08:19 20/08/2020

Con đường tăng trưởng lạ thường của Apple đến mốc 2 ngàn tỷ USD

Apple là công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc giá trị vốn hóa 2 ngàn tỉ USD, thông qua bước tiến đáng kinh ngạc ngay giữa đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
CEO Apple, Tim Cook trong sự kiện công bố iPhone 11 năm 2019. Ảnh: NYT

1 nghìn tỉ USD trong 21 tuần

Mất 42 năm để Apple đạt mốc giá trị vốn hóa 1 nghìn tỉ USD, nhưng chỉ mất có 2 năm để “Quả táo khuyết” đạt mốc 2 nghìn tỉ. Kinh ngạc hơn nữa, toàn bộ giá trị 1 nghìn tỉ USD lần thứ hai của Apple đạt được chỉ trong 21 tuần qua, tức là khi nền kinh tế toàn cầu đang lao dốc nhanh hơn bao giờ hết  trong đại dịch COVID-19.

Ngày 19/8 vừa qua, Apple đã chính thức trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc vốn hóa 2 ngàn tỉ USD khi giá cổ phiếu của họ tăng 1,4% lên 468,65 USD/cổ phiếu vào giữa phiên giao dịch, dù sau đó đã giảm và đi ngang vào cuối phiên.

Đó là một cột mốc quan trọng với nhà sản xuất ra các sản phẩm đình đám như iPhone, máy tính Mac, đồng hồ Apple, củng cố danh hiệu "Công ty đại chúng có giá trị lớn nhất thế giới", đồng thời nhấn mạnh rằng chính đại dịch COVID-19 lại mang đến lợi ích lớn cho người khổng lồ công nghệ.

Mãi gần đây, đến giữa tháng 3/2020, giá trị vốn hóa của Apple vẫn chỉ dưới 1 ngàn tỉ USD sau khi thị trường cổ phiếu lao dốc do tâm lý hoảng sợ trước dịch bệnh. Hôm 23/3, trong cơn khủng hoảng của thị trường chứng khoán, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố những biện pháp mới mạnh mẽ nhằm trấn an giới đầu tư. Kể từ đó, thị trường chứng khoán - đặc biệt là cổ phiếu của 5 "Ông lớn" (Big Tech) gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook - phần lớn đã tăng vọt, với chỉ số S&P 500 đạt mức cao mới vào ngày 18/8 vừa qua.

Chú thích ảnh
Biểu đồ tăng trưởng giá trị vốn hóa của Apple từ mốc năm 1980 (khi IPO) đến khi đạt đỉnh điểm vào ngày 19/8/2020. Nguồn: NYT

Các nhà đầu tư đã rót hàng tỉ USD vào các tập đoàn công nghệ, vì tin rằng sức mạnh và quy mô khủng của họ sẽ là “nơi trú ẩn” an toàn trong cơn suy thoái do đại dịch. Theo công ty phân tích thị trường S&P Global, giá trị của cả 5 tập đoàn công nghệ nói trên đã tăng vọt thêm gần 3 ngàn tỉ USD kể từ ngày 23/3, tức gần bằng tăng trưởng của cả 50 công ty có giá trị lớn tiếp theo trong danh sách S&P 500, bao gồm các tên tuổi như Berkshire Hathaway, Walmart và Disney.   

“Đó là chuyến bay mới tới an toàn”, ông Aswath Damodaran, giáo sư tài chính tại Đại học New York, nhận xét về làn sóng các nhà đầu tư đổ tiền vào nhóm “Big Tech”. Ông cho biết, những công ty giàu mạnh, linh hoạt và làm việc trên nền tảng kỹ thuật số đang hưởng lợi từ đại dịch: “Cuộc khủng hoảng này đang giúp những công ty vốn đã mạnh càng mạnh hơn”.

Sự thống trị của các cổ phiếu công nghệ được thể hiện rõ khi giá trị 5 công ty nói trên chiếm tới 20% tổng giá trị thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 70 năm có một ngành chiếm ảnh hưởng lớn như vậy tới thị trường Mỹ.

Chú thích ảnh

Tăng trưởng ngoạn mục dù không có gì mới

Việc Apple tiến nhanh đến mốc 2 ngàn tỉ USD đặc biệt gây bất ngờ bởi công ty đã không làm được điều gì mới trong 2 năm qua. Họ chỉ đơn giản là đã biến mình thành một trong những doanh nghiệp kiếm tiền hiệu quả nhất trong ngành công nghệ, có khả năng nắm chắc cách thức mọi người giao tiếp, giải trí và mua sắm đến nỗi không còn phụ thuộc vào những phát minh đột phá để duy trì hoạt động kinh doanh.

