07:12 16/07/2020

'Con đường mới' chông gai của nước Pháp

Phục hồi kinh tế, giảm phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, chống thất nghiệp, tăng quyền tự chủ địa phương và chống chủ nghĩa ly khai là những ưu tiên chính sách của chính phủ mới, được tân Thủ tướng Pháp Jean Castex đưa ra trong bài phát biểu đầu tiên trước Hạ viện chiều 15/7.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Pháp Jean Castex phát biểu trước Quốc hội tại Paris, Pháp ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến lược hành động của Thủ tướng Castex đã xác định tất cả các mốc quan trọng của "con đường mới" tiến đến thành công trong công cuộc tái thiết kinh tế, sinh thái, văn hóa, sự đoàn kết và nền cộng hòa, trong bối cảnh nước Pháp đang rơi vào chia rẽ xã hội sâu sắc.

Chiến lược hành động trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Emmanuel Macron có bài trả lời phỏng vấn phát trực tiếp trên truyền hình, trong đó vị nguyên thủ quốc gia nhấn mạnh các mục tiêu phục hồi đất nước theo "con đường mới" mà ông thiết kế để thực hiện trong thời gian còn lại nhiệm kỳ, vốn được giới phân tích coi là "bước chuẩn bị" của ông Macron cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

Đáng chú ý trong chiến lược này là khoản ngân sách 100 tỷ euro (114 tỷ USD) nhằm phục hồi nền kinh tế quốc gia thông qua việc đầu tư vào các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm, bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.  

Cụ thể, 40 tỷ euro (45,6 tỷ USD) sẽ được tài trợ cho việc tái thiết ngành công nghiệp, như một phần của kế hoạch phục hồi. Ông Castex cảnh báo "sự suy yếu" của ngành công nghiệp Pháp do quá phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, thậm chí vắng mặt trong một số lĩnh vực chiến lược.

Bên cạnh đó, tân Thủ tướng đề xuất huy động hơn 20 tỷ euro (22,8 tỷ USD) để cải tạo hệ thống cách nhiệt các tòa nhà dân sinh, giảm khí thải từ giao thông và các ngành công nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm sạch hơn, hỗ trợ các công nghệ xanh của tương lai để tái chế tốt hơn và ít lãng phí hơn.

Ông Castex cũng thông báo một kế hoạch phát triển xe đạp đầy tham vọng và nhấn mạnh rằng từ nay đến cuối năm 2021, tất cả các địa phương sẽ phải có "các hợp đồng phát triển sinh thái". Người đứng đầu chính phủ cam kết sẽ cấm triển khai các dự án trung tâm thương mại mới ở khu vực ven đô để chống xói mòn đất. 

Chống thất nghiệp và bảo toàn việc làm sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong 18 tháng tới, với tổng ngân sách lên đến 20 tỷ euro. Thủ tướng nhấn mạnh rằng đối tượng chính sẽ là tầng lớp thanh niên, những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế vừa qua. Vì vậy, chính phủ quyết định miễn trừ các khoản đóng góp an sinh xã hội để thúc đẩy thị trường việc làm đối với những lao động dưới 25 tuổi. Quy định miễn trừ này sẽ có hiệu lực trong tất cả các doanh nghiệp và trong khoảng thời gian ít nhất là một năm.

Liên quan đến quỹ đoàn kết, 20 tỷ euro sẽ để giúp đỡ những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, trong đó có giới sinh viên, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng xã hội lớn trong thời kỳ có nhiều biến động hiện nay. 

Người đứng đầu chính phủ cũng công bố đầu tư thêm 6 tỷ euro (6,8 tỷ USD) vào hệ thống y tế, bên cạnh khoản 13 tỷ euro (14,8 tỷ USD) dành cho bệnh viện đã được chính phủ lên kế hoạch trước đó. Theo ông Castex, khoản đầu tư "chưa từng có" này nhằm tạo sự linh hoạt hơn cho các cơ sở y tế, tăng cường chất lượng chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện và phòng khám bác sỹ gia đình. 

Thủ tướng Castex khẳng định tiếp tục thực hiện cải cách hệ thống lương hưu như kế hoạch của Tổng thống Macron, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt các chế độ hưu trí đặc biệt trong dài hạn, nhằm hướng tới một hệ thống công bằng và phổ quát hơn. Thủ tướng thừa nhận rằng việc cải cách hệ thống lương hưu, bị đình chỉ vô thời hạn sau khi được trình bày tại hạ viện cuối tháng 2 vừa qua, đã "gây lo ngại và khó hiểu". Ông cho biết sẽ đề nghị các đối tác xã hội và các nghị sĩ tiếp tục các cuộc tham vấn nhằm điều chỉnh nội dung kế hoạch cải cách cần thiết này.

