được như dỡ bỏ rào cản thương mại đối với lĩnh vực nông nghiệp, cải tiến công nghệ, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn cũng như cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận, sử dụng và sự bền vững của các nguồn nước cũng cần được lưu ý trong dài hạn.

Theo số liệu của FAO, vào năm 2050, sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng tới 70% so với thời điểm hiện tại mới có thể nuôi sống được dân số thế giới dự kiến tăng lên 9 tỷ người. Và một điều khá nghịch lý là khoảng 800 triệu người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới đang sống dưới mức nghèo khổ và gần 50% số dân thiếu ăn hiện nay lại là những nhà nông nhỏ.


Anh Quân
(Tổng hợp)