09:09 24/09/2011

Con đường chông gai

Ngày 23/9, Tổng thống Mahmoud Abbas chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) với tư cách thành viên đầy đủ của Nhà nước Palextin theo những đường biên giới năm 1967.

Ngày 23/9, Tổng thống Mahmoud Abbas chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) với tư cách thành viên đầy đủ của Nhà nước Palextin theo những đường biên giới năm 1967. Động thái này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền Palextin mặc dù họ hiểu đây sẽ là một con đường gian nan không kém gì tiến trình đàm phán song phương với Ixraen luôn bị đổ vỡ.

Gian nan trước tiên là lực cản từ Ixraen, một đối tác đàm phán khó khăn và khó lường. Bất chấp nhượng bộ của Palextin là chỉ yêu cầu thành lập một nhà nước độc lập với đường biên giới năm 1967, Ixraen vẫn từ chối với một lý do không thể nào phi lý hơn "các đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967 là không thể bảo vệ được". Tham vọng của Ixraen là giữ nguyên các khu định cư mà Nhà nước Do thái đã xây dựng tại Bờ Tây, trong khi đây lại là các khu định cư bất hợp pháp, được xây dựng trên lãnh thổ của người Palextin. Thậm chí, ngay trong thời gian đàm phán với Palextin, Ixraen vẫn ngang nhiên mở rộng phạm vi các khu định cư này, đẩy tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc.

Thế nhưng, ngay khi Palextin công bố quyết định đưa vấn đề công nhận nhà nước độc lập lên Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ, Ixraen cuống cuồng níu kéo Palextin trở lại đàm phán. Có vẻ Nhà nước Do thái hiểu rằng một khi vấn đề Palextin đã trình lên ĐHĐ, họ sẽ đối mặt với sự ủng hộ của đại đa số thành viên trong ĐHĐ dành cho Palextin. Dự kiến, có tới 127 quốc gia trên tổng số 193 nước thành viên LHQ sẵn sàng ủng hộ Palextin.

Lực cản thứ hai là Mỹ, quốc gia trong Nhóm Bộ Tứ bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Là đồng minh thân cận nhất của Ixraen, nhưng lâu nay, hòa giọng với cộng đồng quốc tế, Nhà Trắng luôn phản đối Ixraen xây dựng các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Palextin bị chiếm đóng và thường xuyên khẳng định "ủng hộ Nhà nước Palextin độc lập với đường biên giới trước 1967". Tuy nhiên, trong vài ngày qua, trước nguy cơ tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông vuột khỏi tầm kiểm soát của mình, Mỹ đã thẳng thừng phản đối nỗ lực của Palextin và thậm chí còn thực hiện các hoạt động ngoại giao dồn dập nhằm chặn trước con đường đưa Palextin gia nhập vào đại gia đình LHQ. Bởi vì, đối với Nhà Trắng, một khi đã dùng đến lá phiếu phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an LHQ, nước Mỹ không chỉ bị đẩy vào một cuộc chiến ngoại giao với Palextin cùng với hơn 100 quốc gia ủng hộ, mà còn là một minh chứng rõ ràng nhất về sự thiên vị của Nhà Trắng dành cho Ixraen, bất chấp nước đồng minh này có những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Con đường mà Palextin đã chọn sẽ "rất khó khăn". Tuy nhiên, Tổng thống Abbas đã khẳng định: "Palextin sẽ vượt qua mọi thời khắc khó khăn" để đạt được nguyện vọng hàng thập kỷ qua, đó là được công nhận là một nhà nước độc lập với đầy đủ chủ quyền và bình đẳng như các nhà nước độc lập khác trên thế giới.

Cẩm Tuyến