Về vấn đề tăng cường sự tự chủ của các vùng lãnh thổ, ông Castex mong muốn thiết lập từ năm 2021 những hội đồng thẩm phán địa phương, có nhiệm vụ ngăn chặn "những bất ổn" của cuộc sống hằng ngày. Thủ tướng cũng đảm bảo rằng Nhà nước sẽ có phản ứng "kiên quyết và không thỏa hiệp" đối với các băng nhóm bạo lực. Ông công bố một dự luật "chống chủ nghĩa ly khai", dự kiến sẽ có hiệu lực ngay sau kỳ nghỉ hè này. Bên cạnh đó, ông Castex nhắc lại rằng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dưới mọi hình thức luôn là một trong những mối quan tâm chính của nước Pháp. 

Sau cuộc tranh luận kéo dài 3 giờ, 345 trên tổng số 577 hạ nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ chiến lược hành động của chính phủ mới, được thực hiện trong vòng 18 tháng cuối nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Emmanuel Macron. 

Kết quả trên được đánh giá là "khắc nghiệt nhất" trong số 3 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại hạ viện kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron đắc cử. So với 370 phiếu thuận vào tháng 7/2017 và 363 phiếu thuận vào tháng 6/2019, ông Jean Castex dường như có ít sự ủng hộ hơn người tiền nhiệm Édouard Philippe. Tuy nhiên, điều này có thể được giải thích bằng "sự ra đi" của khoảng 30 hạ nghị sỹ thuộc phe đa số, những người đã rời khỏi hàng ngũ đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của Tổng thống Macron, để tham gia các đảng phái khác.

Trên thực tế, chính phủ mới của ông Castex vẫn nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của phe đa số trong hạ viện, gồm đảng LREM cùng các đảng liên minh Phong trào dân chủ (MoDem) và Cùng nhau hành động (Agir ensemble). 

Thời kỳ tới được dự báo là rất khó khăn đối với nước Pháp trong bối cảnh quốc gia này vừa thoát khỏi giai đoạn cam go nhất của cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19. Thách thức đặt ra đối với chính phủ mới là rất lớn, vừa phải đảm bảo việc làm cho người lao động, đồng thời khôi phục các hoạt động kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. 

Ngay trước đại dịch COVID-19, nước Pháp cũng đã rơi vào khủng hoảng. Hàng loạt cải cách mà Tổng thống Macron thúc đẩy kể từ khi lên nắm quyền, như thay đổi các quy định bảo vệ người lao động và lương hưu, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các liên đoàn lao động cũng như phong trào Áo vàng. Sự chia rẽ và bất bình trong xã hội được cho là một trong những nguyên nhân khiến đảng LREM của ông Macron chịu thất bại nặng nề tại những thành phố lớn trong các cuộc bầu cử địa phương vừa qua.

Nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ là tái thiết kinh tế và khôi phục việc làm sau đại dịch, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) dự báo nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giảm 10,3% trong năm nay, trước khi phục hồi với mức tăng 6,9% vào năm tới và 3,9% vào năm tiếp theo. Trong năm nay, ước tính gần 1 triệu người ở Pháp bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức kỷ lục 11,8% trong nửa đầu năm 2021. BoF cho rằng kinh tế Pháp cần ít nhất 2 năm để trở lại mức như trước khủng hoảng COVID-19

Tổng thống Macron từng cam kết rằng trên "con đường mới", nước Pháp sẽ xây dựng một mô hình kinh tế mới theo hướng tái công nghiệp hóa. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã bộc lộ những yếu kém và sự lệ thuộc kinh tế giữa các quốc gia, bao gồm cả nước Pháp, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa sâu rộng.

Giới chuyên gia cho rằng ngành sản xuất trong nước của Pháp đang mất sức cạnh tranh, bởi từ năm 2002-2018, Pháp đã mất 40% các công ty công nghiệp vì xu hướng di dời nhà xưởng ra nước ngoài, nơi có giá thành thấp. Nếu muốn "giành lại" vận mệnh kinh tế đất nước, Chính phủ Pháp phải tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp và công nghệ tương lai nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Chính phủ mới sẽ chịu trách nhiệm thực hiện "con đường mới" để nước Pháp thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng hiện nay, một nhiệm vụ quả thực không hề dễ dàng, bởi bước đầu tiên của nhiệm vụ này, chính là "tái hòa giải người dân Pháp". Nói cách khác, "sứ mệnh" của tân Thủ tướng Jean Castex chính là hòa giải và đối thoại để khôi phục nước Pháp thời kỳ hậu COVID-19.

Linh Hương (PV TTXVN tại Pháp)