01:10 23/01/2019

Con đường gập ghềnh tới hòa bình

Cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tối 22/1 đã kết thúc với tuyên bố chung hai bên sẽ tăng tốc tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình.

Đây là kết quả đã được giới chuyên gia dự đoán khi đánh giá về những thách thức trong quan hệ song phương Nga – Nhật.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Moskva ngày 22/1/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm kín kéo dài trong 3 giờ đồng hồ. Với thời lượng đàm phán như vậy, có thể nói ông Putin và ông Abe đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, đề cập đến những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ hai nước. Đây là cuộc hội đàm lần thứ 25 giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Abe và là cuộc gặp thứ hai trong vòng một tháng, sau cuộc gặp cấp cao tại Argentina. Hai nhà lãnh đạo cũng xác nhận sẽ tiến hành hội đàm cấp cao tiếp theo vào tháng 6 tới tại Nhật Bản.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Putin khẳng định hai bên đã thảo luận về triển vọng hoàn tất một hiệp ước hòa bình và mục tiêu chung là đảm bảo sự phát triển toàn diện và lâu dài quan hệ song phương Nga – Nhật. Ông Putin nhấn mạnh các nhà đàm phán cần tìm ra giải pháp mềm dẻo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân hai nước.

Tuyên bố trên của Tổng thống Nga báo trước chặng đường đàm phán khó khăn của hai nước liên quan đến nhóm đảo tranh chấp mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Trong thời điểm diễn ra chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Nga, đã xảy ra biểu tình của những người dân Nga yêu cầu không trao trả nhóm đảo tranh chấp cho Nhật Bản. Trong khi đó, người dân Nhật Bản cũng biểu tình tại Tokyo đòi Nga trả đảo.

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga, Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng thừa nhận “Không dễ dàng giải quyết một trở ngại tồn tại hơn 70 năm qua”. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định quyết tâm nỗ lực để hóa giải được thách thức này. Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin và tôi, chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, mối quan hệ giữa những người bạn và hướng tới một giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

Ít nhiều trong cuộc hội đàm cấp cao lần này, Tổng thống Nga đã có thái độ mềm dẻo hơn nhiều khi ông không để cập đến hai bất đồng lâu nay giữa hai nước, đó là việc Moskva yêu cầu Tokyo công nhận chủ quyền của Nga đối với nhóm đảo tranh chấp, và mối quan ngại về khả năng lực lượng Mỹ có thể đồn trú trên các đảo mà Nga đồng ý trao trả cho Nhật Bản.

Theo Tuyên bố chung 1956 Liên Xô – Nhật Bản, đảo Habomai và Shikotan theo cách gọi của Nhật (Nga gọi là Khabomai và Shicotan), hai đảo nhỏ trong số bốn đảo thuộc nhóm đảo tranh chấp, sẽ được trao trả cho Nhật Bản sau khi hai bên hoàn tất hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, hiện nay, Nga và Nhật Bản vẫn bất đồng về vấn đề công nhận chủ quyền của hai hòn đảo này. Tokyo cho rằng việc trao trả hai đảo trên đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nhật Bản với nhóm đảo này.

Trong khi đó, Moskva tuyên bố việc trao trả không liên quan đến việc khẳng định nước nào có chủ quyền đối với hai đảo sau khi trao trả, Trước đó, trong cuộc gặp ngày 14/1 tại Moskva với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thẳng thừng tuyên bố cứng rắn: “Đàm phán hiệp ước hòa bình sẽ rất khó có tiến triển nếu Nhật Bản không công nhận chủ quyền của Nga đối với nhóm đảo tranh chấp”.  

Hai hòn đảo trên chỉ chiếm 7% trong tổng số diện tích của nhóm đảo tranh chấp vốn có diện tích 5.000km2 với vùng biển liền kề được đánh giá có nguồn tài nguyên hải sản dồi dào. Trừ đảo Habomai/Khabomai không có người sinh sống, hiện tại, gần 17.000 người Nga cư trú trên ba hòn đảo còn lại. 

Trong bối cảnh Moskva không có ý định trả cho Nhật Bản hai đảo lớn trong nhóm đảo này, nguồn tin chính phủ Nhật Bản tiết lộ ông Abe đang hướng về việc chấp nhận một hiệp ước hòa bình với Nga nếu như Moskva đảm bảo trao trả hai đảo nhỏ nêu trên. Nếu được thực thi, đây sẽ là sự chuyển hướng mang tính bước ngoặt trong quan điểm của Nhật Bản vì trước đó Tokyo vẫn yêu cầu Moskva trao trả cả bốn đảo.

Về phía Nga, nước này cho rằng để thúc đẩy đàm phán hiệp ước hòa bình, Nhật Bản cần có các biện pháp tăng cường lòng tin, cụ thể là tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Tổng thống Nga cho rằng mặc dù thương mại và đầu tư giữa hai nước có phát triển, song vẫn chưa tương xứng.

Ông Putin đã mời doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án hạ tầng của Nga như tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hệ thống đường sắt xuyên Siberi, cũng như tăng cường sử dụng lộ trình hàng hải tại Bắc Cực.

Tổng thống Nga đã đề xuất mục tiêu rõ ràng, đó là tăng thương mại song phương tối thiểu 50%, tương đương 30 tỷ USD, trong những năm tới. Trong khi tiến trình đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng về vấn đề tranh chấp vẫn chưa có một định hình chi tiết, triển vọng phát triển quan hệ kinh tế song phương rõ ràng hơn với những mục tiêu cụ thể mà Moskva đề xuất với Nhật Bản. Cho tới nay, hợp tác kinh tế, đặc biệt tại các khu vực quần đảo tranh chấp, vẫn được xem như chìa khóa mở cánh cửa để tiến tới một thỏa thuận giải quyết bất đồng dai dẳng giữa hai nước.

Việc hai nhà lãnh đạo duy trì tiếp xúc tần suất cao được coi dấu hiệu thuận lợi cho tiến trình đàm phán hiệp ước hòa bình song phương. Điều này thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của cả Nga và Nhật Bản đối với việc hoàn tất văn kiện có thể đặt nền móng cho quan hệ hai nước trong tương lai này. Tuy nhiên, con đường đàm phán trước mắt rõ ràng còn nhiều gập ghềnh, bởi một giải pháp nhận được sự đồng tình của người dân hai nước, đồng nghĩa với việc bảo đảm lợi ích chiến lược cốt lõi của cả Nga và Nhật Bản, luôn là bài toán hóc búa nhất.

NGUYỄN TUYẾN (TTXVN)