01:23 05/01/2012

Còn lâu Iran mới có bom nguyên tử

Theo giới phân tích, tuyên bố mới nhất của Iran về việc nước này đạt được một bước đột phá trong chương trình hạt nhân xem ra chưa chắc sẽ đưa Têhêran tiến gần hơn tới việc sở hữu bom nguyên tử. Mục đích của Iran khi đưa ra tuyên bố này là nhằm gửi một thông điệp đầy thách thức khác tới phương Tây.

Theo giới phân tích, tuyên bố mới nhất của Iran về việc nước này đạt được một bước đột phá trong chương trình hạt nhân xem ra chưa chắc sẽ đưa Têhêran tiến gần hơn tới việc sở hữu bom nguyên tử. Mục đích của Iran khi đưa ra tuyên bố này là nhằm gửi một thông điệp đầy thách thức khác tới phương Tây.

Dường như tuyên bố mà Iran đưa ra hôm 1/1/2012, rằng nước này đã chế tạo và thử nghiệm thành công các thanh nhiên liệu được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân, chỉ là nhằm chứng tỏ các biện pháp trừng phạt không ngăn được sự tiến bộ về kỹ thuật của nước này, để từ đó Iran có được lợi thế trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với các cường quốc.

Peter Crail, thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) có trụ sở tại Oasinhtơn, nói: "Bản thân những tiến bộ kỹ thuật mà Iran đạt được không thể đưa họ tiến gần hơn tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân". Động thái trên của Iran có thể là nhằm để nói với các kẻ thù của Têhêran rằng thời gian đang gần hết nếu họ muốn phục hồi thỏa thuận trao đổi nhiên liệu nguyên tử, từng bị đổ vỡ cách đây 2 năm.

Các nhà ngoại giao tin rằng trước đây, Iran đã "phóng đại" những tiến bộ hạt nhân của họ nhằm giành lợi thế trong các cuộc xung đột với phương Tây, và việc thử nghiệm các thanh nhiên liệu được sản xuất trong nước không có nghĩa là Iran sẽ bắt đầu sử dụng chúng trong các lò phản ứng hạt nhân.

Tuyên bố của Iran được đưa ra trong bối cảnh cuộc "khẩu chiến" giữa Iran và phương Tây ngày càng leo thang. Cuộc tranh cãi dai dẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân này có thể làm dấy lên một cuộc xung đột sâu rộng ở Trung Đông. Tuyên bố này một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm của Iran sẽ đẩy mạnh chương trình nguyên tử, vốn được giới lãnh đạo nước này coi là biểu tượng của sức mạnh và thanh thế. Ông Crail nhận định: "Cùng một lúc, Iran công bố việc sản xuất được thanh nhiên liệu và kêu gọi đàm phán. Điều này cho thấy các thanh nhiên liệu sẽ được Iran dùng để giành lợi thế trên bàn đàm phán". Iran đã đề nghị nối lại các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn lâu nay với 6 cường quốc là Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc và Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng nếu Iran sản xuất một vũ khí hạt nhân, nước này cần ít nhất từ 6 tháng tới một năm hoặc có thể lâu hơn.

Phó Giáo sư Matthew Bunn của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, đã mô tả những tiến bộ hạt nhân mà Iran vừa công bố trong tuần này là "cuộc thử nghiệm sớm" xem liệu nước này có thể sản xuất nhiên liệu có khả năng chịu bức xạ, nhiệt độ và các điều kiện khác trong trong lò phản ứng hay không. Ông nói: "Còn một con đường dài trước khi họ có thể có được nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu dùng cho các lò phản ứng".

Trong những thông tin được đưa ra hôm 1/1/2012, truyền thông Iran đã đề cập tới cả các thanh nhiên liệu (được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân như nhà máy Bushehr - nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran) lẫn các tấm nhiên liệu cần cho lò phản ứng ở Têhêran đang sản xuất các chất đồng vị dùng trong y học. Nga đã cung cấp các thanh nhiên liệu cho nhà máy hạt nhân Bushehr. Mark Hibbs, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, cho biết có khả năng trong nhiều năm qua, nhà máy này vẫn sử dụng nhiên liệu do Nga sản xuất.

Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết họ chờ xem liệu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc có trụ sở tại Viên thường xuyên đến thăm các cơ sở hạt nhân của Iran - có làm sáng tỏ được những công bố của Iran về việc nước này sản xuất các thanh nhiên liệu hạt nhân hay không.

TTK (Theo Reuters)