09:10 30/09/2014

Còn sai phạm về quản lý khoáng sản, đất đai

Chất vấn của các đại biểu với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang tập trung ở các nội dung: Trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; Xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân...

Chất vấn của các đại biểu với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang tập trung ở các nội dung: Trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; Xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

 

 

Nóng vấn đề khai thác khoáng sản trái phép


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4359/BTNMT-ĐCKS ngày 9/9/2013 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các sai phạm, tồn tại trong cấp phép. Đến nay, đã có 18/22 tỉnh có vi phạm trong việc cấp giấy phép gửi báo cáo và đã triển khai, khắc phục vi phạm.


Tuy nhiên, tại phiên chất vấn, các ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản quá nhẹ nếu chỉ thực hiện theo hình thức khiển trách, thu hồi giấy phép. Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, khai thác khoáng sản trái phép chính là hình thức rút ruột tài nguyên quốc gia, hủy hoại nghiêm trọng môi trường. Đại biểu Đương đặt vấn đề: Có hay không sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền cấp phép với các đối tượng khai thác trái phép?


Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc xử lý các vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương, cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn nữa, thậm chí thu hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng này.


Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đặt vấn đề, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hậu thường xuyên xảy ra và ngày càng có thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông. Các đối tượng khai thác liên tục di chuyển địa điểm làm cho các cơ quan chức năng khó quản lý. Bộ có giải pháp gì để chấn chỉnh hiệu quả tình trạng này?


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, việc xử lý vi phạm hiện nay chủ yếu do các địa phương; nếu không phối hợp liên ngành tốt thì khó có thể thực hiện được.


Nhũng nhiễu khi cấp sổ đỏ, lãng phí đất nông - lâm trường


Liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân ở các khu chung cư tại các đô thị lớn, đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay; Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, thường trực Ủy ban Pháp luật chấn vấn: Việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân chung cư chưa thực hiện được như mục tiêu đề ra, nhưng không thấy lý giải tại sao.


“Theo người dân, tình trạng chậm cấp sổ đỏ là do có sự nhũng nhiễu, có dấu hiệu tiêu cực. Có nơi đòi nộp 8 triệu đồng để làm “phí bôi trơn” và cũng chỉ nói miệng, không có biên lai, biên bản gì cả. Bộ trưởng có biết việc này không?”, đại biểu Cương đặt câu hỏi.


Lý giải việc cấp sổ đỏ chậm trễ, Bộ trưởng cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhũng nhiễu như phản ánh của người dân và có cả trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai. Bộ trưởng cũng cho biết, tại Hà Nội, tình hình này khá phức tạp. Bộ đã cử nhiều đoàn công tác làm việc với các chủ đầu tư. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. “Tuy nhiên, việc chậm trễ này cũng liên quan đến các thủ tục hành chính”, Bộ trưởng cho biết.


Về thực tế hiện nay có sự quản lý lỏng lẻo, lãng phí đất đai tại các nông, lâm trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út đặt vấn đề: Hiện các nông, lâm trường đang quản lý rất nhiều đất đai nhưng nhiều diện tích đất để lãng phí nhiều năm nay, trong khi đó còn có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất. “Việc cấp quyền sử dụng đất rất thấp, phải chăng đất đai do các lâm trường quản lý chỉ còn nằm trên sổ sách, còn thực tế đã bị chiếm dụng”, đại biểu Danh Út đặt câu hỏi.


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận, việc sử dụng, quản lý đất đai tại các nông, lâm trường thời gian qua còn nhiều hạn chế. Vừa qua Chính phủ đã triển khai hội nghị về Nghị quyết 30 do Bộ NN&PTNT chủ trì. Bộ đã tiến hành đo vẽ lại diện tích, quyết tâm trong 2015 phải xong. “Tuy nhiên để thực hiện việc đo lại này thì cần phải có kinh phí, khoảng 2.000 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng con số này lớn, nhưng phải có tiền mới thực hiện được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Khiếu nại đất đai chiếm 68% vụ việc


Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Võ Thị Hồng Thoại (Phó trưởng đoàn ĐBQH Bạc Liêu) và nhiều ý kiến khác phản ánh tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai chưa được cải thiện. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đánh giá do nhiều nguyên nhân, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân rất phức tạp; vẫn còn nhiều vụ việc đông người, kéo dài nhiều năm như vụ khiếu nại, tố cáo của các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện dự án khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang (Hưng Yên).


Nguyên nhân được Bộ trưởng đánh giá là do chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi. Trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây khó khăn khi thực hiện. Nhận thức của người dân về khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế…


Làm rõ hơn về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận, tình hình khiếu nại, lượng đơn thì giảm nhưng tính chất thì hết sức phức tạp. Riêng khiếu nại về đất đai, năm 2014 đến thời điểm này cả nước phát sinh 82.000 đơn, chiếm 68% tổng số khiếu nại chung. Nguyên nhân của tình trạng này là, hiện nay các quy định về đất đai chưa đầy đủ, chưa cập nhật kịp thời; trong quản lý có nhiều sơ hở; trình độ, năng lực của cán bộ khi giải quyết còn hạn chế; nhận thức pháp luật của người dân còn chưa cao, khiếu nại sai cũng rất nhiều.


Để cải thiện tình trạng này, cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, chất lượng văn bản; nâng cao trách nhiệm các cơ quan nhà nước. Đặc biệt cần đẩy mạnh thực hiện tiếp công dân cũng như tăng cường tuyên tuyền pháp luật đối với người dân.

 

Xuân Phong