09:18 02/09/2011

Con người “vùng đất Thép”

Người dân Củ Chi với lòng quả cảm, mưu trí và đầy nhiệt huyết của tinh thần yêu nước, đã tạo cho mình một sức sống bền bỉ trước những làn đạn của kẻ thù. Người dân Củ Chi đã làm nên những điều kì diệu cả trong chiến đấu và xây dựng hòa bình.

Người dân Củ Chi với lòng quả cảm, mưu trí và đầy nhiệt huyết của tinh thần yêu nước, đã tạo cho mình một sức sống bền bỉ trước những làn đạn của kẻ thù. Người dân Củ Chi đã làm nên những điều kì diệu cả trong chiến đấu và xây dựng hòa bình.

Từ “Cái nôi đất lửa anh hùng”

Nếu ai hỏi, lực lượng du kích Củ Chi ra đời từ lúc nào, khó có thể xác định được rõ ràng. Bởi lẽ, ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất Gia Ðịnh, người dân Hóc Môn - Củ Chi đã đứng lên phản kháng, sử dụng vũ khí thô sơ bằng gậy tầm vông, giáo mác. Nghĩa binh chống thực dân Pháp đa phần xuất thân từ nông dân, thường ngày là người nông dân lam lũ với ruộng nương, lúc đối mặt với quân thù trở thành nghĩa binh dũng mãnh, gan góc. Các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Công Hớn đều có nghĩa sĩ Củ Chi - Hóc Môn. Chính họ là tiền bối của lực lượng du kích Củ Chi.

Khách du lịch tham quan địa đạo Củ Chi.


Lòng yêu nước của người dân Củ Chi chính là mảnh đất màu mỡ để những hạt giống đỏ đầu tiên của Ðảng nảy mầm, phát triển. Ngay sau khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, ngày 4/2/1930, Chi bộ Ðảng đầu tiên ở Củ Chi được thành lập tại xã Tân Phú Trung, đã lãnh đạo các hoạt động cách mạng ở địa phương, tổ chức ra các hiệp hội đoàn thể, hình thành lực lượng đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, cùng nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại đánh chiếm Nam bộ. Quân, dân Củ Chi bước vào cuộc chiến đấu mới. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, người dân Củ Chi khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Thanh niên các xã tình nguyện xung phong vào du kích. Vùng Tân Mỹ - Bình Lý (nay là xã Bình Mỹ), xã An Phú (nay là xã Trung An) trở thành căn cứ của Tỉnh ủy Gia Ðịnh và căn cứ địa của lực lượng giải phóng Nam bộ. Tại đây hình thành công binh xưởng sản xuất vũ khí tự tạo trang bị cho du kích địa phương đánh giặc. Thực dân Pháp bắt đầu lấn chiếm vùng ngoại ô Sài Gòn, lực lượng du kích Củ Chi (còn gọi là dân quân tự vệ, tự vệ đỏ, thanh niên xung kích) chiến đấu, chặn đứng các cuộc càn quét của giặc, cùng nhân dân địa phương đào đường, đắp ụ, cản trở các cuộc hành quân của địch; đồng thời xây dựng ấp, xã chiến đấu kết hợp làm giao thông hào, ổ chiến đấu. Lúc đầu, người dân đào hầm bí mật, bố trí, ngụy trang để ẩn tránh, sau dân quân du kích quyết tâm bám trụ đánh giặc, cho nên sáng tạo ra các hầm bí mật liên hoàn trong lòng đất, nối một số gia đình với nhau. Dần dần các nhánh địa đạo được nối dài ra, cả những hướng bố trí trận đánh, tự tạo ra các kiểu hầm tránh đạn giặc mà lực lượng du kích có thể trú ẩn an toàn, đánh giặc trong nhiều ngày, làm kẻ thù không thể đoán biết thế trận của dân quân du kích.

Để lực lượng cách mạng có thể bám trụ và hoạt động, phải kể đến những gia đình ở Củ Chi đã ngày đêm nuôi giấu, che chở, tiếp tế lương thực... Chị Hồ Thị Nghiêm ở ấp 4, Phước Vĩnh An, lúc nhỏ từng làm giao liên, liên lạc với cán bộ vùng giải phóng, kể: “Mặc dù người dân Củ Chi bị địch dồn vào ấp chiến lược, nhưng nhân dân vẫn cố tìm mọi cách để liên lạc ra vùng có cách mạng hoạt động, hàng ngày vẫn ra làm ruộng, nuôi cá, trồng rau bên ngoài ấp chiến lược. Nếu địch có hỏi thì nói là ra đó sản xuất, làm ăn. Nhưng sản xuất cũng chỉ là cớ để tiếp tế lương thực, làm cơ sở liên lạc cho vùng cách mạng”. Má của chị - bà Lê Thị Ra, có chồng và 7 người anh chị em bên chồng đều theo cách mạng, đã từng đào hầm trong nhà để nuôi giấu cán bộ. Bà còn tiếp viện cho cán bộ ở vùng giải phóng bằng những làn cơm khô rang, cơm khô ngào đường, hay muối tôm, muối đậu... rồi tìm cách đưa ra vùng giải phóng.

Xe tăng trưng bày tại địa đạo Củ Chi.


