11:00 17/11/2011

Cơn "địa chấn tài chính" châu Âu đang bao trùm nước Mỹ

Tác động của cơn "địa chấn tài chính” tại châu Âu đã và đang ảnh hưởng đến các công ty và người tiêu dùng Mỹ. Đó là nhận định của giới chuyên gia được tạp chí "Stars & Stripes" của Mỹ số ra mới đây đăng tải.

Tác động của cơn "địa chấn tài chính” tại châu Âu đã và đang ảnh hưởng đến các công ty và người tiêu dùng Mỹ. Đó là nhận định của giới chuyên gia được tạp chí "Stars & Stripes" của Mỹ số ra mới đây đăng tải.

Mặc dù đến nay hậu quả của cơn "địa chấn" đã được hạn chế, nhưng Mỹ và châu Âu có quan hệ quá chặt chẽ nên hai bên đều cảm thấy "dư chấn" lan tỏa khắp Đại Tây Dương. Tất cả các nhà sản xuất ô tô, tấm thu năng lượng Mặt Trời, dược liệu, quần áo và thiết bị máy tính đều báo cáo bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại số một của Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2011, giá trị trao đổi thương mại giữa hai bên đạt 475 tỷ USD. Khoảng 14% thu nhập của 500 công ty lớn nhất Mỹ, tức khoảng 1.300 tỷ USD, đến từ châu Âu. Kinh tế Mỹ rất dễ bị tác động bởi cuộc khủng hoảng châu Âu bởi bản thân nền kinh tế Mỹ đang phát triển rất yếu và đứng trước nhiều rủi ro như: Thuê nhân công ít, thanh toán chậm, chi phí năng lượng cao, thâm hụt thương mại và chính phủ cắt giảm chi tiêu. Ông Sung Won Sohn, Giáo sư kinh tế của Đại học Tổng hợp bang California, nói: "Chẳng bao lâu nữa, cuộc khủng hoảng sẽ đẩy Mỹ vào một đợt suy thoái khác. Nếu châu Âu tiếp tục khó khăn hơn, điều đó cũng sẽ làm cho Mỹ và thế giới khó khăn". Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng cuộc khủng hoảng của châu Âu có thể làm mất 1% điểm tăng trưởng của Mỹ.

Mặc dù châu Âu không bị sụp đổ, nhưng tình trạng rối loạn đang tác động đến các công ty và người tiêu dùng Mỹ qua nhiều hình thức như: Các biến động trên thị trường chứng khoán gây lo lắng cho người tiêu dùng, khiến họ thận trọng hơn trong việc chi tiêu; các công ty Mỹ làm ăn với châu Âu đang lâm vào tình trạng buôn bán ế ẩm, giá cả và lợi nhuận thấp hơn; các ngân hàng trên thế giới đang cắt giảm các khoản cho vay và tích trữ tiền mặt để sẵn sàng đối phó với những thiệt hại do nắm giữ nợ của Hy Lạp, Italia và các chính phủ châu Âu khác; vì chưa biết châu Âu có thể gây thiệt hại bao nhiêu, các công ty Mỹ không muốn tung tiền mặt để thuê mướn nhân công và đầu tư kinh doanh.

Tất nhiên không phải tất cả các công ty Mỹ đều bị ảnh hưởng ở châu Âu. Gần đây, các công ty như McDonald's Corp., Kraft Foods Inc., Sara Lee Corp. và Oracle Corp báo cáo hoạt động kinh doanh đạt kết quả tốt tại châu Âu. Nhưng lợi nhuận của tập đoàn General Motors Co bị giảm 15%, chủ yếu do sản phẩm bán không chạy, trong khi chi phí hoạt động lại tăng. Tuần trước, ông Dan Ammann, Giám đốc phụ trách tài chính của công ty GM, khẳng định: "Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn". Công ty First Solar, đặt trụ sở tại thành phố Phoenix của Mỹ, đang hoãn các kế hoạch kết thúc xây dựng một nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng Mặt Trời tại Việt Nam do mặt hàng này đang tràn ngập thị trường. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng này là nhu cầu tại châu Âu - thị trường tiêu thụ tấm thu năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới - đang co lại. Nhiều công ty nhỏ hơn của Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Xuất khẩu rượu vang của Mỹ đang gặp khó khăn do nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu giảm và đồng euro mất giá làm rượu vang của Mỹ đắt hơn. 38% rượu vang xuất khẩu của Mỹ có điểm đến là EU.

Đối với các ngân hàng, cuộc khủng hoảng của châu Âu đáng sợ hơn, vì họ nắm giữ nợ của các chính phủ châu Âu. Tuần trước. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke phát biểu rằng, châu Âu gây nên "rủi ro nghiêm trọng" cho nền kinh tế Mỹ.

Những khó khăn của châu Âu đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán ở Mỹ trong nhiều tháng qua. Nhà kinh tế David Hensley của tập đoàn ngân hàng và đầu tư JPMorgan Chase cho biết, giá chứng khoán giảm làm người tiêu dùng cảm thấy nghèo hơn và một số người đã bớt chi tiêu. Và điều này sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Nỗi lo ngại ngày càng tăng ở Mỹ khi mùa mua sắm - đóng góp tới 40% thương mại hàng năm của các công ty bán lẻ - đang rục rịch khởi động. Ông Brian Dodge thuộc Hiệp hội Công nghiệp của Các nhà lãnh đạo bán lẻ tại Mỹ cho biết: "Ngành công nghiệp bán lẻ nhạy cảm nhất với tất cả các cuộc khủng hoảng trong nước và quốc tế, bởi vì nó ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng".

Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)