Apple đã lần đầu tiên cán mốc vốn hóa 1 nghìn tỉ USD vào tháng 8/2018 sau nhiều thập niên đổi mới, sáng tạo. Công ty - được thành lập năm 1976 bởi Steve Jobs và Steve Wozniak - đã tạo ra những sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Macintosh, máy nghe nhạc iPod, App Store và điện thoại iPhone.

Nhưng kể từ đó đến nay, Apple chủ yếu chỉ chỉnh sửa, cải tiến các sáng tạo trong quá khứ, bán các tiện ích với những cái tên mới như Apple Watch Series 5, AirPods Pro và iPhone 11 Pro Max. Họ cũng đã đẩy mạnh các dịch vụ như nhạc, phim trực tuyến, các chương trình truyền hình...

Dưới thời giám đốc điều hành hiện tại, Tim Cook, sự đổi mới quan trọng nhất của Apple trong những năm gần đây được cho là khả năng tạo ra lợi nhuận gần như không vô đối. Ông Cook đã xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp để sản xuất ra hàng tỷ thiết bị - hầu hết được lắp ráp tại Trung Quốc - và tập trung vào một chuỗi sản phẩm được thiết kế để “trói” khách hàng vào hệ sinh thái của mình, khiến họ liên tục thay thiết bị mới và trả phí hàng tháng để sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số của Apple.

Chú thích ảnh
Tổng hành dinh Apple ở Thung lũng Sillicon, Mỹ.

“Quả Táo” cũng đã phát triển bằng cách thu nhiều tiền hơn từ các công ty khác kinh doanh trên ứng dụng iPhone, dẫn đến cáo buộc rằng việc đòi chia tới 30% doanh thu của một số ứng dụng là không công bằng.

Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của Apple ở Thung lũng Silicon chỉ càng thêm vững chắc bởi dịch bệnh buộc mọi người hầu như phải làm việc, học tập và giao lưu trực tuyến. Từ tháng 4 đến tháng 6, ngay cả khi Apple phải đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ của mình vì dịch, họ vẫn đạt lợi nhuận 11,25 tỷ USD, tăng 12% so với một năm trước đó. Công ty cũng đã tăng doanh số bán hàng tất cả sản phẩm của mình và ở mọi nơi trên thế giới.

"Các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi liên hệ mật thiết tới cuộc sống của khách hàng, và trong một số trường hợp thì mối liên hệ này giữa đại dịch còn chặt chẽ hơn", Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple chia sẻ vào tháng 7. Tuy vậy, ông Maestri cho rằng nếu không có đại dịch, Apple còn có thể kiếm thêm hàng tỷ USD nữa.

Chú thích ảnh

Giống như Apple, các “ông lớn” công nghệ Mỹ như Amazon, Microsoft, Facebook và Alphabet (tập đoàn sở hữu Google và YouTube) cũng đang gặt hái hàng tỉ USD ngay giữa đại dịch. Ảnh hưởng quá lớn của họ thậm chí đã khiến giới chức Mỹ phải giám sát gắt gao trong năm qua. Một tiểu ban thuộc Hạ viện Mỹ hiện đang điều tra cách các gã khổng lồ công nghệ này đang vung quyền lực.

Tuần trước, quyền lực của Apple một lần nữa đã gây chú ý khi họ khởi động trò chơi nổi tiếng Fortnite trên App Store. Epic Games, công ty sản xuất Fortnite, sau đó đã kiện Apple lên tòa án liên bang, cáo buộc công ty vi phạm luật chống độc quyền bằng cách buộc các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán của mình.

Apple cũng đã sử dụng một công cụ mạnh mẽ khác để nâng cao giá trị: đó là mua lại cổ phiếu. Kể từ khi đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD, công ty đã trả 175,6 tỷ USD cho các cổ đông, bao gồm cả 141 tỷ USD mua lại cổ phiếu. Apple đã mua lại hơn 360 tỷ USD cổ phiếu của chính mình kể từ năm 2012, và lên kế hoạch chi thêm ít nhất hàng chục tỷ USD để tiếp tục mua cổ phiếu Apple.

Việc mua lại cổ phiếu thường sẽ làm tăng giá trị mỗi cổ phiếu, nhưng bị chỉ trích là chỉ làm giàu cho những cổ đông lớn và dàn lãnh đạo chủ chốt của công ty, như trong trường hợp của Apple.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)