07:10 21/07/2021

Còn nhiều băn khoăn về chính sách đại lý thanh toán

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trình Chính phủ (thay thế Nghị định số 110/2014/NĐ-CP). Đây là văn bản được NHNN dồn nhiều tâm huyết với thời gian soạn thảo kéo dài từ năm 2018 đến nay.

Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và phòng chống dịch bệnh COVID-19 kéo dài, việc tạo các cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện càng trở nên cần thiết.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Một trong những chính sách được chờ đợi nhất tại Dự thảo Nghị định là chính sách về đại lý thanh toán, hay còn gọi là đại lý ngân hàng. Chính sách này sẽ cho phép các ngân hàng uỷ thác cho các bên thứ ba thực hiện một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, nạp rút tiền mặt, chuyển tiền, thu hộ chi hộ với hạn mức nhỏ. Các ngân hàng có trách nhiệm giám sát hoạt động của đại lý và trả hoa hồng/phí đại lý theo thỏa thuận. Được biết, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã cho phép hoạt động đại lý ngân hàng với mô hình thành công khác nhau. Tại Việt Nam, trong thời gian qua NHNN cũng đã triển khai thí điểm 3 mô hình đại lý ngân hàng của MBank, PGBank và Vietcombank với những kết quả tích cực.

Theo cơ quan soạn thảo, hoạt động đại lý ngân hàng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, bảo đảm mọi người dân không phân biệt thành phần, điều kiện sống, khu vực địa lý đều có thể hưởng lợi từ các thành quả phát triển kinh tế hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Về phía doanh nghiệp, các ngân hàng đang đặt nhiều kỳ vọng chính sách mới sẽ tạo đột phá gia tăng độ phủ ngân hàng (hiện mới ở mức không quá 50% dân số), đặc biệt hướng đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Một đại diện ngân hàng cho biết: Hiện nay các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ tại các địa bàn vùng sâu vùng xa do số lượng khách hàng và giao dịch thấp trong khi chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch khá cao, thủ tục phức tạp, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Nếu NHNN cho phép ngân hàng giao đại lý cho các bên thứ ba, chúng tôi sẽ có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường và phục vụ nhiều khách hàng hơn. Thông qua hệ thống đại lý, ngân hàng cũng có thể bán chéo sản phẩm, hỗ trợ dịch vụ của các đối tác khác như Ví điện tử, bancassurance…

Tuy nhiên, với nội dung Dự thảo được trình Chính phủ, thì nhiều DN ngân hàng thấy băn khoăn về việc chính sách đại lý ngân hàng sẽ không được như mong muốn. Với quan điểm thận trọng và quan ngại về rủi ro, nên dự thảo đã có quy định “nghiêm khắc”, nhất là đối với các đại lý là doanh nghiệp phi ngân hàng (không phải tổ chức tín dụng). Trong khi yêu cầu 80% số lượng lý loại này phải hoạt động tại địa bàn nông thôn, Dự thảo lại không cho phép các cá nhân kinh doanh, hộ gia đình hoạt động đại lý, việc này sẽ khiến cho các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đại lý phù hợp để cung cấp dịch vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa như định hướng chính sách. Để so sánh, Trung Quốc đã cho phép các đối tượng là kinh doanh nhỏ (chủ tiệm tạp hoá, quán ăn) làm đại lý ngân hàng kể từ năm 2011, còn tại Ấn Độ, các ngân hàng được khuyến khích giao đại lý các viên chức, giáo viên về hưu… Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng đều cho phép các cá nhân tham gia hoạt động đại lý.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng khá băn khoăn về giới hạn cứng 80% số đại lý phải hoạt động tại địa bàn cấp huyện. Chưa rõ tỷ lệ 80% được đưa ra trên căn cứ thực tiễn nào, và đã tính đến thay đổi về đơn vị hành chính tại các địa phương hiện tại hay chưa? Trong khi đó, chính sách tương tự về Mobile Money vừa được NHNN trình Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021, quy định cũng chỉ mang tính khuyến khích chứ không bắt buộc (ưu tiên triển khai tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam).

Một vấn đề đáng chú ý khác mới xuất hiện tại Dự thảo (không có trong bản công bố lấy ý kiến doanh nghiệp tháng 11 năm 2019) là quy định mỗi ngân hàng có số lượng đại lý là tổ chức khác không vượt quá số lượng chi nhánh hiện có. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này sẽ khiến các ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn khi mở đại lý, trong khi chính họ mới là đối tượng có nhu cầu đại lý hơn các ngân hàng lớn có sẵn nhiều chi nhánh.

Theo đề xuất của NHNN, các ngân hàng nhỏ có thể giao đại lý cho các ngân hàng lớn có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch để mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện ngân hàng nêu trên, từ góc độ kinh doanh, đề xuất này rất khó thực hiện: “Không kể đến vấn đề cạnh tranh, nhận diện thương hiệu, về kỹ thuật một ngân hàng không thể sử dụng hệ thống của ngân hàng khác để cung cấp dịch vụ được. Do đó, mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2010 đã cho phép, việc một ngân hàng làm đại lý cho ngân hàng khác là khó khả thi. Nếu mục tiêu chính sách là mở rộng độ phủ dịch vụ ngân hàng, giúp ngân hàng tìm kiếm khách hàng mới thì đối tượng ưu tiên phải là các đại lý nằm ngoài hệ thống ngân hàng hiện tại”.

Giới hạn về giá trị giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và mức phí dịch vụ đại lý không cao hơn mức phí ngân hàng cũng được cho là sẽ không khuyến khích được mô hình kinh doanh mới. Hiện nay, mức phí của các ngân hàng đặt ra đối với các giao dịch nạp rút tiền mặt hay chuyển khoản hạn mức nhỏ rất thấp (trung bình 0.3 – 0.6% giá trị giao dịch). Một số ngân hàng thậm chí miễn phí để thu hút tiền gửi. Nếu áp đặt mức phí này đối với đại lý, đồng thời giới hạn cả giá trị giao dịch họ được phép thực hiện, doanh thu từ phí dịch vụ sẽ còn lại không đáng kể. Mặt khác, để hoạt động đại lý đi vào thực tế, phát triển ổn định lâu dài, các ngân hàng cũng không thể trợ giá hay bù lỗ cho đại lý của mình.

Đánh giá chung về nghị định mới của NHNN, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên cho rằng chính sách đại lý ngân hàng, kể cả khi xây dựng theo hướng cởi mở hơn nữa, cũng chỉ là kế thừa kinh nghiệm thực thi cả thập kỷ của các quốc gia khác. Nghị định mới còn thiếu vắng tính định hướng cho sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, trong bối cảnh cách mạng công nghệ và hội nhập quốc tế, đặc biệt là vai trò của ngân hàng số ngày càng được nhiều quốc gia chú ý.

Ông Thiên khẳng định “Mỗi chính sách đều thể hiện cam kết và uy tín của cơ quan chủ quản. Do đó, khi hoạch định chính sách cần đảm bảo độ mở cần thiết để nó đạt được hiệu quả đáp ứng kỳ vọng của người dân. Trong một số giai đoạn, quan điểm thận trọng, an toàn là cần thiết. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, như người đứng đầu Chính phủ mới đã xác định, hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt. Để đảm bảo mục tiêu kép phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh của Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ có thể sẽ không còn kham nổi chi phí cơ hội cho những chính sách nửa vời”.

Quốc Bảo