03:05 21/03/2015

Con đường Hạnh phúc – Con đường huyền thoại

Tối 20/3, tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành “Con đường Hạnh phúc”...

Tối 20/3, tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành “Con đường Hạnh phúc”.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu cao quí cho các đội thanh niên xung phong có thành tích đặc biệt xuất sắc đi mở đường Hạnh phúc năm xưa.
 
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã ôn lại một giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ của cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; tri ân, tôn vinh, biểu dương những cựu thanh niên xung phong đã có những hy sinh và đóng góp to lớn, khai thông tuyến đường quan trọng, huyết mạch nối liền trung tâm tỉnh Hà Giang lên 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh, mang lại hạnh phúc, ấm no cho hàng vạn đồng bào các dân tộc.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm.

 
“Hôm nay, đi trên những tuyến đường giao thông huyết mạch của mảnh đất Hà Giang tươi đẹp, hùng vĩ, mỗi chúng ta không thể không nhớ đến những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của Hà Giang để có được con đường nối liền các huyện vùng cao núi đá, mang lại hạnh phúc, ấm no cho đồng bào”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
 
"Khúc tráng ca từ đá" - Chương trình nghệ thuật nhằm ca ngợi những thanh niên đi mở đường Hạnh phúc cách nay vừa tròn 50 năm.
 
Ngày 10/9/1959, sau 5 năm kể từ khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, con đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc được khởi công với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào thuộc 16 dân tộc (Mông, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô…) của hai khu Cao, Bắc, Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn)và Hà, Tuyên, Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), cùng thanh niên xung phong từ hai tỉnh Hải Hưng, Nam Định.
 

Con đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc được khởi công với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.

 
Đặc biệt, trong tổng thể con đường xuyên đá cứng, nhiều cua, lắm dốc, thử thách gian lao nhất chính là đoạn vượt đỉnh Mã Pí Lèng. Không khuất phục trước khó khăn, với tinh thần, ý chí quyết tâm đối diện hiểm nguy, trong từng ngày làm việc, các công nhân đã đặt những chiếc quan tài và truy điệu sống các đồng chí thanh niên tình nguyện, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả Đảng, Nhà nước giao cho.
 
Con đường xuyên đá cứng, nhiều cua, lắm dốc, thử thách gian lao ý chí của những thanh niên xung phong ngày ấy.
 
17 thanh niên trong đội cảm tử đã phải treo mình bằng dây buộc vào một cây nghiến cổ thụ trên đỉnh núi ròng từ trên xuống, bám vào các vách đá ở độ cao trên 1.600 mét, ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công để hoàn thành đoạn vượt đỉnh Mã Pí Lèng.
 
Nhiều công nhân đã đặt những chiếc quan tài và truy điệu sống các đồng chí thanh niên tình nguyện, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả.
 
Và “Con đường Hạnh phúc” đã hoàn thành ngày 15/6/1965 với chiều dài gần 200 km xuyên địa hình hiểm trở, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công đã phải mất tới 6 năm xây dựng với gần 3 triệu ngày công đục khoét trên 3 triệu mét khối đá mà hầu hết là lao động thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc; 14 thanh niên xung phong đã hy sinh, mãi mãi nằm lại với cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang…
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gắn danh hiệu cao quí lên lá cờ truyền thống của những thanh niên xung phong.
 
Nửa thế kỷ trôi qua, hạnh phúc đã và đang nở hoa, kết trái trên con đường thấm bao mồ hôi, xương máu, công sức. “Trong buổi lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa hôm nay, chúng ta thành kính tưởng nhớ 14 thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng; vô cùng trân trọng biết ơn sự hy sinh gian khổ, mất mát của các thanh niên xung phong và dân công trên “Con đường Hạnh phúc” - những người đã đóng góp tiền đề quan trọng đầy ý nghĩa để Hà Giang vượt qua bao khó khăn, ngày càng phát triển”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
 
Nửa thế kỷ trôi qua, hạnh phúc đã và đang nở hoa, kết trái trên con đường thấm bao mồ hôi, xương máu, công sức của những thanh niên xung phong.
 
Nằm ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, chiếm giữ vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, Hà Giang còn có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là lợi thế về phát triển du lịch trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Nằm ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang còn có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế, xã hội.
 
Tuy nhiên, Hà Giang còn khó khăn về nhiều mặt, như: Địa hình đồi núi phức tạp, nhiều núi cao, vực sâu, đá nhiều, đất ít, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, trình độ dân trí chưa cao so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều gian khó.
 

Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đặt Hà Giang trong mối liên kết giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc để vững bước đi lên.
 

Bài và ảnh:Viết Tôn