03:18 20/03/2020

Còn nhiều việc phải làm

Nhiều người nói vui, “hôm nay là ngày mùng 56 Tết”, để nói về không khí phố phường những ngày này. Điều đó cũng cho thấy phần nào sự tác động ghê gớm của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Cho đến 15 giờ 30 phút ngày 20/3, dịch COVID-19 đã lan đến 182 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 246.000 người mắc bệnh, hơn 10.000 người tử vong. Dịch bệnh đã tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân nhiều nước. Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế đã công bố có 87 người mắc bệnh, trong đó có 16 người đã được chữa khỏi, chưa có người tử vong.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc ngăn chặn dịch bùng phát ra cộng đồng, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, những tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội là không thể tránh khỏi.

Hoạt động xuất nhập khẩu bị hạn chế do các nước phải kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Sản xuất trong nước cũng chịu ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và khó tiêu thụ sản phẩm làm ra. Ngành giao thông vận tải, khách sạn, du lịch, nhà hàng… bị sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng khiến nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải tạm thời đóng cửa. Các điểm du lịch, vui chơi giải trí vốn tấp nập thì nay vắng vẻ, cửa đóng then cài. Học sinh được nghỉ học cũng chỉ quanh quẩn trong nhà để phòng dịch…

Chú thích ảnh
Công tác chuẩn bị tại Ký túc xá Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) để đón người Việt Nam từ các vùng dịch ở nước ngoài về nước cách ly. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN.

Những ngày này, người dân Thủ đô đã không còn phải chịu cảnh ùn tắc bức bối vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều trên các trục đường giao thông. Nhưng chúng ta chỉ cảm thấy nhịp sống như chậm lại chứ không phải đang ở một thành phố “chết”. Nhiều cửa hàng đóng cửa trên phố nhưng không phải tất cả. Những hoạt động kinh doanh chỉ giảm về quy mô, số lượng chứ không nghỉ hẳn, đặc biệt là những nhu cầu cần thiết của người dân vẫn được đáp ứng đầy đủ. Một số cá nhân, doanh nghiệp nhanh nhạy còn đẩy mạnh bán hàng trực tuyến; tung ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn… Điều đó chứng tỏ, dịch COVID-19 cũng là dịp để chúng ta phải thay đổi, phải thích ứng với những biến động không lường trước.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 20/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng sợ hãi đến mức không dám làm gì. Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung triển khai thực hiện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Năm 2020 này, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Cùng với chống dịch, cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch.

Bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Trước mắt, cần thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở nguồn lực đã được bố trí để kích cầu, đồng thời bảo đảm nguồn lực dự phòng; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, chú trọng thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Như vậy là đường hướng đã rõ. Để cùng chung tay với các lực lượng chức năng nơi “tiền tuyến” đang căng mình chống dịch, nơi “hậu phương” chúng ta không thể ngồi im chờ dịch đi qua. Nếu như đã từng có khẩu hiệu “ngồi yên tại nhà là yêu nước” thì nay một tin nhắn đến đầu số 1407 cũng là một sự ủng hộ thiết thực. Hay như trước các thông tin giả lan truyền về bệnh dịch gây hoang mang dư luận, việc chia sẻ các thông tin từ nguồn chính thức của cơ quan chức năng cũng là một hành động có ý nghĩa. Và hơn hết, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh. Để biến “nguy” thành “cơ”, có nhiều cách và nhiều việc phải làm.

Trần Ngọc Tú