“Cuộc sống rất gian khổ, cái chết và sự sống kề nhau vì bị đạn pháo liên miên. Vùng Củ Chi này, vào thời ấy, không bao giờ ngớt tiếng súng. Nhà chúng tôi gần đồn địch, chúng lại biết là trong nhà có người đi theo cách mạng nên chúng rất để tâm. Ban đêm, trước nhà phải thắp sáng đèn, nếu mà hôm nào tắt đèn là lính tới vây ráp vì cho rằng “Việt cộng về”. Hơn nữa, chỉ cần có pháo phía ta vào đồn địch thì lúc nào nhà mình cũng vướng vài quả pháo của địch bắn trả từ đồn ra. Bởi vậy, nhà tôi lúc nào cũng có hầm trú ẩn ngay trong nhà để tránh pháo. Hầm phải rộng và chia làm nhiều ngách để có thể sinh hoạt, ngủ và thoát thân khi có sự cố”, chị Nghiêm kể.

Đến “Trường học lịch sử”

Bên hầm địa đạo Củ Chi, ngày mồng 6 Tết Giáp Tuất (1994), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tôi đã nhiều lần về thăm Củ Chi địa đạo. Lần này, về thăm lại rất xúc động trước những cố gắng tôn tạo thêm khu di tích lịch sử vô giá này làm tăng thêm sức thu hút du khách bốn phương và vẫn giữ nét tôn nghiêm vốn có. Nhân dân ta, dân tộc ta mãi mãi ghi nhớ, tự hào và sẽ phát triển sáng tạo chủ nghĩa anh hùng bất khuất và kiên cường của Củ Chi, đất lửa anh hùng, xây dựng Tổ quốc ta ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các dân tộc trên thế giới”. Quả thật, địa đạo Củ Chi được nhân dân miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng xem như là một “Trường học lịch sử” của Cách mạng miền Nam. “Ngôi trường” đó với giáo trình, giáo cụ trực quan đẳng cấp quốc tế, nổi tiếng năm châu bốn biển. Đến thăm “trường” có cả những người nổi tiếng: Chủ tịch Fidel Castro, cán bộ và nhân dân Cuba, thành viên Quốc hội Pháp, Thụy Điển, Quốc hội Liên bang Nga, công chúa - hoàng tử Thái Lan, nhà văn Mỹ, nhà tỷ phú Mỹ Rockefeller và triệu triệu lượt thanh thiếu niên thế hệ trẻ Việt Nam đã đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Giờ đây, Địa đạo Củ Chi còn là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế trên những chuyến tàu du lịch 5 sao quốc tế đến tham quan tại TP.HCM.

Một góc thị trấn Củ Chi hôm nay.


Nằm cách TP.HCM 70 km về phía Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Một công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, chúng ta sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân xâm lược Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sức kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”, “Việt cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”… Địa đạo Củ Chi hiện có 2 điểm chính: Địa đạo Bến Dược là căn cứ Khu ủy và Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bảo tồn tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và địa đạo Bến Đình là căn cứ Huyện ủy huyện Củ Chi được bảo tồn tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức.

Từ năm 1990 đến nay, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan địa đạo ngày càng tăng, trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt khách. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về địa đạo và cuộc sống lao động, chiến đấu, tính sáng tạo của nhân dân trong chiến tranh và làm thế nào để đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã được nâng cấp, gia cố. Những công trình cũ được giữ nguyên trạng vốn có, đồng thời phát triển, mở rộng Khu tái hiện Vùng giải phóng qua việc tái hiện lại 2 chiến lược chiến tranh là: Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ của Mỹ trên đất Củ Chi, cùng 9 không gian tầng hầm địa đạo - một công trình vĩ đại của lòng yêu nước của quân dân Củ Chi “đất thép thành đồng”.

Củ Chi hiện nay đã thay da đổi thịt. Mặt đất lành lặn, vết tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Những người dân - người từng che chở cán bộ ngày nào, giờ hãnh diện về sự phát triển của địa phương. Những con đường mòn đánh trận năm xưa đã được hiện đại hóa bằng bê tông hoặc nhựa sạch sẽ, những ngôi nhà tre lá giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây bê tông rộng rãi, hiện đại. Vùng “đất chết” ngày nào giờ đây cũng đã “mọc” đầy các khu công nghiệp và cả một khu đô thị lớn với 6.000 ha (Khu đô thị Tây Bắc thành phố) được UBND TP.HCM quy hoạch phát triển trong tương lai.
Xã hội càng phát triển, tinh thần cách mạng của người dân Củ Chi càng phát huy sức sống và tỏa sáng với mỗi thế hệ hôm nay. “Ngày xưa, má tôi một lòng theo Đảng, nuôi giấu cán bộ, giờ bà vẫn muốn chúng tôi đi theo Đảng, 5 anh em tôi đều là cán bộ, Đảng viên. Tinh thần cách mạng đã ăn sâu vào tim, óc mỗi người và trong máu thịt chúng tôi đều có truyền thống cách mạng cả”, chị Nghiêm hãnh diện nói.

Em Nguyễn Thị Lan Hương, học sinh Trường THPT Củ Chi, cho biết: “Em luôn tự hào là người con của vùng đất anh hùng Củ Chi. Bởi thế, em đã phấn đấu học giỏi để sau này góp một phần công sức cho việc phát triển địa phương, như những gì mà ông cha ta đã làm trên vùng đất Củ Chi này”.

Bài và ảnh: M.Thuyết