07:21 16/07/2015

Con đường chông gai còn ở phía trước

Việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran hôm 14/7 đã là một điều khó khăn, nhưng giờ đây thỏa thuận này còn cần phải được phê chuẩn, thực thi và duy trì trong nhiều năm sau đó. Giới chuyên gia cảnh báo rằng con đường phía trước đối với vấn đề hạt nhân Iran vẫn còn rất nhiều chông gai.

Việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran hôm 14/7 đã là một điều khó khăn, nhưng giờ đây thỏa thuận này còn cần phải được phê chuẩn, thực thi và duy trì trong nhiều năm sau đó. Giới chuyên gia cảnh báo rằng con đường phía trước đối với vấn đề hạt nhân Iran vẫn còn rất nhiều chông gai.

Trở ngại đầu tiên của thỏa thuận này (trong đó Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để được gỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt) đó là Quốc hội Mỹ - vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của phe Cộng hòa, những người hoài nghi về thỏa thuận với Iran. Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận. Đây sẽ là khoảng thời gian đầy kịch tính với các hoạt động vận động hành lang tăng cường của cả hai phe. Nhiều người Mỹ chia sẻ quan ngại của Israel rằng thỏa thuận này không đủ sức răn đe.

Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 14/7 về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ảnh: AFP/TTXVN


Quốc hội Mỹ có thể thông qua một nghị quyết ngăn chặn Tổng thống Barack Obama gỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. Ông Obama có thể phủ quyết nghị quyết này, song phe đối lập có thể vượt qua quyền phủ quyết của ông nếu họ huy động được 2/3 số phiếu ủng hộ. Thời gian xem xét thỏa thuận có thể kéo dài lên tới 82 ngày, bắt đầu từ khi các văn kiện được đệ trình lên Quốc hội Mỹ.

Tại Iran, việc phê chuẩn thỏa thuận này dễ dàng hơn. Thỏa thuận sẽ được trình lên Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao - cơ quan gồm những nhân vật được Đại giáo chủ Ali Khamenei bổ nhiệm - và sau đó là Quốc hội nước này.

Suzanne Maloney, nhà phân tích làm việc tại Viện Brookings, cho rằng cuối cùng thì Quốc hội Mỹ cũng "không thể lật ngược được một thỏa thuận đa phương". Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ vẫn có thể gây trở ngại trong giai đoạn tiếp theo sau khi Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận vừa được ký kết với Iran - đó là giai đoạn thực thi thỏa thuận.

Ngày 14/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thừa nhận điều này: "Chúng ta hiện đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn không kém phần quan trọng và có thể rất khó khăn, đó là giai đoạn thực hiện thỏa thuận".

Những quy định nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran được đưa ra trong thỏa thuận sẽ cần thời gian để thực hiện, có thể là vài tháng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát của Liên hợp quốc, vốn đã rất thiếu nhân lực và tiền bạc, sẽ phải chịu trách nhiệm giám sát.
Song song với việc Iran cắt giảm quy mô chương trình hạt nhân, các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trong những năm qua cũng sẽ dần được dỡ bỏ.

Một phần nguyên nhân khiến tiến trình đàm phán kéo dài là sự phức tạp trong việc vạch ra lộ trình dỡ bỏ lệnh cấm vận. Và nhiều người thậm chí còn cho rằng việc triển khai kế hoạch này sẽ không trơn tru và đơn giản. Có lẽ phần khó thực hiện nhất của thỏa thuận là việc buộc các bên tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết trong dài hạn, cho dù một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để giám sát và xử lý những vi phạm.

Một câu hỏi khác mà nhiều người đang đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu các nhân vật có tư tưởng chống đối thỏa thuận lên nắm quyền tại Iran và Mỹ? Mặc dù Tổng thống Obama có thể dỡ bỏ những lệnh trừng phạt hiện hành, song các điều luật quy định việc tái áp đặt lệnh trừng phạt vẫn tồn tại trên văn bản, đồng nghĩa với việc người kế nhiệm ông hoàn toàn có thể sử dụng quyền hạn của mình để đưa ra các lệnh trừng phạt mới.

Ngoại trưởng Kerry đã khẳng định "những thách thức vẫn chưa hết", và cuối cùng "thỏa thuận có tồn tại hay không phụ thuộc vào việc giới lãnh đạo các nước liên quan tôn trọng và hiện thực hóa các cam kết như thế nào". 

TTK